Bạn biết thông tin về Hội Tin học Việt Nam thông qua?
Cập nhật: 22/09/2007
Giới thiệu ASIANUX
Asianux là một Liên minh (consortium) được thành lập từ cuối năm 2004, trên cơ sở cam kết của Chính phủ 03 quốc gia vùng Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực PMNM, nhằm nghiên cứu và phát triển các ứng dụng PMNM làm nền tảng cho thị trường Châu Á
NHÂN SỰ KIỆN VIỆT NAM GIA NHẬP ASIANUX
I. Giới thiệu Liên minh Asianux Asianux là một Liên minh (consortium) được thành lập từ cuối năm 2004, trên cơ sở cam kết của Chính phủ 03 quốc gia vùng Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực PMNM, nhằm nghiên cứu và phát triển các ứng dụng PMNM làm nền tảng cho thị trường Châu Á; thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển CNTT tại khu vực này. Nòng cốt của hợp tác Asianux dựa trên 03 công ty phần mềm: Redflag Software của Trung Quốc (Công ty lớn nhất của Trung Quốc về PMNM),Miracle Linux của Nhật Bản (Công ty được thiết lập trên cơ sở hợp tác giữa Oracle và NEC để hỗ trợ phát triển PMNM) và Haansoft của Hàn Quốc (Công ty lớn nhất Hàn Quốc về PMNM).
Asianux hoạt động dựa vào sự tham gia và đóng góp của các công ty thành viên (hình thức như một công ty cổ phần). Các thành viên cử người của mình trực tiếp tham gia phát triển các ứng dụng cho Asianux, chủ yếu làm việc tại Trung tâm Phát triển Công nghệ Asianux tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Từ đầu năm 2006 đến nay, Trung tâm Asianux tại Bắc kinh đã hỗ trợ phát triển nhiều ứng dụng cho Asianux và đã triển khai thành công tại các nước thành viên, điển hình là: - Tại Trung Quốc, Asianux đã triển khai trong dự án Bưu điện Trung Quốc (China Post) với gần 10.000 máy chủ được cài đặt Linux, trên qui mô toàn bộ các tỉnh thành (31 tỉnh thành) với 231 bưu điện khác nhau. - Tại Hàn Quốc, Asianux được triển khai trong dự án Hệ thống Thông tin Giáo dục Quốc gia với qui mô 2375 máy chủ, dự án được triển khai trong phạm vi 10.000 trường học. - Tại Nhật Bản, Asianux được triển khai trong dự án Dịch vụ Tra cứu Bản đồ trực tuyến với 7 triệu người dùng hàng ngày. Tuy mới được triển khai thương mại, nhưng doanh số sản phẩm dựa trên Asianux của các công ty thuộc Liên minh Asianux đã lên tới hàng chục triệu USD, đồng thời tiết kiệm cho các quốc gia Châu Á hàng trăm triệu USD do không phải mua bản quyền phần mềm thưong mại của nước ngoài. Điều này chứng tỏ mô hình kinh doanh của Liên minh Asianux đã mang lại hiệu quả cao cho bản thân các doanh nghiệp PMNM và cho Nhà nước. Với các kết quả trên, Liên minh Asianux đã có kế hoạch mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt nam.
II. Quá trình hợp tác giữa Việt nam và Asianux Tháng 4/2007, Asianux cử một đoàn công tác qua Việt nam, làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Bưu chính, Viễn thông TP.HCM, thăm một số công ty phần mềm tại Hà nội và TP.HCM. Từ chuyến thăm này và kết quả trao đổi ý kiến sơ bộ giữa Bộ KHCN Việt nam và đại diện Liên minh của Liên minh Asianux, cuối tháng 7/2007, Bộ KHCN đã cử một đoàn công tác qua Bắc kinh (Trung quốc) để đàm phán và ký kết Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác với Liên minh Asianux, thống nhất các nội dung cũng như kế hoạch giúp Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Asianux. [Thành phần Đoàn gồm có Ông Hoàng Văn Sính, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Công nghệ thông tin (CNTT), Trưởng Ban QLDA PMNM, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ông Hoàng Lê Minh, Phó Giám đốc, Sở Bưu chính, Viễn thông TP. Hồ Chí Minh và Ông Trần Lương Sơn, Tổng Giám đốc, Công ty Vietsoftware.] Trong thời gian ở Bắc kinh, Đoàn Công tác đã gặp gỡ và làm việc với một số cơ quan, đơn vị ứng dụng Phần mềm nguồn mở nhằm học hỏi kinh nghiệm thúc đẩy ứng dụng và phát triển PMNM tại Trung Quốc, một quốc gia được cho là có ứng dụng PMNM thành công nhất trong khu vực Châu Á, cũng như trên thế giới, đồng thời tiến hành đàm phán và ký kết Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác giữa Ban Quản lý dự án PMNM (Bộ Khoa học và Công nghệ) với đại diện lãnh đạo Liên minh Asianux, bao gồm các công ty thành viên Redflag Software (Trung Quốc), Miracle Linux (Nhật Bản) và Haasoft (Hàn quốc), đoàn cũng thảo luận nội dung và kế hoạch triển khai các hoạt động khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Asianux, dự kiến sẽ được tổ chức tại TP.HCM vào cuối tháng 9/2007, trong dịp Softmart 2007.
