Theo Bộ Y tế, nhận thức được tầm quan trọng của CNTT, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm tin học là đơn vị trực thuộc Bộ, Phòng CNTT là đơn vị trực thuộc Văn phòng Bộ. Tháng 10/2004 Bộ đã đưa vào hoạt động trang tin điện tử của Bộ; thực hiện nối mạng LAN và Internet băng thông rộng tại cơ quan Bộ; Thực hiện thí điểm cầu truyền hình, Telemedicine cho một số dịch vụ kỹ thuật cao như các can thiệp về tim mạch, mổ nội soi… tại một số bệnh viện lớn của ngành.
Từ cuối năm 2004, Văn phòng Bộ đã triển khai chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ về “đánh giá thực trạng và đề xuất định hướng chiến lược phát triển CNTT ngành Y tế cho 10 năm tới”. Văn phòng Bộ Y tế đã khẩn trương cùng với các chuyên gia trong và ngoài nước hoàn thành dự thảo “Chiến lược phát triển CNTT ngành y tế giai đoạn 2006-2015”.
Hiện, trên cả nước có hơn 1.000 bệnh viện ở cả 3 tuyến và các cơ quan Bộ Y tế, các tuyến TW và nhiều sở Y tế đã được trang bị mạng LAN, kết nối Internet và đã phát huy hiệu quả của hạ tầng CNTT được trang bị. Tuy nhiên, hiện trạng ứng dụng CNTT trong hệ thống ngành Y tế cũng còn tồn tại nhiều hạn chế như thiếu cán bộ kinh nghiệm triển khai phần mềm, cơ chế chính sách cho cán bộ CNTT,…
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát biểu mong nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của Bộ TTTT để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành cũng như việc xây dựng trung tâm dữ liệu của ngành,…
Về phía Bộ TTTT, Thứ trưởng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh những ưu điểm trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong ngành Y tế. Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ TTTT sẽ hợp tác tối đa để cùng ngành Y tế hoàn thành tốt bài toán đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành Y tế.
Theo Vnmedia