Chính phủ phải mở “cửa” 24/24g
* Thưa ông, vừa qua VN được nhóm nghiên cứu của Đại học Brown (Hoa Kỳ) đánh giá có sự nhảy vọt về phát triển CPĐT (tăng từ bậc 126 năm 2006 lên bậc 90 trong năm 2007). Đây là thông tin đáng mừng cho VN?
- Đúng là rất đáng mừng nhưng không nên, không thể thỏa mãn. Dù nhảy vọt nhưng chúng ta vẫn đứng sau 89 quốc gia, nền kinh tế. Để có một CPĐT ở mức phát triển như Singapore, Hàn Quốc hay các nước Bắc Âu - những nơi người dân có thể tiếp xúc, giao dịch với chính quyền qua mạng gần như mọi lúc, mọi nơi - thì chúng ta còn ở rất xa, phải nỗ lực vượt bậc, liên tục trong không ít năm nữa.
Một công dân Singapore hay Canada đang du lịch ở VN vẫn có thể hoàn tất mọi thủ tục lập doanh nghiệp qua mạng Internet. Khi khai mẫu hồ sơ qua mạng, phần lớn các mục liên quan tới người đó đều được máy tính điền tự động nếu trước đây người này đã từng một lần khai báo với bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Để có thể làm như vậy, qui trình xử lý công việc của từng cơ quan nhà nước phải chuẩn, phải rõ, phải được tin học hóa. Hơn nữa, hệ thống thông tin bao gồm các cơ sở dữ liệu của các cơ quan phải liên thông với nhau. Đối với công dân, Chính phủ thật sự là một “cửa” mà cái “cửa” đó chính là máy tính nối mạng Internet. “Cửa” đó mở 24/24g và luôn ở sát công dân. Công dân có thể qua “cửa” đó để biết yêu cầu của mình đã hoặc đang được bộ phận nào xử lý, kết quả như thế nào một cách tường tận.
Dân sẵn sàng đón nhận CPĐT
* Nhiều người cho rằng chúng ta chưa có “công dân điện tử” nên sẽ làm chậm quá trình xây dựng CPĐT?
- Tôi không lo lắm vấn đề đó. Người dân không chỉ sẵn sàng tiếp nhận những tiện ích do CPĐT đem lại mà còn đòi hỏi nữa. Thử hình dung nếu Chính phủ sẵn sàng cung cấp dịch vụ qua mạng thì người dân có sẵn sàng không hay vẫn muốn đi về, đợi chờ trên huyện, trên tỉnh? Chính Nhà nước - bằng việc xây dựng CPĐT - sẽ giúp người dân sớm có thể trở thành công dân điện tử. Ví dụ người dân nào chẳng muốn mình có một mã số dùng cho tất cả giao dịch với Chính phủ thay vì phải có số chứng minh nhân dân, số thẻ bảo hiểm, số giấy phép lái xe...
* Vậy thực tế việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm khi xây dựng CPĐT thời gian qua như thế nào?
- Khoảng cách giữa mong muốn, yêu cầu của người dân và doanh nghiệp so với thực tế đáp ứng được còn rất xa. Điều dễ thấy là đa số các bộ, ngành, địa phương đều đã có trang hoặc cổng thông tin điện tử riêng để giao tiếp với dân, với doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần nhiều vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin một chiều mà thông tin cũng chưa thật đầy đủ, cập nhật. Một số ngành, địa phương đã bắt đầu thực hiện tiếp nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp nhưng cũng chưa thường xuyên, liên tục. Số dịch vụ cung cấp qua mạng còn ít và mới chỉ dần quen thuộc ở một số ít thành phố, ngành.
CPĐT không phải “siêu đề án”
* Nhưng thực tế sự phát triển CPĐT tại VN vẫn còn nhiều khó khăn?
- Cái mới, cái chưa có tiền lệ thường rất hiếm khi được thuận lợi ngay từ đầu. CPĐT đòi hỏi những thay đổi liên quan tới bộ máy, tới con người, đòi hỏi phải có giải pháp rất đồng bộ. Chỉ riêng yêu cầu công khai, minh bạch cũng đã ảnh hưởng lợi ích và vì vậy gặp trở ngại không nhỏ từ một bộ phận công chức. Thêm vào đó, yếu tố “sợ” công nghệ thông tin, coi sử dụng công nghệ là rất khó, rất chuyên sâu cũng làm không ít cán bộ thận trọng. Tuy nhiên, động lực để vượt qua những trở ngại đó ngày càng lớn. Đó là đòi hỏi từ người dân và doanh nghiệp, từ khả năng đáp ứng của công nghệ với chi phí giảm nhanh và đặc biệt là từ sự gương mẫu từ trên xuống. Nếu các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, thành phố đều giao lưu trực tuyến với dân, đều có trang thông tin như Thủ tướng, sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ và sự lan tỏa sâu rộng.
* Bộ Thông tin - truyền thông được giao xây dựng đề án CPĐT. Vấn đề này hiện được triển khai như thế nào?
- Chúng tôi đã xây dựng và trình Thủ tướng đề án CPĐT cho giai đoạn đến năm 2010 dưới tên gọi “Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước”. Những bài học kinh nghiệm trong nước và cả quốc tế đã được phân tích, tiếp thu. Điểm đáng lưu ý nhất có lẽ ở chỗ đây không phải là một “siêu đề án” với một khoản kinh phí lớn, tập trung mà là một chương trình mang tính hướng dẫn nhằm phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời vẫn đảm bảo tính thống nhất, tương hợp trên qui mô cả nước.
KHIẾT HƯNG
* Có thể hiểu xây dựng CPĐT trước hết phải thực hiện tin học hóa hành chính?
- Tất nhiên rồi. Nếu hệ thống, thủ tục hành chính được tin học hóa thì sự điều hành của bộ máy sẽ thông suốt, hiệu quả và minh bạch hơn. Khi đó, kể cả các giao dịch giữa chính quyền với dân chưa thực hiện qua mạng thì người dân cũng đã được phục vụ tốt hơn, nhanh hơn. Mặt khác, hãy hình dung nếu không tin học hóa hành chính, nếu vẫn thủ công, không có liên thông về thông tin trong nội bộ hệ thống hành chính thì làm sao có thể thực hiện được các giao dịch với người dân qua mạng.
|
Theo Tuổi trẻ