Thứ bảy, 11/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 06/09/2007
Thiếu chuẩn CNTT quốc gia, kỳ vọng sẽ thành ảo vọng?

Dự án xây dựng phần mềm dùng chung diện rộng bị đình trệ. Các tập đoàn công nghệ nước ngoài loay hoay khi bản địa hoá sản phẩm vào Việt Nam. Người dùng cuối gặp nhiều rắc rối khi trao đổi dữ liệu vì sai lệch font chữ. Những rắc rối trên nảy sinh khi chúng ta chưa xây dựng được một nền tảng chung cho CNTT.

>> BPO - Hướng đi mới cho công nghiệp phần mềm VN?
>> Xây dựng Database - Lời giải cho định giá phần mềm?
>> "Định giá phần mềm": Loay hoay đến bao giờ?

Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam.
Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam.
"Nếu coi việc phát triển CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như xây một căn nhà thì chuẩn quốc gia cho nó chính là nền móng. Đáng tiếc là chúng ta chưa làm được điều này", ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam (VAIP) nói.

Ví dụ đơn giản và dễ thấy nhất là việc font chữ và bộ gõ tiếng Việt cũng chưa được chuẩn hoá gây ra những tổn thất cụ thể, có thể nhìn thấy được. Các doanh nghiệp nước ngoài loay hoay khi bản địa hoá sản phẩm vào Việt Nam. Điển hình là tình trạng trên hệ điều hành Windows của Microsoft. Dù có tích hợp mã và bộ gõ tiếng Việt, nhưng chẳng mấy ai dùng tính năng này. Tổng thư ký VAIP còn đưa ra hàng loạt ví dụ về những dự án phần mềm, nội dung số bị đình trệ khi gặp vướng mắc này.

"Thời gian vừa qua có nhiều công ty game Hàn Quốc đến Việt Nam tìm hiểu thị trường. Khi làm việc với VAIP để tham khảo thông tin, họ băn khoăn rằng đâu là font chữ và bộ gõ chuẩn của tiếng Việt? Thậm chí họ muốn mua bản quyền bộ gõ chuẩn tiếng Việt cũng không biết mua ở đâu", Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam nói.

Mở rộng hơn vấn đề về font chữ, việc thiếu chuẩn quốc gia khiến những dự án phát triển phần mềm dùng chung khó vận hành và đưa vào hoạt động. Điển hình như Đề án 112 - Tin học hoá quản lý hành chính nhà nước, việc không có chuẩn và kiến trúc công nghệ, cơ sở dữ liệu được tích hợp từ nhiều nguồn khác nhau, cả về kinh tế, xã hội, tài chính, địa hình, ... nên không thống nhất được. Mặt khác, với sự thay đổi chóng mặt của CNTT thì khi hoàn thiện xong một sản phẩm của 112 cũng là khi nó trở nên lỗi thời.

Xa hơn việc triển khai ứng dụng và sản xuất phần mềm, những lĩnh vực khác của CNTT như đào tạo, ứng dụng phần cứng, giao dịch điện tử,... cũng không phải ngoại lệ. Bản thân việc đánh giá năng lực của người làm phần mềm, định giá sản phẩm,... cũng hoàn toàn theo kiểu định tính. Hiện nay chúng ta có sẵn 3 cơ sở dữ liệu về chứng minh thư nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế và thẻ bảo hiểm xã hội. Việc xây dựng mỗi kho dữ liệu như thế rất công phu và tốn kém. Tuy nhiên, do thiếu chuẩn cơ sở dữ liệu nên việc triển khai dự án về công dân điện tử cũng dậm chân tại chỗ bởi khối lượng công việc quá đồ sộ.

Trong lĩnh vực phần cứng, những sản phẩm rẻ tiền đua nhau tràn ngập tới mức không thể kiểm soát được. Ngược lại, công ty Honeywell, một trong những đại gia hàng đầu thế giới về thiết bị an ninh bảo mật, khi giới thiệu sản phẩm bảo vệ nhà thông minh của mình vào Việt Nam cũng chỉ thăm dò thị trường bằng một vài sản phẩm kết nối dây.

"Những sản phẩm wireless tiện dụng hơn nhiều so với có dây. Đáng tiếc là Việt Nam chưa có chuẩn về công nghệ không dây nên chúng tôi chưa giới thiệu những sản phẩm này. Những thiết bị an ninh này có giá trị cao nên chúng tôi không dám mạo hiểm", ông Jefferey Sit, Giám đốc kinh doanh khu vực Châu Á - TBD của Honeywell, nói.

