Cập nhật: 05/10/2007 |
Đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực thông tin |
|
Đại sứ Vương quốc Na Uy tại Việt Nam, Ngài Kjell Magne Storlokken bày tỏ sự quan tâm đến quan điểm của Chính phủ Việt Nam về thông tin và truyền thông, cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông trong cuộc gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Doãn Hợp chiều 4/10/2007 tại Hà Nội.
|
|
Cám ơn sự quan tâm của ngài Đại sứ Na Uy đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết Việt Nam là nước có tốc độ phát triển báo chí rất nhanh. “Nếu như cách đây 7 năm, Việt Nam mới có khoảng 100 tờ báo thì hiện giờ con số này đã là 700 tờ báo” - Bộ trưởng khẳng định. Chính điều này đã đóng góp mạnh vào việc thay đổi nhận thức và phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.
Báo chí Việt Nam đã cung cấp thông tin phong phú của thế giới cho độc giả Việt Nam, cung cấp các thông tin định hướng, chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước tới nhân dân, tuyên truyền những gương người tốt, việc tốt trong quá trình đổi mới của đất nước, tham gia vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, lãnh phí, tham nhũng và cung cấp thông tin của Việt Nam ra nước ngoài.
Trả lời câu hỏi của Đại sứ Na Uy về nhân quyền tại Việt Nam, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết: “Vấn đề nhân quyền là vấn đề được Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm”. Ông nhấn mạnh rằng trong lịch sử 4.000 năm của dân tộc Việt Nam, “chúng tôi đã có 3.000 năm đấu tranh cho nhân quyền nên rất hiểu tầm quan trọng của vấn đề này”. Ngoài ra, Bộ trưởng còn cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm chăm lo phát triển dân chủ trong xã hội bằng cách giải quyết các đơn thư khiếu nại và những ý kiến bất đồng trong xã hội”.
Đối với vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ báo cáo và tư vấn cụ thể với Chính phủ trong thời gian tới các bước đi thích hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài tham gia vào quá trình cổ phần hóa các công ty viễn thông Việt Nam. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng: “Cách tốt nhất để thu hút tài chính, chất xám của nước ngoài vào Việt Nam là tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào việc cổ phẩn hóa các công ty trong nước”.
Theo ictnews |