Từ đó họ tập trung giải quyết, sử dụng mã nguồn mở thay thế Microsoft Office để đưa về các trường học và họ rất thành công. Trong khi ở xứ ta, lẽ ra Đề án 112 ngoài việc phục vụ cho chính phủ điện tử, mình cũng phải chuẩn bị, phải có phần mềm riêng để thay thế các phần mềm sao chép. Nhưng việc chuẩn bị cho dân mình sử dụng phần mềm mở thì chưa có".
Trường ĐH An Giang hiện có chủ trương tập trung nghiên cứu sử dụng mã nguồn mở và không đầu tư vào việc viết phần mềm, cái mà người ta gọi là viết lại "lịch sử phát minh bánh xe". Bởi vì khi đi sâu nghiên cứu những website có mã nguồn mở thì thấy những chuyện mình đang làm thì người khác đã làm từ lâu rồi. Chẳng những họ cho không sản phẩm mà còn cho cả tài liệu hướng dẫn cách triển khai như thế nào để thành công. Mình chỉ cần tải về đọc, rồi vận dụng vào điều kiện của mình. Phần cứng cũng vậy, đừng nghĩ đến chuyện bỏ tiền ra mua sắm phần cứng rồi để đó. Đơn giản bởi vì mục đích của phần cứng là phải luôn luôn chạy theo nhu cầu, nhu cầu phải có trước. Nhiều người cho rằng một trong những sai lầm của Đề án 112 chính là lấy CNTT làm mục đích, trong khi lẽ ra nó chỉ là phương tiện.
GS Võ Tòng Xuân dẫn một câu chuyện khá lý thú về việc ứng dụng CNTT trong ngành ngân hàng ở Thái Lan được WB tài trợ cách đây khá lâu. Khi mới triển khai được nửa chừng thì WB tới kiểm tra và bất ngờ cắt ngang dự án, không cho thực hiện tiếp. Lý do, thay vì chính phủ phải đề ra chính sách trước để ngân hàng điện tử có thể hoạt động. Rồi từ chính sách, bắt buộc các ngân hàng phải chạy theo. Ngược lại, những người điều hành dự án lại vẽ ra một mô hình rất dữ dội, phải đầu tư số tiền rất lớn để mua phần mềm, phần cứng. Nhưng nếu mua xong thì sẽ thiếu... chính sách, không thể dùng để làm gì.
Liên quan đến Đề án 112 ở xứ ta, cũng có những nét giống như vậy. Ví dụ, nếu mình muốn chính phủ điện tử như thế nào thì phải cụ thể hóa chủ trương đó thành quy định, bắt buộc các bộ, ngành và các địa phương phải thực hiện. Chẳng hạn như một tài xế phạm luật giao thông và đã bị giữ bằng lái ở TP.HCM, khi anh ta chạy xe ra Hà Nội và lại tiếp tục vi phạm rồi nói rằng đã bỏ quên bằng lái ở đâu đấy thì quả là rất khó kiểm tra. Trong trường hợp này Chính phủ chỉ cần đặt ra yêu cầu: khi cần kiểm tra bằng lái của bất cứ công dân nào trên toàn quốc thì ngành GTVT phải tìm ra ngay các yếu tố pháp lý liên quan đến bằng lái và người sử dụng bằng ngay lập tức. Khi yêu cầu đó là bắt buộc thì tự thân Sở GTVT các tỉnh, thành trong cả nước sẽ có nhu cầu hình thành một hệ thống mạng thông tin chung. Thế là, khi một tài xế vi phạm bất cứ đâu, chỉ cần click chuột một cái là biết được anh ta đã vi phạm bao nhiêu lần, đã bị xử lý ra sao, rất nhanh chóng.
Khi Bill Gates xuất hiện ở Việt Nam thì đồng thời hãng của ông cũng tiến hành việc điều tra tất cả các trường học xem nước ta đang dùng bao nhiêu máy, mỗi máy dùng Windows, Microsoft Office hay là cái gì? Có mua bản quyền không?... Lẽ ra Đề án 112 hay bất cứ một đề án tương tự nào cũng phải lo chuyện này trước, phải tìm cái để thay thế. Riêng cái cần tìm trước tiên của Đề án 112 lẽ ra là bộ Office mã nguồn mở, nhưng chẳng ai chịu làm nên chuyện "không hiệu quả" là điều tất nhiên.
Theo Thanh niên