Trước hết, xin chúc mừng ông vừa được bình chọn là một trong những nhà lãnh đạo CNTT (CIO) xuất sắc nhất năm 2007. Ông đánh giá như thế nào về vai trò, vị trí của các CIO tại Việt Nam?
Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng vai trò và hình ảnh của các CIO tại Việt Nam chưa thực sự nổi bật và thể hiện rõ nét như tại các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới. Có những nguyên nhân chủ quan là chính những người làm CNTT (CIO) chưa thể hiện hết được chức năng, vai trò, vị trí của mình. Tất nhiên, cũng có những nguyên nhân khách quan khác như nhận thức chung của xã hội về vị trí, vai trò của các CIO còn chưa đầy đủ, ứng dụng CNTT trong các tổ chức, doanh nghiệp chưa mạnh và rộng rãi.
Tôi cho rằng, trong thời gian tới, vai trò quan trọng của các CIO trong các tổ chức, doanh nghiệp sẽ ngày càng được thể hiện. Những sự kiện như thế này (Hội nghị và Lễ bình chọn CIO xuất sắc nhất năm 2007 – PV) tôn vinh các giám đốc CNTT có ý nghĩa rất tốt, là hình thức tuyên truyền tích cực về vị trí, vai trò của ứng dụng CNTT nói chung cũng như của các CIO nói riêng.
Việc Giám đốc Sở BCVT như chúng tôi được bình chọn cũng là sự đánh giá đúng vị trí, tầm quan trọng rất lớn của các Sở BCVT trong ứng dụng và phát triển CNTT tại các địa phương, cho dù thực sự vai trò của các Sở BCVT tại các địa phương cũng còn nhiều hạn chế và chưa được đặt đúng vị trí.
Hội nghị CIO năm nay tập trung vào một chủ đề rất thời sự là “Quản lý dự án CNTT có hiệu quả”. Dư luận hiện cũng đang hướng sự chú ý rất lớn vào Đề án 112 – một dự án CNTT quy mô rất lớn nhưng được đánh giá là không hiệu quả. Có vẻ như những dự án CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách (nhà nước) đang gặp phải nhiều vấn đề về tính hiệu quả và chi phí?
CNTT là một lĩnh vực mới và cơ chế cho các dự án ứng dụng CNTT còn nhiều vướng mắc”
|
Nói chung các dự án CNTT sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thường không hiệu quả so với khu vực tư nhân, bởi nguyên nhân chủ yếu là vấn đề sở hữu thôi. Khối tư nhân bỏ một đồng vốn đầu tư cho CNTT là bỏ tiền túi của họ ra, còn dự án CNTT dùng vốn ngân sách thì không thế. Tất nhiên, trong khu vực nào thì cũng có những dự án thất bại, song nhìn chung ở khối tư nhân hiệu quả ứng dụng CNTT cao hơn nhiều.
Mặt khác, CNTT là một lĩnh vực mới và cơ chế cho các dự án ứng dụng CNTT còn nhiều vướng mắc. Những quy định về quản lý đầu tư trong các dự án CNTT dùng vốn ngân sách đang được các cơ quan chức năng soạn thảo, song đến giờ cũng chưa có điều gì thật sự rõ ràng.
Để quản lý hiệu quả các dự án CNTT dùng vốn ngân sách, cần phải xác định rõ những đặc thù của CNTT, đưa nó vào các văn bản pháp lý để có cơ chế phù hợp. Chẳng hạn như do đặc thù CNTT phát triển rất nhanh chóng, các sản phẩm, thiết bị CNTT rất nhanh bị lạc hậu, vì thế, việc đầu tư các dự án ứng dụng CNTT cũng cần có cơ chế để triển khai nhanh chóng và cần rất linh hoạt.
Sau những bài học đắt giá của các dự án CNTT dùng vốn ngân sách, như Đề án 112, điều quan trọng nhất cần phải rút ra được là gì, thưa ông?
Với các dự án CNTT Cần bắt đầu làm từ những công việc đơn giản nhất để đạt mục tiêu lớn, tránh làm việc quá sức và không khả thi”
|
Theo tôi, với các dự án CNTT, trước hết cần phải xác định rõ những mục tiêu cần đạt được và những công việc cần phải làm để đạt được mục tiêu đó. Cần bắt đầu làm từ những công việc đơn giản nhất để đạt mục tiêu lớn, tránh làm việc quá sức và không khả thi. Với các cơ quan hành chính, những dịch vụ công nào mà người dân cần thì ưu tiên triển khai ứng dụng CNTT để cung cấp ngay cho người dân, chẳng hạn như các dịch vụ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng...
Với vai trò là CIO của TP. HCM, ông sẽ tiếp tục làm gì để thúc đẩy ứng dụng CNTT tại thành phố lớn nhất cả nước và cũng có nhu cầu ứng dụng CNTT cao nhất này?
Mô hình triển khai ứng dụng CNTT trong hệ thống hành chính tại TP. HCM trong thời gian vừa qua đã có những thành công nhất định, song một số phần việc cũng đang còn khó khăn. Chúng tôi đang tổ chức đánh giá, tổng kết lại những phần việc đã làm được và chưa làm được, rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng hiệu quả hơn. Với CNTT, luôn luôn phải triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm, thậm chí có không thành công hay thất bại cũng phải đánh giá lại để có những bài học cho tương lai. Nói cách khác, ngay cả với tình huống thất bại của các dự án CNTT cũng cần phải được tính đến trước, với tinh thần chủ động.
Chúng tôi coi thất bại (nếu xảy ra) cũng không có nghĩa là mình mất, mà mình sẽ có được hướng đi khác, đúng hướng hơn”
|
Với Sở BCVT TP. HCM, chúng tôi cũng làm việc với tinh thần như vậy. Chúng tôi coi thất bại (nếu xảy ra) cũng không có nghĩa là mình mất, mà mình sẽ có được hướng đi khác, đúng hướng hơn. Bởi với nhiều dự án CNTT, mình vẫn đang dò đường.
Tại TP. HCM, ứng dụng CNTT và hệ thống mạng máy tính đã được triển khai ở hầu hết các quận huyện, sở ngành, nhưng cho dù có kết nối thì các cơ quan vẫn đang ở thế tương đối độc lập với nhau. Vì thế, mục tiêu của chúng tôi trong thời gian tới là đưa hệ thống này trở thành một hệ thống hoàn chỉnh, theo chiều ngang, theo chiều dọc, có kết nối, có truyền đưa dữ liệu và hình thành một hệ thống thông tin hoàn chỉnh cấp thành phố.
Cảm ơn ông!
Theo Ictnews