III. Kinh nghiệm thúc đẩy ứng dụng và phát triển PMNM của Trung Quốc 3.1 Liên minh xúc tiến PMNM của Trung Quốc (China OSS Promotion Union) COSSU là một tổ chức phi chính phủ, nhưng người đứng đầu do Chính phủ giới thiệu và được cộng đồng chấp nhận. Đây là những người có uy tín, đã từng giữ chức vụ cao trong bộ máy quản lý Nhà nước có liên quan đến lĩnh vực CNTT. Hiện Liên minh COSSU đã tập hợp được khoảng 300 công ty và 200 trường đại học trong cả nước và quốc tế tham gia, trong đó có cả các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới như Intel, HP, Sun, IBM... Hội đồng tư vấn của Liên minh gồm khoảng 20 chuyên gia hàng đầu về PMNM của Trung Quốc và quốc tế. Liên minh nhận được sự ủng hộ và tham gia rất tích cực của Hiệp hội Công nghiệp Phần mềm Trung Quốc. Trong thời gian đầu thành lập (năm 2000) Liên minh cũng gặp không ít khó khăn như các quan chức không hiểu được lợi ích mà PMNM và họ không muốn thúc đẩy. Các ứng dụng do các công ty cung cấp các sản phẩm, giải pháp chưa nhiều, hợp tác quốc tế còn ít... và do vậy trong giai đoạn này Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí để cho Liên minh hoạt động. Do vậy một trong những yếu tố đảm bảo là người đứng đầu Liên minh là phải người có uy tín trong xã hội và đã từng giữ chức vụ cao trong chính phủ. Đây là một yếu tố mang tính chất quyết định đến thành công của Liên minh thúc đẩy PMNM của Trung Quốc. Hiện nay vai trò thúc đẩy của Liên minh rất hiệu quả và ngày một thu hút được nhiều cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia. Liên minh đã thiết lập được quan hệ rất tốt với các cơ quan chức năng về CNTT của Chính phủ Trung Quốc. Thường xuyên nâng cao nhận thức và cập nhật về những lợi ích cũng như khả năng của PMNM có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường CNTT trong nước để hỗ trợ các cơ quan này có những chính sách và hỗ trợ kịp thời để đưa các ứng dụng PMNM vào ứng dụng trong thực tiễn. Hội đồng cố vấn của Liên minh đều là những chuyên gia đầu ngành và những người có uy tín trong lĩnh vực CNTT trong nước và trên thế giới, như vậy rất dễ thuyết phục các cơ quan chức năng của Chính phủ Trung Quốc đề các các chính sách khuyến khích cho PMNM phát triển. Mặt khác các cơ quan chức năng đều cần sự tham gia của Liên minh này trong việc xây dựng các chính sách cho phát triển CNTT của đất nước Trung Quốc. Liên minh nhận được sự úng hộ và hỗ trợ rất to lớn của Bộ Công nghiệp thông tin và các Bộ ngành khác liên quan trong việc thúc đẩy PMNM. Liên minh cũng thúc đẩy hợp tác giữa công ty trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực PMNM. Thuyết phục các công ty lớn, đa quốc gia hỗ trợ các ứng dụng PMNM do các công ty trong nước phát triển như Intel, IBM, HP... để đảm bảo các ứng dụng trong nước phát triển là tương thích với các phần cứng của các công ty này. Ngoài ra hỗ trợ các công ty trong việc tìm kiếm đối tác, tuyển chọn nhân lực. Thu hút các dự án hỗ trợ của các công ty, tổ chức nước ngoài cho phát triển PMNM ở Trung Quốc. Liên minh là một tổ chức được thành lập bởi những người nổi tiếng do vậy có khả năng lôi kéo đượcu nhiều người tài, công ty có uy tín tham gia và đóng một vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy ứng dụng và phát triển PMNM ở Trung Quốc. Ngoài ra Liên minh còn hỗ trợ triển khai các dự án thí điểm ứng dụng PMNM của Chính phủ Trung Quốc, nhằm đảm bảo việc triển khai các dự án này một cách thành công. Đây là một yếu tố không thể thiếu để làm gương cho các cơ quan chính phủ khác noi theo.
