Thứ năm, 18/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 20/09/2007
Khi người dân online hỏi - đáp thủ tục hành chính

Với người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai, từ mấy tháng nay, hễ "vấp" phải một chỗ "vướng" về thủ tục hành chính, đền bù giải tỏa... là online để "thắc mắc" với lãnh đạo.

Khi người dân online hỏi - đáp thủ tục hành chính

Mở chuyên mục "Đối thoại trực tuyến" trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để chạy thử nghiệm mới vài tháng nay, nhưng tính đến 20/9, đã có 410 câu hỏi của người dân được gửi tới, với 384 câu hỏi đã được duyệt và 383 câu trả  lời. Người dân khi gửi câu hỏi phải kèm theo các thông tin chi tiết về địa chỉ, điện thoại, số CMT. Còn dưới mỗi câu trả  lời, lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành đều phải ghi rõ tên, chức danh. Hệ thống sẽ tự động cập nhật thống kê số câu hỏi gửi đến, số câu đã được giải đáp và lượng câu hỏi "treo".

Người dân Lào Cai có thể online để hỏi về thủ tục hành chính

Ông Tô Trọng Tôn, GĐ Sở Bưu chính Viễn thông Lào Cai, "tổng biên tập" của Cổng thông tin chia sẻ, hiện phần đối thoại đang trong giai đoạn thử nghiệm nên mới chỉ có 10 Sở, ngành online để trả lời. Nếu người dân hỏi về một vấn đề thuộc thẩm quyền của các sở, ngành khác, BBT của website sẽ chuyển tới đúng địa chỉ để các sở, ngành đó trả lời.  "Tháng 10 tới, cả 28 Sở, ban ngành trong tỉnh đều phải online để đối thoại với dân như đoàn ĐBQH, Hội đồng ND", ông Tôn cho biết. Ông còn nhấn mạnh,  "tiến tới, sẽ có những buổi đối thoại trực tuyến của lãnh đạo tỉnh với dân qua mạng".

Hàng tháng, ông đều theo dõi để nhắc nhở các Sở, ngành trả lời chậm hoặc trả lời nhưng không ghi rõ tên tuổi, chức danh của chuyên viên, lãnh đạo "nếu trong một tháng, gửi câu hỏi tới ba lần mà không trả lời, chúng tôi sẽ kiến nghị với Ban thi đua để xem xét vào dịp cuối năm".  Hình thức hỏi đáp trực tuyến trên mạng là một "kênh" hữu hiệu để lãnh đạo tiếp xúc với người dân và theo ông Tôn, "đây chỉ là một sáng kiến để thúc đẩy cải cách hành chính".

Thiết lập từ năm 2003, đến nay, hệ thống đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền thành phố trên website TP.HCM đã thu hút 1.132 đơn vị (462 DN) đăng ký tham gia. Qua hệ thống, DN đã biết tận dụng để tìm hiểu các chỉ dẫn từ Sở Thương mại, Bộ thương mại, TT đầu tư nước ngoài phía nam.v.v... về thị trường trong và ngoài nước, các qui định của pháp luật và hỗ trợ của các cơ quan ban ngành. TP cũng nắm bắt được chỗ "vướng" của DN để tiện tháo gỡ.

Còn trên Cổng thông tin Hà Nội lại có sẵn số điện thoại đường dây nóng để "giải đáp các thủ tục hành chính". Theo đó, gọi tới đường dây này, người dân sẽ được hướng dẫn chi tiết như lệ phí, thời gian giải quyết thủ tục...

Hoạt động từ tháng 12/2006, tuy đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng theo chị Trần Hằng, nhân viên kiêm nhiệm trực đường dây nóng, hàng ngày luôn có trên dưới mười cuộc gọi nhờ chỉ dẫn. Những vấn đề được quan tâm nhiều nhất là thủ tục đăng ký kinh doanh, nhập hộ khẩu cho đối tượng KT3. Và rất nhiều người dân, du khách cũng đã gọi tới đây, không phải để hỏi về thủ tục hành chính mà là hỏi xin số điện thoại, hỏi đường, "thậm chí bức xúc về hành chính", Hằng chia sẻ.

Trực điện thoại giải đáp thủ tục hành chính tại Cổng thông tin Hà Nội

"Cẩm nang" tin tức

Một năm trước, "Cổng thông tin điện tử" các địa phương hầu hết là các trang "tĩnh", không khác một cuốn cẩm nang thuần túy về địa lý, lịch sử. Thì nay, mặc dù nhiều trang tin địa phương vẫn đang chạy ở dạng thử nghiệm nhưng ngoài những thông tin chung, đã bắt đầu cập nhật tin tức thời sự kinh tế - xã hội. Nhiều nơi có đội ngũ phóng viên thời sự đi "tác nghiệp" như của Quảng Bình, Đà Nẵng.

Hầu hết các cổng thông tin cũng đã chú trọng đưa cả hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt.  Một số địa phương miền núi như Lào Cai, thay vì tiếng Anh, đã có một phiên bản tiếng Trung Quốc.

