Ông Đam cho biết đây cũng là hình thức để đánh giá thực tế những gì 112 đã làm được. "Nếu có sức sống, nó sẽ lan toả. Trường hợp không thể tồn tại, Bộ sẽ có kế hoạch tiếp tục hoàn thiện các phần mềm đó. Đợi sau khi nhận được bàn giao từ Ban điều hành 112, chúng tôi sẽ rà soát và có hướng dẫn cụ thể về việc này", Thứ trưởng Bộ TT-TT nói.
Tài liệu hướng dẫn của Đề án 112 sẽ được Bộ TT-TT cập nhật trên mạng Internet để mọi người tiếp cận. Các cơ quan nhà nước được khuyến khích sử dụng các phần mềm dùng chung và có thể thuê doanh nghiệp hỗ trợ triển khai.
"Tôi hoan nghênh chủ trương phải có phần mềm dùng chung trong hệ thống quản lý nhà nước để vừa hiện đại hóa quản lý, vừa tiết kiệm", ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục Đào tạo, bày tỏ. "Tuy nhiên, những phần mềm hay sản phẩm được miễn phí cụ thể sẽ là gì? Và quan trọng là chúng phải qua quá trình thử nghiệm để cùng sửa lỗi, cập nhật để có sự lựa chọn tối ưu, chứ không thể cứ cái gì cho không cũng dùng được ngay".
Giám đốc Sở Bưu chính viễn thông TP HCM Lê Mạnh Hà nhận định: "Không ai lại đi tiếp nhận cái mà không chạy, không dùng được. Những sản phẩm của 112 phải có sự thẩm định lại rõ ràng".
Một số lãnh đạo của Sở, ban ngành khác không mấy mặn mà với ý tưởng này và cho biết còn phải chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ TT-TT.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng thông báo ý kiến của Thủ tướng rằng sẽ không tiếp nhận cổng thông tin điện tử thuộc Đề án 112 về Trung tâm tin học của đơn vị.
Sau 5 năm triển khai, Đề án 112 đã phá sản và chỉ có 3 phần mềm gồm thông tin điện tử tổng hợp kinh tế - xã hội, quản lý văn bản và hồ sơ công việc, trang thông tin điện tử phục vụ điều hành được thử nghiệm tại 27 tỉnh, thành và 15 bộ, ngành. Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội, đây là những công trình kém hiệu quả, tiếng là dùng chung song không thể liên kết ở ngay trong hay ngoài ngành.
Theo Vnexpress