3.2 Công ty Phần mềm Redflag Linux Đây là Công ty Cổ phần mà Chính phủ chiếm 60%, trong đó có sự tham gia của một số viện, trường về CNTT, thông qua một số dự án nghiên cứu hướng thị trường. Trong một số dự án thử nghiệm do Chính phủ tài trợ cho cơ quan nhà nước Trung ương hay địa phương, Công ty Red Flag thường được chọn là đơn vị thực hiện (qua chỉ định hoặc đấu thầu lựa chọn). Sản phẩm của Công ty Red Flag cũng rất đã dạng, là công ty hàng đầu của Trung quốc về cung cấp hệ điều hành Linux trên máy chủ và máy trạm, ngoài ra Công ty còn cung cấp một số giải pháp dựa trên nguồn mở khác. Một nguyên tắc cơ bản là các ứng dụng do công ty phát triển đều phải chạy được trên nhiầu hệ điều hành. Các đơn vị ứng dụng phải sử dụng dịch vụ hỗ trợ của công ty để đảm bảo việc triển khai thành công, không chấp nhận khách hàng không sử dụng dịch vụ hỗ trợ của Công ty.
Năm 2006 Công ty Red Flag đã bán được 1,6 triệu bản Linux. Nhiều nhà sản xuất máy tính trạm của Trung Quốc đã cài hệ điều hành Redflag Linux của Công ty vào các sản phẩm bán cho khách hàng, với giao diện tiếng Hoa, không khác biệt so với giao diện của hệ đều hành MS Windows, thậm chí còn có chất lượng cao hơn, cho phí chỉ bằng 1/5. Hiện nay trên toàn Trung Quốc đã có hơn 400 nhà cung cấp máy tính và sản phẩm đã được Công ty Red Flag cấp giấy chứng nhận. Dự án lớn nhất mà Công ty đã triển khai đối với các ứng dụng của Asianux là cho Bưu điện Trung Quốc (China Post) với hơn 10 nghìn máy chủ được cài đặt ứng dụng PMNM, ngoài ra còn nhiều dự án có qui mô lớn như trong lĩnh vực ngân hàng và trường học, trên máy tính để bàn. Một trong những cách tiếp cận khách hàng mà Red Flag đã làm, là không cần giải thích nhiều về giải pháp nguồn mở hay nguồn đóng, mà chỉ cần nhấn mạnh đây là một giải pháp hoàn hảo, đầy đủ bản quyền và tiết kiệm chi phí. Công ty Redflag Software cũng cho biết Chính phủ Trung Quốc đã có chính sách và triển khai hiệu quả, đó là ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa. Mặt khác Chính phủ cũng ban hành cơ chế khoán trong đầu tư cho ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nuớc. Nếu dùng PMNM, cơ quan có thể tiết kiệm được kinh phí (mua bản quyền) và kinh phí này có thể được giữ lại tại cơ quan để mở rộng và phát triển hệ thống CNTT. Những cơ quan ứng dụng thành công PMNM, người lãnh đạo được đánh giá cao và được đưa ra làm gương cho các cơ quan khác. Đây là điều khích lệ rất lớn cho các cơ quan khác của Chính phủ tăng cường ứng dụng PMNM.
3.3 Trung tâm Công nghệ Asianux tại Bắc kinh Trung tâm Beijing Asianux Technology Center được thiết lập trên cơ sở hợp tác giữa các thành viên của Liên minh Asianux đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, mà nòng cốt là 03 Công ty Redflag Software của Trung Quốc, Miracle Linux của Nhật Bản và Haansoft của Hàn Quốc. Trung tâm được thành lập từ tháng 12/2005 đến nay đã có trên 20 người làm việc, chủ yếu từ ba công ty thành viên của Asianux.