Thông tin kinh tế - xã hội, địa lý, du lịch, văn bản quy phạm pháp quy, các hướng dẫn về thủ tục hành chính... của từng địa phương đã được "online" trên hầu hết các Cổng thông tin điện tử. Chỉ cần gõ tên địa phương, đuôi gov.vn là người dân có thể tự động cập nhật những thông tin về việc hiện có bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động, hoặc, thủ tục cấp sổ đỏ cần đến bao nhiêu ngày.v.v... Tên tuổi đoàn ĐBQH địa phương, lãnh đạo các sở ban ngành và số điện thoại liên hệ đều được công khai để dân biết.

Nhiều trang web còn đưa chi tiết các kế hoạch phát triển KT - XH "5 năm", "10 năm".  Trang tin Bắc Ninh còn công khai chi tiết về quy hoạch đất đai, quy hoạch khu công nghiệp, quy hoạch du lịch, thương mại. Website của TP.HCM hướng dẫn chi tiết về bảng giá đất trên địa bàn. Cụ thể hơn, website TP Đà Nẵng còn phân loại: Tin tức dành cho người dân, dành cho nhà đầu tư, dành cho du khách... 

Việc lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đối thoại với dân qua mạng đang ngày càng trở nên phổ biến. Trong một diễn đàn Chính phủ đối thoại với các doanh nghiệp dân doanh mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp VN đã nhấn mạnh, hình ảnh các Bộ trưởng xuất hiện thường xuyên hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đối thoại trực tiếp với người dân và DN về các vấn đề chính sách cho thấy hình ảnh một Chính phủ mở, năng động.

Cũng theo một nghiên cứu hàng năm của Đại học Brown, Mỹ công bố ngày 13/8, Chính phủ điện tử VN năm qua đã thăng 36 bậc.

"Cửa mở nhưng người dân chưa gõ"

... Chính phủ điện tử với ba chức năng: cung cấp thông tin cho nhân dân, cung cấp dịch vụ cho nhân dân và tương tác với nhân dân để phục vụ tốt hơn. Chính phủ điện tử cung cấp thông tin, chính sách, chia sẻ kiến thức, quy định với nhân dân, giúp nhân dân tiếp cận với đường lối, chính sách dễ dàng hơn. Cung cấp thông tin theo kiểu tương tác với người dân là tốt nhất. (TS Nguyễn Sĩ Dũng).

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều "Cổng thông tin điện tử" tuy "mở" nhưng không có "cửa" để người dân "gõ" vào.

Ngoài một số Cổng thông tin chú ý tới tính tương tác, có phần "thư bạn đọc", phần "hỏi - đáp", còn lại, đa số chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin, chia sẻ kiến thức. Thậm chí, nhiều "cơ sở dữ liệu văn bản pháp quy" của các địa phương cũng đang ở tình trạng "treo". Nhiều trang tin có địa chỉ nhưng "không tồn tại".

Trang tin của tỉnh Bắc Ninh được xây dựng công phu, đẩy đủ các chuyên mục, nhưng "lục lọi" khắp vẫn không thể tìm ra một số điện thoại hay một hộp thư điện tử để gửi ý kiến.

Trang tin của Khánh Hòa có phần "ý kiến công dân" nhưng ý kiến mới được cập nhật từ 28/5, hỏi về đền bù giải tỏa và tái định cư. Thậm chí, trong phần trưng bày ý kiến của tỉnh Hà Tây, vẫn đang "thăm dò" phản ứng của người dân về sự kiện Việt Nam gia nhập WTO. Cổng thông tin điện tử của Bình Dương thì yêu cầu phải có mật khẩu mới được đăng nhập.

Tại cuộc đối thoại trực tuyến của Thủ tướng với người dân và doanh nghiệp ngày 9/2/2007, nhiều người dân TP.Vinh đã gửi câu hỏi online với Thủ tướng.
Ngay cả khi trên Cổng thông tin điện tử của Hà Nội dù đã công khai số điện thoại giải đáp thủ tục hành chính nhưng theo chị Hằng, người gác cửa trực đường dây nóng thì những giải đáp vẫn chưa thể đáp ứng với nhu cầu của người dân. Bởi, nhiều công dân "alô" tới đây là để nhờ được tư vấn những vướng mắc cụ thể. Mà chức năng của đường dây trong cổng thông tin chỉ dừng lại ở giải đáp (mà thông tin có thể tra cứu luôn trên mạng) nên các chị đành phải "chỉ đường" sang các VP luật sư hoặc bộ phận một cửa của các sở, ngành khác.

Tiến tới, "phải xây dựng một kênh thông tin, có nhân sự phù hợp để tư vấn được cho người dân", chị Hằng chia sẻ. Khi mới khai trương, có rất nhiều cuộc gọi tới số điện thoại này, trả lời không xuể. Đến nay, tuy vẫn có người dân nhiều lần alô tới để hỏi thủ tục, nhưng cũng đã giảm đi khá nhiều.

Đây cũng là điều mà ông Nguyễn Thành Long, GĐ Công ty Cổ phần Đường Cần Thơ từng tâm sự, rằng, tuy biết các địa phương và TƯ có trang tin điện tử nhưng doanh nghiệp vẫn chưa có thói quen vào đây để đối thoại và tìm thông tin.

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0