Thứ năm, 18/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 04/09/2007
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp làm việc với Tập đoàn BCVT Việt Nam: "VNPT phải là thương hiệu quốc gia và vươn ra quốc tế"

Tách bạch rõ tính chất kinh doanh và công ích giữa 2 lĩnh vực bưu chính và viễn thông là một trong những yêu cầu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đặt ra với VNPT.

Ngày 29/8, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã có buổi làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - đây là buổi làm việc đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với các doanh nghiệp BCVT - CNTT và với VNPT là doanh nghiệp chủ lực của ngành CNTT - TT Việt Nam. Báo Bưu điện Việt Nam xin trích đăng bài phát biểu của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tại buổi làm việc này, tựa bài do Báo BĐVN đặt.

“Hôm nay, lần đầu tiên đến thăm và làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), qua tham khảo tài liệu và nghe báo cáo của các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn, tôi thấy rằng, VNPT đang đứng ở vị trí chủ lực của ngành BCVT và CNTT với 3 cái nhất.

- Thứ nhất là quy mô to nhất, nhưng to phải đi đôi với khoẻ. Còn nếu to mà cồng kềnh, nặng nề thì sẽ khó phát triển, khó đi nhanh.

- Thứ 2, VNPT đang hoạt động nhiều ngành nghề nhất. Nhiều ngành nghề thì dễ làm nhưng làm tốt sẽ rất khó, vì vậy cần xác định rõ trọng tâm trọng điểm.

- Thứ 3, VNPT có địa bàn hoạt động rộng nhất, đến tận xã. Điều đó chứng tỏ tiềm năng của các đồng chí rất lớn nhưng xuống đến xã cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và phức tạp. 

Trong những năm qua, VNPT đã có những đóng góp to lớn trong việc bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), với mục tiêu xây dựng VNPT thành một tập đoàn kinh tế mạnh, tập đoàn chủ lực của bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam, VNPT cũng đang nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm mô hình tổ chức bộ máy nhằm thích ứng với những yêu cầu của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. VNPT cũng đã tích cực tiến hành cổ phần hoá các đơn vị thành viên của mình. Cổ phần hoá là xu hướng chung của cả thế giới mà chúng ta cũng phải đi theo. Việc cổ phần hoá là cách tốt nhất để huy động nguồn lực và đem lại sự sáng tạo cho doanh nghiệp. Nếu không tích cực cổ phần hoá, doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục trì trệ, tiếp tục tồn tại nhiều mâu thuẫn bên trong. Chúng ta đã có nhiều bài học về vấn đề này. Bên cạnh đó, VNPT cũng rất quan tâm đến các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa,  kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Bưu điện Việt Nam. Tôi cũng đánh giá cao sự mạnh dạn và thành công của VNPT trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đáng ghi nhận nêu trên, tôi nhận thấy VNPT còn thiếu chủ động, thiếu tự tin và tự chủ trong tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Nếu thấy cái gì thuộc trách nhiệm của mình thì tập trung phải bám vào làm quyết liệt, vì để chậm là mất thời cơ. Chính điều này đang làm cho VNPT mất nhiều cơ hội phát triển và sẽ đứng trước rất nhiều thách thức. Bởi trong thời đại cạnh tranh và hội nhập, thời cơ là yếu tố quyết định, để lỡ thời cơ thì sẽ không bao giờ có lại được. Cho đến thời điểm này, hướng đi và cách làm của VNPT chưa đủ rõ, vướng mắc, tồn đọng còn quá nhiều và cách tháo gỡ chưa quyết liệt. Hiện VNPT có đội ngũ lao động đông, nhưng chất lượng và cơ cấu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển triển của thời kỳ mới. Điều này sẽ là lực cản cho việc xây dựng bộ máy năng động, hiệu quả và rất khó tạo được động lực phát triển. VNPT cần phải sớm có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhưng phải hợp lý hợp tình để giải quyết vấn đề này, từng bước trẻ hoá đi đôi với tri thức hoá nguồn nhân lực của mình tới tận cấp xã. Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, với chức năng quản lý nhà nước, tôi khẳng định rằng, Bộ sẽ làm hết trách nhiệm của mình để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, quyết tâm không để doanh nghiệp phải chờ đợi. Bộ sẽ xử lý các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp trong vòng 1 tuần và sẽ trả lời doanh nghiệp và sáng thứ 2 hằng tuần chứ không để doanh nghiệp phải chờ Bộ.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, xét đến cùng, xã hội có hai đối tượng chủ yếu tạo ra của cải vật chất nhiều nhất là doanh nghiệp và hộ gia đình. Vì vậy, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước là phục vụ hai đối tượng này,  phải tạo điều kiện cho các đối tượng này phát triển. Tư duy quản lý cũng phải theo kịp với sự phát triển. Quản lý, nói một cách hình tượng, nghĩa là “quản” phải có “lý”ù, trước hết và trên hết là nguyên lý và tâm lý. Sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH đất nước của chúng ta tựu trung lại cũng vì 4 chữ là "nhiều tiền, yên dân". Muốn thực hiện được 4 chữ này thì phải lo cho doanh nghiệp phát triển, từ đó mới có tiền để lo cho chính sách xã hội, để "yên dân". Chúng ta muốn hội nhập thành công trước hết cũng phải lo cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp ốm yếu thì không thể hội nhập được và mất dần thị phần ngay trên sân nhà. 