Kinh phí hoạt động của Trung tâm Asianux chủ yếu được lấy từ kinh phí đóng góp của các công ty thành viên và một phần hỗ trợ của Chính phủ và một số dự án hợp tác với các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực CNTT.
Trung tâm Asianux là nơi phát triển các giải pháp của Asianux dựa trên nền tảng và các gỉải pháp ưu việt mà các công ty thành viên đang nắm giữ. Trung tâm chuyên trách về kỹ thuật – công nghệ, không có vai trò kinh doanh. Trong phát triển sản phẩm, Trung tâm Asianux rất quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm, giành nhiều nguồn lực cho việc kiểm tra và sửa lỗi vì sản phẩm này sẽ được sử dụng tại các nước thành viên của Asianux. Những nhân viên đến từ các nước thành viên, ngoài việc đóng góp chung vào phát triển sản phẩm còn có một vai trò là đảm bảo sản phẩm phải đáp ứng được những nhu cầu riêng của thị trường mỗi nước. Trung tâm Asianux không tham gia vào hoạt động kinh doanh sản phẩm, mà việc này do các công ty thành viên của mỗi nước đảm nhiệm.
Trung tâm Asianux có hợp tác chặt chẽ với mạng lưới nghiên cứu phát triển PMNM thế giới (IOSN), với các phòng thí nghiệm giải pháp của các công ty đa quốc gia lớn như Intel, IBM, HP, Dell, Levonvo để đảm bảo các sản phẩm do Asianux phát triển đều được các công ty này hỗ trợ, cấp chứng nhận hợp chuẩn về cả phần cứng lẫn phần mềm nền tảng. Đây là một lợi thế rất lớn đối với từng công ty thành viên, vì nếu là một công ty đơn lẻ thì rất khó có được sự hỗ trợ từ các công ty lớn như Intel, IBM, Oracle ... Hiện Trung tâm Asianux đã hoàn tất việc phát triển các dòng sản phẩm Asianux Server 3.0 và đã công bố vào ngày 27/07/2007 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Theo kế hoạch, Trung tâm Asianux sẽ tiếp tục phát triển các ứng dụng cho phiên bản tiếp theo, bắt đầu từ ngày 05/09/2007. Asianux mong muốn Việt Nam trực tiếp tham gia vào phát triển các phiên bản này, để đảm bảo việc ứng dụng thành công các sản phẩm của Asianux tại Việt Nam.
3.4 Cộng đồng China Unix Đây là Hiệp hội lớn nhất của Trung Quốc về PMNM. Hoạt động của Hiệp hội này không có gì khác biệt nhiều so với các hiệp hội khác về PMNM. Thành viên chủ yếu là những nhà kỹ thuật về CNTT, hiện đã có khoảng 600.000 thành viên tham gia. Trong giai đoạn đầu ứng dụng PMNM, cần phải có những chuyên gia hàng đầu về PMNM để trả lời các thắc mắc của các thành viên, sau đó các thành viên trong cộng đồng sẽ hỗ trợ lẫn nhau và giải đáp các thắc mắc của các thành viên cho nhau.
Để thu hút được mọi người tham gia cộng đồng cần phải xây dựng được nội dung thông tin, tài liệu đầy đủ và tiện lợi để mọi người có thể “có những gì họ muốn” và luôn co nhóm hỗ trợ trả lời mọi thắc mắc của cộng đồng một cách nhanh chóng. Hàng tháng tổ chức các sự kiện để chia sẻ kiến thức trong cộng đồng và cho người dùng. Kinh phí hoạt động của Hiệp hội hiện được lấy từ kinh phí hoạt động quảng cáo của Hiệp hội. Hiện nay Hiệp hội hoạt động theo mô hình công ty, nhưng không tham gia phát triển và bán sản phẩm.
