Thứ tư, 08/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 08/10/2007
Làn sóng Web tìm kiếm Việt

Cư dân mạng trong nước sắp sửa đón chào loạt "series" web tìm kiếm Việt, dự báo sẽ rất thu hút nhờ biết "đánh" vào thị hiếu như tìm bài hát, phim, blog và đặc biệt là tiếng Việt có dấu.

Rầm rộ phát triển web tìm kiếm Việt

Công ty VinaGame vừa loan báo sẽ chính thức ra mắt trang web tìm kiếm bài hát Zing MP3 (http://mp3.zing.vn) vào tháng 11/2007 tới. Trang web này của VinaGame là một phần mềm tự động tìm kiếm thông tin từ các nguồn nhạc miễn phí trên Internet và hỗ trợ người dùng truy xuất dễ dàng tới các nguồn nhạc đó. Ngoài chức năng tìm kiếm nhạc trực tuyến, Zing MP3 còn được bổ sung tiện ích cho phép người dùng tạo danh sách bài hát (playlist) yêu thích để nghe bất kỳ lúc nào hoặc chia sẻ cho bạn bè, người thân qua hình thức gửi thư điện tử. Để tránh nguy cơ liên quan bản quyền âm nhạc, Zing MP3 không lưu trữ các file nhạc số, mà chỉ cung cấp cho người dùng thông tin để truy xuất tới các file nhạc đang được cung cấp miễn phí trên Internet.

Ngoài ra, một loạt dự án web tìm kiếm khác của Việt Nam đang trong giai đoạn thử nghiệm và sắp sửa ra mắt chính thức.

Baamboo (baamboo.com), trang web tìm kiếm tương tự như Zing MP3 của Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam, dự kiến sẽ chính thức ra mắt trong tháng 10 này. Ngoài chức năng tìm kiếm bài hát, Baamboo còn có khả năng tìm kiếm các bộ phim và tra cứu từ điển trực tuyến với nhiều loại ngôn ngữ.

Công ty Tinh Vân cũng đang âm thầm vực dậy Vinaseek, trang web tìm kiếm một thời nổi đình nổi đám ở Việt Nam. Từ đầu năm 2007, Tinh Vân đã tuyên bố sẽ đầu tư 1 triệu USD nâng cấp Vinaseek với tham vọng dành lại những gì đã mất từ tay Google. Chưa tiết lộ cụ thể về những đổi mới của Vinaseek nhưng ông Hoàng Tô, Chủ tịch hội đồng quản trị của Tinh Vân cho biết: “một hai tháng tới sẽ làm cho Google bất ngờ”. Theo đại diện của Tinh Vân thì đầu tư vực dậy Vinaseek đã tăng từ 1 triệu USD như dự kiến ban đầu lên tới 2,5 triệu USD.

Một trang web tìm kiếm khác là Socbay (socbay.com) của công ty Naiscorp cũng dự kiến sẽ ra mắt chính thức muộn nhất là vào đầu năm tới. Socbay hiện đang thử nghiệm dịch vụ tìm kiếm thông tin tổng hợp, tìm hình ảnh và tìm bài hát (MP3).

Cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm còn có trang web tìm kiếm 7sac (www.7sac.com) cung cấp các dịch cụ tìm kiếm tin tức (tổng hợp từ các báo điện tử trong nước), tìm bài hát, tìm phim và tìm blog.

Ngoài ra, trước đó đã có một vài trang web tìm kiếm của Việt Nam ra mắt chính thức như trang web Timnhanh (www.timnhanh.com) của Công ty cổ phần mạng trực tuyến Việt Nam (VON), trang web 123Go (www.123go.vn) chuyên về tìm kiếm tin rao vặt (điện thoại di động, nhà đất, xe máy, ôtô), hay trang web tìm bản đồ (www.diadiem.com).

Tránh đối đầu với “đại gia”

Cùng với Vinaseek, Socbay là một trong số ít trang web tìm kiếm trong nước xây dựng công nghệ tìm kiếm riêng. Theo ông Nguyễn Xuân Tài, Tổng giám đốc Công ty Naiscorp - hiện sở hữu Socbay, “họ đã tự mày mò phát triển công nghệ tìm kiếm riêng cho Socbay từ năm 2002”. Hiện nay, Socbay có thể trả kết quả tìm kiếm chỉ trong nửa giây. So với Google, ông Tài tin rằng “khả năng hiểu ngôn ngữ tiếng Việt của Socbay tốt hơn nên có thể trả kết quả tìm tiếng Việt có dấu tốt hơn”. Tuy nhiên, “chúng tôi không thể đối đầu trực diện với Google về khả năng công nghệ, vì thế mục tiêu của Socbay là phát triển một hệ sinh thái các dịch vụ tìm kiếm chuyên biệt có tính liên kết nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng”, ông Tài cho biết.

