Cập nhật: 08/10/2007 |
Coi công nghiệp CNTT là mũi nhọn thực sự |
|
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, kích cầu cho công nghiệp CNTT.
|
|
Tăng sức cạnh tranh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp CNTT Việt Nam phát triển sẽ là một ưu tiên - đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Doãn Hợp tại cuộc họp về công tác quản lý nhà nước về công nghiệp CNTT ngày 4/10.
Cụ thể, Bộ sẽ nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, kích cầu cho công nghiệp CNTT và tạo điều kiện các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực CNTT. Trong đó, ưu tiên số một sẽ là chính sách thuế. Sắp tới Bộ TT&TT và ngành thuế sẽ cùng bàn bạc để tìm ra chính sách thuế hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển công nghiệp CNTT. Bộ cũng đang xây dựng cơ chế đặc thù cho đào tạo nhân lực; danh mục phần mềm nguồn mở đáp ứng yêu cầu sử dụng của các cơ quan nhà nước; danh mục sản phẩm CNTT trong nước ưu tiên mua sắm trong các dự án CNTT sử dụng vốn ngân sách...Ngoài ra, để hỗ trợ kịp thời ngành phần mềm, Bộ trưởng cho biết cuối năm 2007, Bộ sẽ ra mắt chính thức Viện Công nghệ Phần mềm và Nội dung số đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập (ngày 19/7/2007).
Theo báo cáo của Vụ Công nghiệp CNTT (Bộ TT&TT), ngành công nghiệp CNTT Việt Nam hiện nay là ngành kinh tế mũi nhọn với doanh thu 3 tỷ USD năm 2006. Trong đó, công nghiệp điện tử và máy tính chiếm tới 2 tỷ USD (1,8 tỷ là xuất khẩu), phần mềm 350 triệu USD (doanh thu từ phần mềm nội địa là 250 triệu USD, còn lại xuất khẩu) và công nghiệp nội dung số đạt 110 triệu USD.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thì những thành tựu của công nghiệp CNTT còn khiêm tốn, không tương xứng với tiềm năng, lợi thế cả về con người và thời cuộc. Bộ máy tổ chức, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này còn nhỏ lẻ, manh mún... Chính vì vậy, Bộ trưởng đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức, coi công nghiệp CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn thực sự, là lợi thế vốn có của Việt Nam và là “bà đỡ” của ứng dụng CNTT.
Theo Ictnews |