Một đề án được nhiều người mong đợi
|
Người dân đang truy cập thông tin tại tòa án TPHCM. Ảnh: Đinh Văn Quynh
|
TPHCM luôn có số lượng vụ án các loại phải giải quyết nhiều nhất so với cả nước, trong khi số lượng thẩm phán và các phòng xử có hạn, do đó làm chậm tiến độ xét xử các vụ án. Từ Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về công tác tư pháp đến năm 2020, lãnh đạo TAND TPHCM quyết tâm xây dựng cổng thông tin cho ngành nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Được sự hưởng ứng nhiệt tình và chỉ đạo của nguyên Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thiện Nhân, UBND TPHCM và Sở Bưu chính - Viễn thông đã bắt tay ngay vào đầu tư vật chất kỹ thuật, đào tạo các chuyên gia nhằm xây dựng một hệ thống tin học hiện đại và đồng bộ phục vụ việc xét xử nhanh, chính xác, thuận lợi, đồng thời bảo mật tốt dữ liệu, cập nhật kịp thời tin tức, thông tin quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án.
Thông qua cổng thông tin này, người dân khi truy cập có thể biết ngay kết quả vụ án mà không phải nhờ vả qua nhiều “cửa”. Ngoài ra, hệ thống mạng còn giúp lãnh đạo chỉ đạo kịp thời công tác; giám sát minh bạch, công khai quá trình xử lý, giải quyết vụ án, chống tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, gây khó khăn cho người dân. Sau những nỗ lực không ngừng của tập thể lãnh đạo tòa án, ngày 1-9-2006, website tandtp.hcm chính thức ra đời, tham gia vào mạng thông tin tích hợp trên Intenet của thành phố (hcmcityWeb), tại địa chỉ http//www.tand.hochiminhcity.gov.vn.
Có tòa điện tử sẽ giảm thiểu tiêu cực
Sau một năm chính thức hoạt động, hệ thống mạng đã chứng tỏ sự ưu việt của mình, giúp TAND TPHCM thu được nhiều kết quả. Website đã cập nhật thông tin, cung cấp cho người dân đầy đủ các văn bản pháp luật, lịch xét xử, hướng dẫn người dân các thủ tục khởi kiện, thủ tục xóa án tích, thủ tục sao lục bản án, hướng dẫn thủ tục phá sản, ý kiến công dân, thi hành án hình sự, trại lao động cải tạo...
Ông Thái Văn Tuấn, Phó Chánh Văn phòng TAND TPHCM người phụ trách đề án tin học hóa này, cho biết: Phấn đấu tới năm 2008, tòa án sẽ kết nối mạng với 24 quận huyện để phục vụ tốt nhất yêu cầu của người dân thành phố, đặc biệt thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền theo định hướng XHCN, từng bước công khai, minh bạch hoạt động của tòa án, thực hiện công khai việc chống tham nhũng trong cán bộ công chức ngành tòa án TP v.v...
Hiện tại, người dân có thể truy cập để xem đầy đủ thông tin, lịch xét xử, thông tin nội dung vụ án, quan hệ tranh chấp, tội phạm, ngày xét xử, thẩm phán chủ tọa phiên tòa là ai, phòng xử án, thông tin hoãn phiên tòa cũng được cập nhật kịp thời cho đương sự qua hệ thống các kiốt máy tính đặt ngoài hành lang của tòa. Các biểu mẫu tố tụng, thủ tục khởi kiện các loại vụ án đều được đưa lên mạng, người dân có thể tự truy cập theo hướng dẫn tiếng Việt rất tiện lợi. Đặc biệt, danh sách lãnh đạo, thẩm phán của thành phố, quận huyện có đầy đủ hình ảnh, trụ sở điện thoại, e-mail.
Trao đổi với người dân và luật sư tại tòa án, chúng tôi được biết: trước khi chưa có kiốt và địa chỉ website, họ rất vất vả và tốn thời gian khi liên hệ làm việc với thẩm phán, thư ký, thậm chí còn phải tốn nhiều khoản phí mới được biết thông tin vụ án, lịch xét xử, hoãn phiên tòa, phòng xử án, văn bản... Còn bây giờ, mọi việc rất thuận lợi, ở nhà cũng có thể biết ngay thông tin cần thiết... Đặc biệt, khi liên hệ làm việc nếu người dân phát hiện cán bộ công chức có biểu hiện tiêu cực nhũng nhiễu, sẽ điện thoại ngay cho đường dây nóng gặp ngay lãnh đạo giải quyết.
Ông Thái Văn Tuấn cho biết thêm: Thông qua phần mềm tin học quản lý này, tất cả các thẩm phán và thư ký đều có thể biết các thẩm phán khác làm gì, hiện tại còn bao nhiêu vụ án tới hạn giải quyết, đơn thư khiếu nại, án tồn đọng án quá hạn còn bao nhiêu v.v... Tất cả các tòa chuyên trách và các thẩm phán đều công khai minh bạch và cập nhật thông tin làm việc của mình lên mạng. Thậm chí lãnh đạo công tác xa vẫn điều hành công việc bình thường như ở cơ quan.
Sau một năm ra mắt, tòa án điện tử đã có trên 130.000 lượt truy cập, đủ cho ta thấy hiệu quả đề án. Điều đó cho thấy sự đầu tư đúng hướng, có cơ sở vững chắc của một đề án “chính quyền điện tử”. Được biết, hiện nay đã có một số tòa án ở các tỉnh như: Đồng Nai, Khánh Hòa... tìm đến TAND TPHCM để học hỏi xây dựng website cho riêng mình để đáp ứng công việc...
Theo SGGP