Xã hội đang phát triển, các "bô lão" không thể đứng ngoài lề, “mù tịt” với những phương tiện hiện đại vốn rất hữu dụng trong cuộc sống. Làm thế nào để các cụ “theo kịp thời đại” quả là điều không dễ dàng…
“Ây Ti Em”, hãi lắm!Tôi có ông bác họ đã về hưu nên máy móc phương tiện hiện đại là những thứ ông rất "dị ứng". Một lần ra Hà Nội chơi, anh con trai chu đáo đã chuẩn bị cho bác một cái thẻ ATM phòng khi có việc cần dùng đến. Nhưng bác đã giãy nảy lên không chịu sử dụng với lý do: “Rắc rối lắm, nhỡ khi sử dụng bị nuốt mất thẻ thì nguy, lôi thôi mãi mới đòi lại được, có khi còn bị cướp nữa chứ!”
|
Các cụ đang nghe giới thiệu về thẻ ATM
|
Nhưng sau khi được hướng dẫn và sử dụng thành thạo, bác tôi lại thấy thích thú và cứ xuýt xoa khen cái “Ây Ti Em” tiện lợi. Đến tham dự buổi hội thảo giới thiệu phương thức thanh toán lương qua thẻ ATM cho cán bộ đã nghỉ hưu do ngân hàng tổ chức tại phường 5, quận 3 mới thấy rất nhiều cụ có cùng ưu tư với bác.
Điều các cụ lo lắng nhất là mình không còn minh mẫn nữa, chẳng biết có nhớ hết được các thao tác khi dùng thẻ không. Hơn nữa, theo cụ Ánh Nga (P.5, Q.3) thì: "Nhỡ quên mất mật khẩu thì khổ. Già rồi, trí nhớ kém, nhiều khi số điện thoại nhà mình còn chẳng nhớ thì làm sao nhớ được những dãy số dài phức tạp như vậy chứ. Nghe đâu nhiều khi máy móc trục trặc hay bị lỗi sao đó, mất tiền như chơi. Hãi lắm!".
Lo lắng vậy thôi, chứ các cụ cũng rất "khoái" cái ATM tiện lợi này. Cụ bà Trần Thị Ngoan hồ hởi: "Tôi đăng ký hộ khẩu tại quận 3 nhưng nhà ở tít Gò Vấp nên mỗi lần nhận lương hưu phải đi xe ôm mấy chục cây số lên rồi lại đi xe ôm mấy chục cây số về, vừa tốn tiền lại vất vả. Giờ mà làm thẻ ATM, tôi sẽ chẳng phải đi xa nữa mà tiền vẫn đến tay mình". Sau khi nghe nhân viên ngân hàng hướng dẫn nhiều cụ đã vui vẻ đăng ký.
|
Một cán bộ hưu trí đang phát biểu ý kiến tại buổi hội thảo. |
Tuy nhiên, không phải tất cả các cụ đều đồng tình ngay. Một phần vì ngại tiếp cận với cái mới mà mình chưa thấy bao giờ, phần vì theo như lời cụ bà Trần Thị Hoa: Tôi và ông nhà tôi đã hơn 80 tuổi rồi, sống được mấy đâu, dùng thẻ làm cái gì chứ!
Sau một thời gian dùng thử, phản hồi từ các cụ đều rất tốt mặc dù đôi khi cũng có cụ lên trình báo quên mất mật khẩu. Sau khi được nhân viên ngân hàng hướng dẫn đổi mã pin và trả thẻ lại, các cụ vui vẻ ra về và… dùng tiếp.
Bác Tâm ở Q.1, sau khi dùng thẻ ATM một thời gian đã bày tỏ: "Đúng là công nghê hiện đại, giờ hàng tháng tôi chẳng cần phải đóng tiền điện nước nữa mà cái ATM nó làm tất. Tài thật!".
Không chỉ thế, nếu dùng Internet, muốn chuyển tiền cho ai, các cụ chỉ cần lên mạng nhấp chuột vài cái là xong. Khỏi cần phải ra bưu điện làm đủ thủ tục rắc rối mà đôi khi còn bị các cô nhân viên bưu điện cằn nhằn vì tội viết chậm, viết sai.
Muốn thế, các cụ phải biết sử dụng Internet, một lĩnh vực công nghệ thông tin hiện đại tưởng chỉ dành cho mỗi giới trẻ thế hệ @.
Internet cho người cao tuổi
Đến Trung tâm Tư vấn Ứng dụng kinh tế thuộc Viện Kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người ngạc nhiên bởi những lớp học mà học viên toàn là các cụ U50-U70 đang ngồi cặm cụi "mổ cò" trên bàn phím vi tính hay chăm chú ngó lên màn hình.