Khác với Socbay, Timnhanh ngay từ đầu đã hợp tác sử dụng công nghệ tìm kiếm của Yahoo. Theo ông Phan Đăng Dũng, Giám đốc tiếp thị của Công ty VON, ưu thế của Timnhanh là định hướng công cụ tìm kiếm của Yahoo vào tiếng Việt nhiều hơn, nên có thể cho ra kết quả tìm kiếm tiếng Việt có dấu tốt hơn. Cụ thể như tìm từ “ước gì” trên Timnhanh cho ra 3,51 triệu kết quả, trong khi đó Google chỉ có 2,84 triệu kết quả. Ngoài lợi thế về dữ liệu tiếng Việt tốt hơn, Timnhanh hướng đến việc mở các dịch vụ tìm kiếm đặc thù, trở thành cổng thông tin tích hợp giống như Yahoo.

Có thể nói, xu hướng chung của các web tìm kiếm trong nước là tránh đối đầu trực diện với các đại gia. Hầu hết các trang web tìm kiếm của Việt Nam chú trọng chính vào phát triển các dịch vụ tìm kiếm chuyên biệt để thu hút khách hàng, phổ biến là dịch vụ tìm bài hát, phim, tin tức, blog, việc làm và bản đồ.

Gây dựng thương hiệu bằng phục vụ miễn phí

Rầm rộ thử nghiệm và ra mắt chính thức, nhưng đến thời điểm này các trang web tìm kiếm trong nước vẫn xác định là phục vụ miễn phí người dùng để gây dựng thương hiệu. Ví dụ với Socbay, ông Nguyễn Xuân Tài cho biết “hiện tại công ty đang phải tự trang trải đầu tư, dự tính phải 3-4 năm tới mới tính chuyện có thu”. Tương tự, theo ông Phan Đăng Dũng, Giám đốc tiếp thị của Công ty VON, “mục tiêu ban đầu đặt ra của Timnhanh là 3 năm tới sẽ có lời”.

Theo các doanh nghiệp, nguồn thu của các trang web tìm kiếm chủ yếu là từ quảng cáo PPC (pay per click - trả tiền quảng cáo cho mỗi lần kích chuột qua công cụ tìm kiếm theo từ khoá, danh sách hiển thị ưu tiên, danh sách nhà tài trợ…). Tuy nhiên, thời điểm hiện nay dường như chỉ có các doanh nghiệp lớn nước ngoài mới có khái niệm về quảng cáo PPC, còn các doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm.

Trong khi đó, đầu tư xây dựng và duy trì các hệ thống tìm kiếm không phải là nhỏ. Theo một số doanh nghiệp thì tiền đầu tư cho con người, máy móc thiết bị nhất là máy chủ cho một trang web tìm kiếm thực sự chắc chắn không dưới tiền triệu đô. Cụ thể, trang web Timnhanh của công ty VON hiện có 400 người phục vụ, bên cạnh đó là một khoản chi phí không nhỏ cho máy chủ, cơ sở hạ tầng, đường truyền… Vì vậy, theo ông Phan Đăng Dũng, “nếu không có đầu tư lớn thì không thể làm được dịch vụ tìm kiếm”. Trang web Timnhanh đã được quỹ đầu tư VinaCapital rót 2 triệu USD, và “dự kiến sắp tới VinaCapital sẽ tăng thêm vốn đầu tư cho Timnhanh”, ông Dũng cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Tài cũng hy vọng  Socbay trong năm nay sẽ tìm được “Mạnh thường quân” rót khoảng 3-4 triệu USD.

Mặc dù khó khăn về đầu tư, nhưng các dự án web tìm kiếm đang có tiềm năng phát triển khả quan. Việt Nam hiện có 16 triệu người sử dụng Internet. Hơn nữa, theo dự báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu duy trì được tốc độ phát triển như hiện nay thì đến năm 2010, Việt Nam sẽ có khoảng 30 triệu người dùng Internet. Đây là cơ sở quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp đặt cược vào thị trường dịch vụ tìm kiếm trực tuyến.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0