Thứ ba, 30/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 29/08/2007
“Công nghệ hoá” và kinh doanh hiệu quả

Tại vòng chung kết “Robocon châu Á – Thái Bình Dương 2007” tổ chức ở Hà Nội hôm Chủ Nhật (26/8/2007), đội Việt Nam bị loại bởi đội Trung Quốc (vô địch giải này) trong trận tứ kết.

Sức mạnh của công nghệ

Minh hoạ: CNTT mang lại sức mạnh không giới hạn trong việc xử lý mọi tình huống thông tin, là tiền đề cho những quyết định đúng đắn dẫn đến đạt được mục tiêu. Ảnh chụp tại Chợ Công Nghệ thường niên ở TP.HCM, năm 2006.

Tuy cuộc thi sáng tạo robot nói trên dành cho giới sinh viên và mới chỉ có vùng ảnh hưởng vừa phải (nghiên cứu, thử nghiệm, sáng tạo…), nhưng việc có thắng, có thua cũng đủ khiến mọi người suy nghĩ. Trong những giải đấu tương tự ở các năm trước, đội Việt Nam đã từng vô địch và luôn là đối thủ đáng gờm nhất của các đội khác. Đội Việt Nam lần này có chiến thuật thi đấu tốt nhưng lại thua về… công nghệ. Mà Trung Quốc cũng chỉ là một nước chưa nổi tiếng lắm về công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc... Đội Trung Quốc đã vượt lên vì biết ứng dụng những công nghệ mới nhất về xử lý hình ảnh, màu sắc…

Ngày nay, không ít doanh nhân trẻ khi đầu tư thành lập doanh nghiệp đã không ngần ngại quyết định định hướng vào các sản phẩm có sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao… Họ nhận diện được độ lớn của thị trường sản phẩm công nghệ cao qua sức hút của các sản phẩm đó với người tiêu dùng và lao vào... Âu cũng là chiến lược kinh doanh thức thời.

Một chị giúp việc theo giờ hành chính nói với chị chủ nhà vào đầu giờ sáng: “Tôi không thể nào đoán được, cả chồng tôi cũng vậy, là bức ảnh trên bàn làm việc của anh chị đã “chui” vào màn hình máy tính theo đường nào…”. Sau vụ này, chị giúp việc biết thêm một thiết bị mới là máy quét ảnh, nó nằm ở khoang dưới của chiếc bàn vi tính. Những chuyện có thật 100% như vậy về sức mạnh của công nghệ rất nhiều. Nếu căn cứ vào đó, công chúng đông đảo có thể vội vàng kết luận, sức mạnh của công nghệ là “biến không thành có, biến khó thành dễ”. Đúng, nhưng đó chỉ là những kiến giải dễ thương, dễ nhớ - không hơn.

"3 chân kiềng" và "ngọn lửa"

Ngược dòng thời gian đến nửa thế kỷ trước, chúng ta thấy, bên cạnh sáng chế chấn động về bán dẫn và vi mạch, thế giới từng sản sinh gần như cùng lúc ba lý thuyết khoa học tổng hợp lớn là: lý thuyết thời khoá biểu, lý thuyết trò chơi, lý thuyết vận trù. Những chủ nhân (và người hâm mộ) của các lý thuyết đó đều khẳng định học thuyết của mình sẽ chi phối toàn bộ thế giới, kiểu như (học thuyết sẽ) sắp đặt một trật tự mới cho thế giới mới và vận hành nó theo cách của mình. Họ cũng dự báo thời điểm toàn thắng của lý thuyết là vào những năm 2000. Quả không sai rằng, thế giới ngày nay đang được tạo nên và bị chi phối bởi cùng lúc ba yếu tố đặc trưng cho ba lý thuyết: tính chương trình hóa (theo thời khoá biểu); tính ngẫu nhiên (thuộc tính của các trò chơi) và tính điều phối được (trong các bài toán vận trù, điều độ).