"Từ trước đến nay, CNTT Việt Nam đi lên nhờ sử dụng những công nghệ nước ngoài. Các nhà sản xuất đã tuân theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, nếu tiếp tục như vậy, Việt Nam sẽ dần mất đi vị trí của mình trên bản đồ công nghệ. Mặt khác, dữ liệu trong máy tính trong nước không có chuẩn chung sẽ dẫn tới khó khăn trong việc sử dụng chung, gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển", ông Ngô Quang Hoàn, một chuyên gia phần mềm tại Hà Nội, nói.

 
Chuẩn hoá bằng bộ khung linh động

Nhiều ý kiến cho rằng việc định chuẩn quốc gia cho CNTT tại Việt Nam còn quá sớm. Chúng ta hiện nay chỉ ứng dụng những sản phẩm nước ngoài vốn đã tuân thủ những chuẩn chặt chẽ trên toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế lại chỉ ra rằng việc thiếu chuẩn là lực cản đáng kể đối với việc phát triển CNTT.

"Trên thực tế, việc đặt chuẩn thể hiện sự định hướng và vai trò quản lý của Nhà nước trong việc phát triển CNTT", ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc tập đoàn công nghệ DTT, nói. "Chuẩn hoá thực chất là ban hành một kiến trúc tổng thể, chọn lựa những chuẩn quốc tế để áp dụng cho nền công nghệ quốc gia".

Chia sẻ với quan điểm trên, ông Nguyễn Long cho rằng việc xây dựng chuẩn quốc gia cho CNTT là điều cấp thiết, đảm bảo tính thống nhất của những sản phẩm công nghệ.

"Theo kinh nghiệm của những nước đi trước, việc xây dựng chuẩn quốc gia cho CNTT thường được khu biệt hoá từ chuẩn quốc tế. Những bộ chuẩn như ITU, ISO, IEEE được khu biệt hoá thành chuẩn vùng. Sau đó, chính phủ mỗi nước sẽ có những phân tích điều kiện đặc thù để lược bỏ hoặc thêm vào cho phù hợp", ông Long phân tích.

Nói theo cách khác, "bộ khung" đó được gọi là một chuẩn phức hợp, không phụ thuộc vào bất cứ một chuẩn cụ thể riêng rẽ nào. Điểm mấu chốt của nó nằm ở sự uyển chuyển, có khả năng dự kiến những thay đổi trong tương lai. Đó là chỗ dựa để xây dựng chiến lược tổng thể cho những dự án lớn, cụ thể hoá quy trình, nghiệp vụ của đơn vị trước khi đưa CNTT vào.

"CNTT là lĩnh vực thay đổi nhanh chóng với tốc độ cao. Tuy nhiên, bản thân nó lại là công cụ, phương tiện hỗ trợ quản lý chứ không phải đối tượng của quản lý. Vì thế, khi có được hệ thống chuẩn quốc gia cho CNTT, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Theo kinh nghiệm triển khai dự án tin học của DTT, CNTT là bước cuối cùng sau khi đã chuẩn hoá những quy trình nghiệp vụ. Vì thế, chúng được nâng cấp theo yêu cầu của nghiệp vụ quản lý chứ không còn làm tình trạng làm xong thì lỗi thời", ông Trung nói.

Thiếu chuẩn CNTT quốc gia, ngành công nghiệp Việt Nam khó tạo nên sự đột phá.
Thiếu chuẩn CNTT quốc gia, ngành công nghiệp Việt Nam khó tạo nên sự đột phá.
Theo ông Trung, nhiều dự án lớn triển khai chậm trễ hoặc đổ vỡ không thành công bởi không có cơ sở tính toán chính xác những chi phí ẩn (hidden cost) khi tin học hoá quy trình quản lý. Theo đó, ngoài chi phí cho cơ sở vật chất như máy móc, thiết bị, phần mềm,... còn có chi phí cho việc thay đổi quy trình để vận hành hiệu quả số cơ sở vật chất đã trang bị đó. Chi phí này trong nhiều trường hợp lớn hơn nhiều lần số tiền mua phần cứng và chỉ phát sinh khi triển khai, tạo nên tình trạng thiếu kinh phí triền miên trong những dự án tin học hoá.

"Nói tóm lại, mục đích quan trọng nhất của chuẩn quốc gia là giúp CNTT gắn chặt chẽ với đời sống thật nhiều hơn, định hướng rõ nét hơn trong việc sử dụng công cụ hiện đại này để phát triển kinh tế. Phát triển CNTT rời rạc như từ trước đến nay chẳng khác gì chúng ta muốn dùng chiếc ôtô mạnh mẽ để ... lội qua sông", Tổng giám đốc DTT kết luận.

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0