Hỏi ra mới biết đây là lớp hướng dẫn sử dụng Internet cho người cao tuổi do Bưu điện thành phố phối hợp với Trung tâm tổ chức hàng tháng. Chương trình mới bắt đầu từ tháng 4 nhưng đã thu hút rất nhiều cụ tham gia. Tính đến nay đã có hơn một ngàn cụ dự lớp phổ cập Internet này. Thế mới biết nhu cầu được tiếp cận với công nghệ thông tin của các cụ là rất cao, không thua gì lớp trẻ.
|
Bác Đinh Văn Thuần đang ngồi nghe nhạc bằng Internet. |
Ở các nước tiên tiến, việc phổ biến Internet cho người cao tuổi đã được triển khai từ rất lâu nhưng ở Việt Nam còn rất mới mẻ. Và với các cụ tuổi đã cao, để tiếp cận với các phương tiện hiện đại thật không dễ dàng chút nào.
Đây chính là một thách thức lớn đối với giảng viên đứng lớp. Đơn giản hóa những vấn đề phức tạp là một trong những cách các giảng viên sử dụng nhằm giúp các cụ dễ hiểu hơn. Khi các cụ coi việc bật tắt hay sử dụng cái máy vi tính đơn giản như cái tivi ở nhà chắc chắn sẽ thấy bớt áp lực hơn và nhanh chóng sử dụng thành thạo.
Để giúp các cụ tiếp thu hiệu quả, trung tâm đã xây dựng bộ giáo trình ngắn gọn và dễ hiểu kèm với người hướng dẫn cụ thể từng thao tác trên máy cho các cụ dễ dàng nắm bắt. Sau hai tuần học, hầu như các cụ đã biết sử dụng các dịch vụ trên Internet như đọc báo, lướt web, nghe nhạc, sử dụng thư điện tử và "chát". Ai cũng phấn khởi vì mình không còn lạc hậu nữa đã có thể "hội nhập" được với thế giới.
Bác Đinh Văn Thuần, một học viên tích cực ở Q.5 đã bày tỏ: "Nghỉ hưu, tôi có nhiều thời gian rỗi rãi. Trước đây tôi thường coi truyền hình nhưng ngày càng có nhiều chương trình không phù hợp khiến tôi không thiết xem. Giờ biết Internet tôi có thể lên mạng xem báo, nghe nhạc, gửi thư và "chát chít" với bạn bè".
Bác Thuần đang nghiên cứu để có thể lập được blog. Thú nhất là bác có thể vào đọc được một số trang web nước ngoài. Nhưng bác chỉ đọc được bằng tiếng Việt thôi chứ không đọc được tiếng Anh. Bác bảo, nhiều lúc cũng tức vì không biết ngoại ngữ nên chẳng thể truy cập được nhiều trang web hay.
Hiện bác đang nhờ con cháu hướng dẫn để có thể tự học tiếng Anh qua mạng. Quả là kỳ diệu, vì sau khi tiếp xúc với Internet, các cụ dường như vui hơn vì thấy mình đã bớt lạc hậu. Thậm chí có những cụ còn biết dùng cả ngôn ngữ của thể hệ 8X, 9X. Các cụ đã lập ra hẳn một CLB và thường xuyên hẹn nhau cùng "chát".
Bà Trần Mai Trinh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng kinh tế: "Chúng tôi chỉ mong có thể phổ biến Internet rộng rãi đến tất cả các cụ. Tiếp cận được với các phương tiện hiện đại, khoảng cách giữa các thế hệ sẽ ngắn lại. Trong gia đình, ông bà sẽ hiểu và gần gũi với con cháu hơn. Đó cũng là chìa khóa để gìn giữ sự đầm ấm trong mỗi gia đình".
Chương trình phổ cập Internet cho người cao tuổi do Trung tâm tư vấn Ứng dụng kinh tế, Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Thời gian học trong 2 tuần, mỗi tuần 3 buổi nhằm giúp người cao tuổi hiểu tổng quan về Internet, sử dụng được điện thoại trực tuyến, cài đặt và sử dụng Yahoo Messenger, chat, tìm kiếm dữ liệu, tạo và sử dụng thư điện tử, sử dụng hệ điều hành Windows, chơi game…
Học phí của chương trình: Hoàn toàn miễn phí.
Các cụ muốn tham gia khóa học có thể tới đăng ký tại địa chỉ: Trung tâm Tư vấn Ứng dụng kinh tế, Viện Kinh tế TP.HCM: 97 Đặng Dung, phường Tân Định, Q.1. TP.HCM. Điện thoại: (08) 8484749/5265581
|
Theo Vietnamnet