Thời khoá biểu rất quen với mọi người từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng không chỉ có các cơ sở đào tạo mới dùng. Ngày nay, từng cá nhân đến mọi quy mô tổ chức đều phải có thời khoá biểu, và thời khoá biểu càng quan trọng càng cần phải được hiển thị rõ ràng với tính tùy biến cao nhất. Còn với trò chơi, ban đầu chỉ là những ván cờ, cuộc đua với những tình huống phát sinh khác nhau được đáp lại bằng những tình huống phù hợp khác nhau. Trong lý thuyết trò chơi, tùy biến là một đặc trưng nhưng mục tiêu cuối cùng (giành phần thắng) là một mặc định. Yếu tố còn lại, vận trù học (nổi tiếng với các bài toán điều độ giao thông, sản xuất hóc búa), chính là “chân kiềng thứ ba” của tổ hợp ba lý thuyết lớn của thời hiện đại. Vận trù học giúp việc thực thi hai lý thuyết còn lại một cách cân bằng, hài hoà, mỹ mãn.

Không thể nói thế giới hiện đại được vận hành bởi lý thuyết nào trong ba lý thuyết mà chỉ có thể nói nó tồn tại và phát triển bền vững dựa trên cùng lúc 3 “chân kiềng” lý thuyết đó và “ngọn lửa” công nghệ!

Cả 3 lý thuyết này chỉ thực sự toàn thắng với sự trợ giúp đắc lực, không thể thiếu của công nghệ, đặc biệt là CNTT. Thiếu CNTT, người ta không thể nào sắp đặt một thời khoá biểu chi tiết và khả biến. Thiếu CNTT, người ta cũng không thể nào ghi nhận và kiểm soát các yếu tổ ngẫu nhiên (để đưa chúng về tình trạng điều khiển được cho những lần sau, theo kiểu nếu A thì B, nếu Y thì Z…). Thiếu CNTT, người ta không thể nào điều chỉnh được các quá trình theo lịch bị tác động bởi các yếu tố ngẫu nhiên. Chính CNTT đã góp phần sắp xếp lại trật tự thế giới và vận hành nó theo cách của mình.

Kinh doanh hiệu quả

Không hề ngẫu nhiên khi công nghệ đặc biệt thu hút mọi người.

Một sự kiện khác: tạp chí Thế Giới Vi Tính – PC World Vietnam sê-ri B chuyên đề Giải Pháp và Ứng Dụng CNTT từ tháng 9/2007 sẽ lấy khẩu hiệu là Kinh Doanh Hiệu Quả. Mục đích không gì khác ngoài hỗ trợ tổ chức/doanh nghiệp, người dùng CNTT ứng dụng CNTT một cách hiệu quả nhất trong công việc hàng ngày của họ.

Có nhiều lý do dẫn đến quyết định nhưng tựu chung xu thế ứng dụng CNTT là không thể đảo ngược; các doanh nghiệp/tổ chức trước sau hay sớm muộn gì cũng đều phải sử dụng CNTT và phải ứng dụng có hiệu quả. Nói như một doanh nhân có tiếng trong ngành thiết kế và trang trí nội thất thì: “Áp lực từ yêu cầu của khách hàng ngày càng cao và hàng loạt ứng dụng CNTT mới ra đời là thách thức cho các doanh nghiệp muốn đổi mới và khẳng định tên tuổi của mình”. Nói cách khác, khách hàng cần sản phẩm tốt nhất (chỉ sản xuất được với điều kiện áp dụng tối đa khả năng của công nghệ!); và đầu tư cho công nghệ rất khó, nhưng đó là việc phải làm để bắt kịp thế giới đang vận hành theo lối mới…