Tôi cho rằng, những người làm trong VNPT cũng cần phải tự hào vì mình đang đứng trong lĩnh vực nhạy cảm nhất, nhưng cũng năng động nhất và sáng giá nhất. VNPT là mô hình chính trị kinh tế tổng hợp, trong VNPT vừa có chính trị vừa có kinh doanh, phục vụ,  vừa có yếu tố kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Đây sẽ là tập đoàn rường cột trong lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tất cả các chức năng của Bộ đều có trong tập đoàn như: BCVT, CNTT, báo chí, truyền thông,  đào tạo. Vị trí và vai trò của VNPT là hết sức quan trọng, cả trong hiện tại và tương lai. Điều quan trọng là chúng ta có đáp ứng được yêu cầu của Đảng và Nhà nước, có khẳng định được mình trong hội nhập và cạnh tranh quốc tế hay không.

Trước mắt, tôi đề nghị VNPT cần tập trung sức giải quyết 3 vấn đề: thứ nhất, là mô hình quản lý của Tập đoàn phải thể hiện sự thống nhất và thông suốt, có phân cấp hợp lý và chặt chẽ; thứ hai, phải có cơ chế làm rõ trách nhiệm cá nhân và làm rõ lợi ích cho từng chức danh trong bộ máy để từ đó đề cao trách nhiệm cá nhân, thúc đẩy sự sáng tạo; thứ ba, phải có cơ chế rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ chủ chốt, chú trọng cả 3 yếu tố: đức, tài, sức khỏe, từ đó bố trí một cách phù hợp từ cấp tập đoàn đến cơ sở.          

Về xây dựng mô hình, tôi đồng ý với đề xuất xuất của VNPT là không thành lập 3 tổng công ty viễn thông vùng, nhưng các đồng chí phải nhanh chóng có phương án quản lý các đơn vị ở địa phương, có phương án phân công phân cấp rõ ràng, vừa bảo đảm quản lý hiệu quả vừa phát huy tối đa tính tự chủ, tính chủ động sáng tạo của các đơn vị cơ sở. Việc phân công phân cấp phải theo nguyên tắc ai nhận đủ thông tin, ai chịu trách nhiệm trực tiếp, ai hiểu cán bộ nhất thì cấp đó ra quyết định, để tránh tình trạng quan liêu và tiêu cực.

VNPT cần tách bạch rõ tính chất kinh doanh và công ích giữa 2 lĩnh vực bưu chính và viễn thông, không để tình trạng tổ chức nửa vời, lẫn lộn giữa công ích và kinh doanh. Viễn thông chủ yếu kinh doanh, còn bưu chính là dịch vụ công ích, nhưng cũng phải có lộ trình giảm dần hỗ trợ của nhà nước, tiến tới lấy thu bù chi và có lãi trong một tương lai gần.

Trong quản lý, có một số vấn đề VNPT cần quan tâm. Cụ thể, cần quản lý tốt về con người, mà trước hết là cán bộ chủ trì ở các cấp, qua cơ chế đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, khen chê thưởng phạt nghiêm minh; quản lý các nguồn lực tài chính một cách chặt chẽ, đầu tư phải hiệu quả; quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị để kinh doanh với hiệu quả cao và chất lượng tốt.

Đồng thời, cần phải tăng cường công tác Đảng, công tác Công đoàn và Đoàn thanh niên, làm cho các tổ chức này mạnh hơn, trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn; tăng cường hợp tác và mạnh dạn liên doanh liên kết với các đối tác trong và ngoài nước; tăng cường đoàn kết và dân chủ nội bộ để làm tốt vấn đề tư tưởng. Có 4 trọng điểm đầu tư mà VNPT cần chú trọng là: đầu tư cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, đầu đàn, mạnh dạn trẻ hóa, mạnh dạn cử đi đào tạo, kể cả ở nước ngoài. Thứ hai là đầu tư xây dựng cơ chế chính sách, trong đó có chính sách kích cầu và xã hội hoá, đẩy mạnh huy động vốn đầu tư phát triển. Thứ ba là đầu tư hiện đại hoá hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Cuối cùng là đặc biệt chú trọng việc xây dựng và quảng bá thương hiệu. Một doanh nghiệp muốn thành công trên thị trường cần phải có đủ 3 yếu tố: Thông tin - Trí tuệ - Thương hiệu. Làm sao tập đoàn này phải là thương hiệu quốc gia và vươn ra quốc tế.

Cuối cùng, tôi khẳng định rằng, VNPT là doanh nghiệp chủ lực có truyền thống vẻ vang, có bề dày thành tích nhưng hiện tại đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn. Chúng ta không có con đường nào khác là phải nỗ lực tự vượt lên chính mình. Tôi tin tưởng VNPT với nội lực hùng hậu của mình sẽ vượt qua được giai đoạn đầy thử thách khó khăn này, để đổi mới và hội nhập thành công”. 

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0