3.5. Dự án thí điểm PMNM của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) Tỉnh Quảng Đông đã được chọn đưa PMNM vào triển khai thí điểm trong Dự án Chính phủ Điện tử. Chính phủ cấp kinh phí triển khai dự án, sử dụng Linux và có cơ chế kiểm soát đối với việc sử dụng các ứng dụng trên Linux. Tỉnh đã hình thành Trung tâm Hỗ trợ Linux, vai trò của Trung tâm là đề xuất giải pháp và tư vấn cho co quan chính phủ cấp tỉnh trong việc lựa chọn giải pháp; đánh giá kiểm tra chất lượng sản phẩm được lựa chọn; kiểm tra tính tương tích trong hệ thống; hỗ trợ đào tạo. Doanh nghiệp được lựa chọn cung cấp sản phẩm phải có xác nhận của Trung tâm là đáp ứng về chất lượng sản phẩm cũng như mức độ tương thì mới được phép triển khai. Đến nay việc triển khai các dự án thí điểm chủ yếu là thực hiện trên máy chủ, đối với máy tính để bàn vẫn còn hạn chế. Theo kế hoạch từ năm 2008 trở đi dự án sẽ đẩy mạnh ứng dụng PMNM trên máy tính để bàn. Việc kiểm soát quá trình đưa PMNM và triển khai được thực hiện thông qua hệ thống tài chính và thông qua hệ thống mua sắm qua mạng của Tỉnh (tất cả các dự án mua sắm đều phải thực hiện trên Website này (E-Purchase)) một cách công khai, minh bạch.
IV. Đánh giá về sự kiện Việt nam tham gia Liên minh Asianux Việc tham gia của Việt nam vào Liên minh Asianux sẽ tạo được các lợi thế mới cho việc thúc đẩy ứng dụng và phát triển PMNM ở trong nước. Một khi đã là thành viên chính thức của Asianux, Việt Nam có thể sử dụng các sản phẩm do Liên minh Asianux phát triển và đưa vào thị trường Việt Nam, theo đúng các tôn chỉ, mục tiêu của PMNM là miễn phí về bản quyền, được hỗ trợ kỹ thuật mang tính thương mại từ các công ty thành viên của Liên minh Asianux trong triển khai các sản phẩm Asianux tại Việt nam. Các ứng dụng Asianux là những sản phẩm đáng tin cậy vì không chỉ do một nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc phát triển mà là nó được phát triển dựa trên sự hợp tác của các công ty mạnh về PMNM của các nước này. Chính sự hợp tác này mà Asianux đã nhận được sự cam kết hỗ trợ của các tập đoàn CNTT đa quốc gia lớn như Intel, IBM, HP, Dell, Cisco... Điều này là rất quan trọng đảm bảo các sản phẩm cảu Asianux chạy được trên tất cả các thiết bị, máy tính... do các công ty này cung cấp. Điều này nếu chỉ là một công ty đơn lẻ mạnh của các nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng rất khó có được. Một trong những nội dung quan trọng mà Liên minh Asiauux cam kết là giúp Việt nam xây dựng 02 Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật Asianux tại Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó Sở BC,VT TP. Hồ Chí Minh sẽ thành lập một nhóm công tác đặc biệt để triển khai các hợp tác với Asianux, cử lãnh đạo tham gia Hội đồng Tư vấn Kỹ thuật của Liên minh Asianux. Các hoặt động này đều dựa vào Phòng Thí nghiệm Mở (OpenLAB), một kết quả hợp tác giữa Sở BCVT TP.HCM, Công ty Intel (Hoa kỳ) và một số đối tác Nhật bản, một số doanh nghiệp CNTT tại TP.HCM. Dự kiến trong thời gian tới, Sở BCVT sẽ hỗ trợ kinh phí để cử 01 chuyên gia phát triển phần mềm nguồn mở sang làm việc tại Trung tâm Công nghệ Asianux (Bắc kinh), đồng thời sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá thị trường PMNM cho máy tính để bàn và thiết bị nhúng để xây dựng lộ trình phát triển sản phẩm máy tính và thiết bị mạng thông minh, dựa trên các giải pháp do Asianux hỗ trợ tại Việt nam.
Thông qua việc hợp tác với Asianux, một lần nữa chúng ta nhận thấy rất rõ ràng là Chính phủ các nước Trung Quốc, Nhật bản và Hàn quốc đã hỗ trợ mạnh mẽ cho các ứng dụng nguồn mở, thúc đẩy phát triển sản phẩm dựa trên nguồn mở, bằng việc thông qua những cơ chế chính sách rất cụ thể. Chính phủ Trung quốc đã ban hành các chuẩn quốc gia, các hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế ảnh hưởng độc quyền của các công ty nước ngoài, ưu tiên mua sắm, sử dụng các sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, có chính sách khoán chi cho ứng dụng CNTT trong các cơ quan Chính phủ. Chính sách khoán chi về CNTT cho phép đơn vị nào sử dụng được các giải pháp đảm bảo chất lượng và tiết kiệm chi phí, các ứng dụng PMNM, thì kinh phí còn dư được giữ lại cho đơn vị, lãnh đạo đơn vị được toàn quyền quyết định để sử dụng nâng cao năng lực ứng dụng CNTT, xây dựng nâng cấp các hệ thống thông tin. Các Chính phủ cũng đang xem xét ban hành thêm chính sách để thúc đẩy người sử dụng đầu cuối chuyển sang dùng các ứng dụng PMNM trên máy để bàn, với những ưu đãi về vật chất cụ thể. Kinh nghiệm chung từ các quốc gia này là khi chính sách ở tầm quốc gia đã được ban hành, thì hiệu lực thực thi là rất cao.
