Thứ sáu, 26/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 15/09/2007
Đề án 112: Bài học xương máu

Dù không bất ngờ nhưng tin Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Trưởng Ban điều hành Đề án 112 Vũ Đình Thuần bị cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam cùng 7 nhân vật có liên quan khác cũng khiến giới CNTT thực sự bị sốc.

 

Khởi tố và bắt tạm giam, đó là biện pháp mạnh mà cơ quan điều tra chỉ áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nghiêm trọng, cần phải cách ly để điều tra.

Tất nhiên, tội trạng và hình phạt cụ thể cho ông Thuần và những người liên quan như thế nào, chúng ta còn phải chờ đến khi có bản án có hiệu lực của tòa án. Thế nhưng qua những căn cứ mà cơ quan điều tra nêu ra để khởi tố và bắt giam ông Thuần cùng những thông tin về Đề án 112 mà báo chí từng phanh phui, bước đầu có thể thấy, đây là vụ án tham nhũng lớn. Thật buồn, đau xót và đáng suy ngẫm khi một đề án có quy mô quốc gia, được Chính phủ hết sức quan tâm, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, với mục tiêu đẹp đẽ và táo bạo là ứng dụng CNTT để thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính các cấp (tin học hóa quản lý hành chính nhà nước) lại trở thành tâm điểm cho sự lãng phí, thiếu hiệu quả và có dấu hiệu tư lợi ngân sách nhà nước, được báo chí gán cho biệt danh “PMU 112” (liên tưởng đến PMU 18). Với quy mô của Đề án 112, có thể dự đoán, vụ án này sẽ còn tiếp tục được mở rộng đến một số cơ quan hành chính và doanh nghiệp có liên quan.

Ông Vũ Đình Thuần. Ảnh: Nhân dân

Có rất nhiều điều có thể rút ra từ vụ án này. Trước hết, đó là tác động của nó đến uy tín của giới CNTT và hoạt ứng dụng CNTT nói chung. Ai cũng biết, ứng dụng CNTT nhằm thúc đẩy cải cách hành chính và phát triển KT-XH nói chung là một chủ trương, một quyết sách hết sức đúng đắn và mạnh mẽ của Chính phủ. Đề án 112 là một phần của chủ trương đó. Thế nhưng cũng từ khi có Đề án 112 và nhiều đề án, dự án ứng dụng CNTT khác, trong dư luận đã xuất hiện không ít thông tin về việc lợi dụng những ưu tiên của Chính phủ cho việc ứng dụng CNTT, hay nói cụ thể hơn là lợi dụng tính tiên tiến, hiện đại của CNTT trong điều kiện cơ chế quản lý nhà nước (đối với loại hình sản phẩm của kinh tế tri thức như CNTT) còn nhiều bất cập, thậm chí chưa có, để đục khoét, đồng thời cũng gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Dư luận vẫn chỉ là dư luận cho đến khi Đề án 112 bị “giải phẫu” và sự thật được phơi bày. Có thể chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đây vẫn là một đòn nặng giáng vào uy tín của giới CNTT và hoạt động ứng dụng CNTT. Những bài học xương máu từ vụ án này cần được giới CNTT rút ra và quán triệt nghiêm khắc để làm sao khôi phục lòng tin của xã hội, của các cấp các ngành, đồng thời cũng để tiếp tục thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT nhanh và hiệu quả hơn.

Thứ 2, như giáo sư Phan Đình Diệu, nguyên Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT (giai đoạn 1994 – 1997) đã viết từ thời điểm Đề án 112 được triển khai: “Nếu đã xác định làm thật thì phải hiểu tin học hóa là công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức và trí tuệ” (dẫn theo Tuổi Trẻ, ngày 14/9), việc ứng dụng CNTT không thể “được chuẩn bị một cách sơ sài, thiếu luận cứ khoa học” và triển khai thực hiện một cách vội vã theo kiểu phong trào, làm lấy được, với mục đích chính không phải là hiệu quả “ứng dụng” mà là “giải ngân” tiền dự án như Đề án 112. Đó chính là “cái chết được báo trước” của một đề án.

Cuối cùng, đối với công tác quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT, vụ án Đề án 112 cũng đã để lại bài học về tình trạng “quản lý không theo kịp phát triển”, với sự tồn tại nhiều “lỗ hổng” về cơ chế, mà cụ thể là thiếu những cơ chế đặc thù đối với các dự án ứng dụng CNTT từ ngân sách nhà nước cũng như thiếu cơ quan chỉ đạo điều hành chuyên nghiệp, ngang tầm. Những “lỗ hổng” này vừa trói tay những người muốn làm nghiêm túc, nhưng lại là cơ hội cho những kẻ muốn trục lợi mà Đề án 112 là một ví dụ điển hình. Vì vậy, cùng với việc kết thúc Đề án 112 và chuyển sang Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước theo Nghị định 64/CP của Thủ tướng Chính phủ, việc sớm xây dựng và ban hành các cơ chế quản lý phù hợp, minh bạch, chặt chẽ đối với hoạt động ứng dụng CNTT chính là yêu cầu cấp thiết nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước và ứng dụng CNTT trong toàn xã hội nói chung.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0