Nhịn ăn để lập Web
Đó là trang web www.binhthuantoday.com. Chủ nhân của nó là anh Trần Ngọc Bửu, sinh năm 1977, đang sống và làm việc ở Bình Thuận.
Anh Bửu đã gần bốn năm trời mất ăn, mất ngủ và tốn cả chục triệu đồng mới xây dựng nên một trang web có lượng thông tin đồ sộ như thế. Nó bao gồm tất cả các khu danh lam thắng cảnh, kinh tế công, nông nghiệp, đặc biệt còn là một kho lịch sử đồ sộ về tỉnh Bình Thuận.
Hệ thống xếp hạng website, Alexa, hoạt động dựa trên dữ liệu thu thập từ thanh công cụ (toolbar) mà người truy cập internet trên toàn thế giới cài đặt trong trình duyệt. Hiện nay, hệ thống Alexa được coi là dịch vụ độc lập khách quan duy nhất trên thế giới trong việc đánh giá mức độ truy cập của các trang web toàn cầu. Vị trí xếp hạng của trang web theo Alexa cho phép người xử dụng biết thứ vị xếp hạng của trang web trên thế giới.
|
Anh Bửu kể, khi còn học đại học, mặc dù là sinh viên Ngoại thương nhưng anh rất mê vi tính, đặc biệt là thiết kế web. Trong một chuyến đi xe đò về quê, ngồi chung với một người Tây, qua bắt chuyện anh cảm thấy hết sức buồn khi người khách này hoàn toàn không biết gì về quê hương anh. Thế là từ đó để giới thiệu quê hương ra thế giới, anh Bửu quyết tâm xây dựng một trang web để đời.
Là sinh viên nghèo, anh Bửu phải đi làm thêm để kiếm tiền đi học, nhưng anh cũng cố gắng dành thời gian và tiền ăn sáng của mình để lập web. Ngày nào cũng vậy, sáng ngồi giảng đường, tối đi làm thêm và khuya về xây dựng dữ liệu cho trang web. Đêm nào cũng phải qua 2 giờ đêm anh mới đi ngủ. Để làm việc này, anh Bửu tự mua sách về đọc và không hề được học qua trường lớp. Khoảng năm 1999, khi gần thi tốt nghiệp đại học, anh về nhà để ôn tập. Hơn hai tháng ròng, anh tranh thủ đến ngay các cơ sở Đoàn, các viện bảo tàng, thậm chí là đến Ủy ban nhân dân tỉnh để xin số liệu. Anh Bửu kể: "Lúc đó cũng sợ không ai cho nhưng mình cứ xin tới xin lui hoài, riết rồi mấy ảnh cũng xiêu lòng".
Đầu năm 2001, khi hoàn thành kho dữ liệu đồ sộ mà chiếc máy vi tính cà tàng của anh phải dùng đến hai ổ đĩa cứng mới chứa nổi, anh Bửu gom hết tiền dành dụm mua tên miền và đưa trang web lên mạng. Với vốn tiếng Anh giỏi, ngoài tiếng Việt, anh chuyển ngữ luôn dữ liệu thành tiếng Anh. Chưa hài lòng, vì thấy nếu chỉ với hai thứ tiếng thì khó thu hút được lượng người xem lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư tiềm năng ở gần Việt Nam, anh Bửu tiếp tục nhờ các bạn thời sinh viên của mình và một số sinh viên sắp ra trường biết các ngôn ngữ khác cùng với anh chuyển ngữ. Ngoài ra, qua trang web anh cũng được hỗ trợ từ một số người Việt ở nước ngoài.
Mất gần hai năm ròng, trang web của anh Bửu mới có thể chuyển ngữ sang bảy thứ tiếng là Việt, Anh, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức Pháp. Và trang web đa ngôn ngữ này được sự quan tâm lớn của cộng đồng Việt kiều, nhất là các nhà đầu tư của nước ngoài. Hãng thông tấn BBC và AP đã phỏng vấn Bửu về mục đích khi xây dựng trang binhthuantoday, anh trả lời khiêm tốn: "Tôi là người con của Bình Thuận, tôi yêu quê hương mình và có trách nhiệm góp phần làm cho quê hương ngày càng phát triển. Đó là tâm nguyện cả đời tôi cũng như mục đích sống của tôi..."
Quảng cáo miễn phí quê hương
Sau sáu năm hoạt động, trang web của anh Bửu được hàng triệu lượt người truy cập, đồng thời được Alexa đánh giá là trang web 5 sao, đứng thứ 484.369 trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù nó không phải là tờ báo với thông tin thay đổi liên tục, sinh động thu hút lượng người truy cập lớn. Nhưng với phạm vi là một trang web cá nhân, tự tạo vốn đầu tư không cao, nội dung chỉ là thông tin của tỉnh, đây vẫn là một kỷ lục đáng nể.
Dù mỗi năm phải tốn ít nhất gần 10 triệu đồng đầu tư để duy trì tên miền và thuê máy chủ, nhưng anh Bửu hoàn toàn chấp nhận gánh nguồn chi phí ấy mà không hề muốn thu lợi từ trang web. Có khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước yêu cầu được đưa quảng cáo lên web, thế nhưng anh Bửu lắc đầu và đưa ra điều kiện là chỉ cho những doanh nghiệp nào ở Bình Thuận và muốn đầu tư vào Bình Thuận mới được đăng quảng cáo (miễn phí).
Cùng với trang web do tỉnh xây dựng, trang web của anh Bửu đã mang lại khá nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài vào Bình Thuận, kéo một lượng lớn du khách ở các nước láng giềng đến các khu du lịch của tỉnh này. Không những thế, thông qua website, đã có nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp - giúp đỡ các mảnh đời nghèo khó, bệnh tật hiểm nghèo và học sinh nghèo vượt khó trong tỉnh mà nguồn là do anh Bửu tìm kiếm, rồi chính anh kêu gọi giúp đỡ.
Khi hỏi về tương lai của website, anh Bửu cho biết sẽ tiếp tục duy trì và mọi ưu tiên vẫn sẽ dành cho việc quảng bá tỉnh nhà, trang web được chuyển đuôi từ binhthuantoday.com sang binhthuantoday.vn, mà theo anh Bửu là để thuần chất Việt Nam hơn. Anh Bửu còn đang nghiên cứu và dịch thêm trang web sang tiếng Nga, vì "các nhà đầu tư và khách du lịch từ Nga về du lịch tại Bình Thuận rất đông, nên không thể bỏ lỡ".
Theo Nhân dân