Hiện nay, đầu tư vào ERP (Enterprise Resource Planning) đang được coi là ứng dụng toàn diện cho một doanh nghiệp, thường gặp ở những doanh nghiệp lớn với những quy trình sản xuất – kinh doanh hiện đại, đã được chuẩn hoá. Doanh nghiệp ứng dụng ERP đầy đủ các phân hệ được coi như đã tự động hoá hoàn toàn công việc quản trị doanh nghiệp: từ nhân sự; lao động tiền lương; kế toán tài chính; kế toán tổng hợp; phân tích – thống kê; quản lý dự án; điều độ sản xuất; quản lý kho hàng đến quản lý quan hệ khách hàng… Tình huống đặt ra là, phân xưởng A có một lịch xuất xưởng gặp nguy cơ không hoàn thành được do một số lao động phổ thông nghỉ việc đột xuất và thiếu một số nguyên liệu. Người quản lý sẽ dùng các phân hệ quản trị nhân sự (tìm kiếm nhân công cùng tay nghề trên toàn hệ thống các xưởng sản xuất), quản lý kho hàng (tìm vật tư bổ sung), điều độ sản xuất (điều chỉnh lịch đồ). Trong vài phút dùng chuột (để điều khiển phần mềm mà phần mềm thì vận dụng cùng lúc cả ba lý thuyết đã giới thiệu ở trên), người quản lý đã khắc phục được tình huống này.

Hay như trong các chuỗi cung ứng, việc phải vận dụng cùng lúc cả ba lý thuyết cũng không hiếm: Siêu thị A trong hệ thống siêu thị của công ty B hết loại hàng C trong khi khách đang chờ. Công ty B dĩ nhiên phải tìm mọi cách đáp ứng nhanh nhất để tối thiểu là giữ chân khách hàng, hơn nữa là làm khách hàng hài lòng. Làm cho khách hàng hài lòng là mục tiêu luôn được các thương hiệu lớn kiên định theo đuổi. Không có phần mềm quản lý chuỗi cung ứng, công ty B chắc sẽ chào thua tình huống vừa nêu hoặc phải giải quyết trong thời gian rất lâu.

Những phần mềm lớn - nhỏ được viết chính quy đều không chỉ là những dòng lệnh khô khan. Chúng là kết tinh của những quy trình chuẩn mực ngoài đời thực được đưa vào thế giới ảo. Tổ chức/doanh nghiệp quyết định đầu tư vào một loại phần mềm nào đó sẽ đồng nghĩa với việc tuân theo những quy trình chuẩn mực mới. Giữa những quy trình đúc kết vào phần mềm với những quy trình thực đang tồn tại tại tổ chức/doanh nghiệp thường có khoảng cách. Doanh nghiệp/tổ chức và nhà cung cấp phần mềm sẽ “thu xếp” được khoảng cách này (customize – điều chỉnh lại phần mềm). Việc điều chỉnh sẽ khác biệt giữa những phần mềm khác nhau với những doanh nghiệp/tổ chức khác nhau. Khi việc chuyển giao công nghệ thành công, tổ chức/doanh nghiệp đã trang bị phần mềm (thành một tổ chức/doanh nghiệp được sắp đặt và vận hành theo quy trình mới) sẽ kinh doanh – sản xuất và kiếm nhiều tiền hơn theo cách mới…

Có một sự thật khác là tổ chức/doanh nghiệp chưa muốn ứng dụng công nghệ cao chỉ vì chưa giải quyết được nhân sự dư dôi. Việc này thật ra không khó. Nếu chịu cất công tìm những lời tư vấn tốt (thường các chuyên gia tư vấn đều rất giỏi CNTT và ứng dụng CNTT ở mức rất sâu), tổ chức/doanh nghiệp không khó khăn gì khi bố trí lại lực lượng dư dôi vào những dự án sản xuất – kinh doanh mới, nhất là những dự án cung cấp dịch vụ vì dịch vụ sẽ là mảng phát triển mạnh mẽ trong cơ cấu chung của nền kinh tế đang phát triển như ở Việt Nam. Ở mảng dịch vụ, phần mềm cũng có những đóng góp to lớn.

Cứ thế, từng tổ chức/doanh nghiệp cho đến toàn thể nền kinh tế sẽ kinh doanh hiệu quả nhờ vào “ngọn lửa” công nghệ.

Theo Pcworld

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0