Điểm đặc biệt của Joost chính là việc mạng truyền hình trực tuyến này tuyên bố sẽ cung cấp nội dung hợp pháp có đầy đủ bản quyền hoàn toàn miễn phí. Không chỉ biến máy tính thành một chiếc tivi thật sự, mạng truyền hình trực tuyến Joost còn cho phép người xem giao lưu, bình phẩm chương trình và trực tiếp sản xuất, phát sóng các chương trình họ tự sản xuất.
Giám đốc điều hành Joost, ông Mike Volpi, cho biết sau quá trình thử nghiệm, đến nay Joost đã có trên 2 triệu người dùng, tương đương với kỷ lục 100.000 lượt người đăng ký/mỗi ngày. Bước đầu, người Mỹ sẽ được xem hài kịch và phim khoa học viễn tưởng. Người Mỹ Latinh và Brazil được xem âm nhạc. Trong khi đó, người châu Âu được xem phim nhiều thể loại.
Joost hiện hoàn toàn miễn phí. Song người dùng phải chấp nhận “sống chung” với quảng cáo. Ông Volpi hi vọng dịch vụ sẽ nhanh chóng thu hút được nhiều quảng cáo hơn trong tương lai, đặc biệt là loại hình quảng cáo tương tác.
Về mặt nội dung, ông Volpi cho biết tương lai người dùng sẽ được xem nhiều loạt chương trình truyền hình có tiếng hơn cũng như những nội dung người dùng tự tạo được lấy về từ các dịch vụ như YouTube. Hiện Joost đang tiến hành đàm phán cung cấp nội dung với các kênh truyền hình.
Joost là thành quả hợp tác của nhiều nhà cung cấp khác nhau, nhưng các nhà thiết kế của dịch vụ điện thoại Internet Skype đóng vai trò xây dựng. Coca Cola, Nike và một số công ty khác đã tài trợ Joost để được quảng cáo. Một số nhà sản xuất truyền hình như CNN, CBS, Viacom đã ký hợp tác về nội dung...
Xét thấy thị trường truyền hình trực tuyến sẽ là mảnh đất màu mỡ trong tương lai. Thời gian qua, rất nhiều tên tuổi lớn trong “làng Internet” có thể kể như AOL, MSN hay Yahoo đã đầu tư rất mạnh xây dựng kênh truyền hình riêng cho mình. Người khổng lồ trong lĩnh vực truyền thông News Corp đã bỏ cả một đống tiền để xây dựng kênh truyền hình MySpace TV. Bên cạnh truyền hình vệ tinh hay truyền hình theo yêu cầu, các hãng viễn thông toàn cầu giờ đây còn đầu tư cho truyền hình số trực tuyến IPTV.
Những sự đầu tư mạnh tay như thế đã góp phần tạo nên một sự bùng nổ những hình thức xem và tương tác với chương trình truyền hình mới. Song các chuyên gia trong ngành có mặt tại MIPCOM 2007 lại bày tỏ sự lo ngại, không biết “sự bùng nổ” đó sẽ dẫn chúng ta đi đâu về đâu. Nhưng có lẽ mọi người trong chúng ta đều nhớ rất rõ Internet đã thay đổi cuộc sống thế giới như thế nào.
Theo TTO