Những điển hình ứng dụng PMNM thành công trong các cơ quan Chính phủ Trung Quốc, Nhật bản và Hàn quốc là rất quan trọng. Chính phủ Trung Quốc đánh giá rất cao những cơ quan và người đứng đầu cơ quan nhà nước Trung ương và điạ phương khi ứng dụng các giải pháp PMNM, nhờ đó tiết kiệm được chi phí đầu tư, coi đó là tấm gương sáng cho các cơ quan và người đứng đầu những cơ quan khác trong Chính phủ học tập và noi theo. Như vậy việc ứng dụng PMNM trong các cơ quan Chính phủ có thể phát triển mạnh mẽ. Hiệp hội thúc đẩy PMNM của Trung Quốc hoạt động rất hiệu quả. Hiệp hội đã qui tụ được những người có uy tín, có chức vụ cao trong Chính phủ cũng như các chuyên gia đầu ngành về PMNM trên thế giới đã tạo được uy thế và hoạt động rất hiệu quả trong việc phối hợp với các cơ quan nhà nước trong thúc đẩy ứng dụng và phát triển PMNM tại Trung Quốc. Vai trò của Hiệp hội trong tham mưu cho các cơ quan của Chính phủ ra các chính sách khuyến khcihs và thúc đẩy PMNM là rất lớn. Ngoài ra Hiệp hội thúc đẩy PMNM còn phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội phần mềm Trung Quốc để đưa ra các sản phẩm PMNM có chất lượng và phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước. Theo kinh nghiệm của Hiệp hội và một số công ty phần mềm Trung Quốc khi làm việc với khách hàng, không nhất thiết phải trình bày giải pháp mà mình cung cấp cho khác hàng là Phần mềm nguồn mở hay phần mềm nguồn đóng, mà cần nhấn mạnh đó là giải pháp đã được chính phủ thẩm định, khuyến khích sử dụng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tiết kiệm chi phí. Khi nói về giải pháp PMNM, đôi khi do nhận thức chưa cao sẽ tạo ra sự hồ nghi, thắc mắc cho khách hàng, ảnh hưởng đến các quyết định mua sắm. Chỉ cần các sản phẩm này đã có sự thẩm định và hỗ trợ của Chính phủ là đủ, và nhiều công ty phần mềm Trung Quốc đã thành công bằng cách tiếp cận này.
Liên minh Asianux hoạt động như một công ty cổ phần, nhưng về bản chất là một tổ chức phi lợi nhuận, hợp tác để cùng phát triển, không can thiệp vào các thị trường CNTT nội địa của từng nước. Các quốc gia lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều là những nước không nắm giữ công nghệ nguồn về phần mềm, nên việc hợp tác để phát triển các ứng dụng nền tảng cho khu vực Châu Á dựa trên PMNM đã cho thấy các nước này đã và đang cố gắng để có thể cạnh tranh được với Mỹ và các nước Châu Âu trong lĩnh vực CNTT với những lợi thế mà PMNM mang lại. Do vậy các sản phẩm do Asianux phát triển sẽ mang tính chất lâu dài, không phụ thuộc vào một công ty hay nhóm công ty của từng nước, do vậy sẽ đảm bảo tính ổn định và sự phát triển bền vững của sản phẩm. Các quốc gia thành viên Asianux có thể sử dụng các sản phẩm Asianux không phải trả chi phí bản quyền, hơn nữa lại còn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật rất tốt trong việc úng dụng sản phẩm.
Bắc kinh – Thành phố Hồ Chí Minh tháng 7/2007
TS. Hoàng Lê Minh Phó Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông Tp.HCM
HỘI TIN HỌC VIỆT
NAM Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông
Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All
rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet
JSC) - Powered by MVC-Web CMS
2.0