Hội thảo thu hút sự tham dự đông đảo các blogger là giới am hiểu CNTT, nhà báo, giới văn phòng, các blogger tuổi teen và đại diện các cơ quan quản lý.
"Blog là thế giới thật!"
Thế giới mạng, thế giới blog, lâu nay thường được không ít người ví là thế giới ảo, cuộc sống ảo. Nhưng ông Tiến Linh - Chủ nhiệm CLB Các nhà báo viết về CNTT-truyền thông-lại khẳng định: "Blog là thế giới thật. Tất cả mọi người đều có thể khai thác...".
Blog là thế giới thật vì nó phụng sự cho cuộc sống thật của con người. Với Nguyễn Ngọc Long-Trưởng ban biên tập "nhacso.net" thì "blog là nhật ký cá nhân ghi lại những suy nghĩ, tâm tư của mình". Blogger An Khang cho rằng "blog là nơi để chia sẻ, cảm thông". Với một nhà báo nhiều kinh nghiệm như Huy Đức, blog là nơi anh đăng lại các bài báo của mình đã đăng báo, để bạn bè chưa đọc có thể vào đọc.
Blog phụng sự cho những mục đích giản dị, nhưng nó cũng có vai trò to lớn khi tạo ra sự kết nối cộng đồng để thực hiện những việc thiện nghĩa. Nguyễn Ngọc Long cho biết, nhờ có sự hưởng ứng của cộng đồng blogger mà "nhacso.net" đã thực hiện chiến dịch "Đồng ca vì công lý" ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc dioxin thành công ngoài mong đợi. Nhóm từ thiện "Những ước mơ xanh" đã từng tận dụng thế mạnh của blog để làm công tác xã hội với hiệu quả cao.
Blogger Nguyễn Trung Hải đến từ nhóm này cho biết: "Blog là nơi rất tốt để vận động sức mạnh xã hội. Lần đầu tiên chúng tôi vận động quyên góp đồng xu 500 đồng để tặng cho trẻ em cơ nhỡ, đã gom được 40 triệu đồng. Hiện chúng tôi đang vận động tiếp chiến dịch hiến máu nhân đạo, với tham vọng là tập trung được 1.000 người tham gia".
Có thể xây dựng văn hóa blog?
|
Hội thảo "Blog trong thế giới thật".
|
Võ Ca Dao-hiện là PR của NXB Trẻ-cho biết, blog là nơi để làm nhiều việc, đơn cử có thể dùng blog là PR quảng bá sản phẩm mới của đơn vị. Nhưng mặt trái của trò chơi này, theo anh, là rất tốn thời gian, từ đó ảnh hưởng đến công việc. Có những người, mỗi ngày "nướng" 4-5 giờ đồng hồ cho việc lang thang trên các blog.
"Nếu không biết điểm dừng thì dễ sa đà vào những câu chuyện, những cảm xúc buồn, mơ hồ và ảnh hưởng đến tâm trạng mình"-Trần Lê Bảo Anh, hiện làm tại Masso Group-nói: "Những blogger phải tự biết cầm dây cương một cách chắc chắn nhất". Có những người, xem blog là thế giới tự do không có rào cản, và nó thực sự thuộc sở hữu của mình. Song với không ít người khác, trong blog không thể sống thật đến tận cùng.
Một mặt trái khác, theo Võ Ca Dao cần được mổ xẻ kỹ hơn, là có nhiều chuyện bực bội, không hài lòng trong Cty, đơn vị lại không được trao đổi thẳng thắn để hiểu và cảm thông, ngược lại chỉ được viết trên blog với sự ấm ức, khó chịu chẳng khác gì đi nói xấu sau lưng người khác. Xu hướng này đang ngày càng đậm nét trong không ít blog của các cá nhân.
Vấn đề gần đây hay được nhắc đến, là các blog "đen", tung ra các thông tin tác động xấu đến người khác và ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng. Nhà báo Huy Đức cho biết, khi anh ngồi trước máy tính viết blog, cũng nghiêm túc và thận trọng như làm các việc khác. Ông Tiến Linh cho rằng, blog không xấu. Những blog "đen" chính là vì những thông tin, hình ảnh trong đó không tốt, cần phải ngăn chặn và xử lý.
Ông nói: "Trước khi ngồi viết, các blogger nên nghĩ viết cái gì, viết cho ai và để làm cái gì? Vì thông tin của blog có thể đi khắp toàn cầu...". Theo đó, muốn xây dựng một văn hoá blog, thì trước tiên không ai khác là những người chơi phải làm. Theo Nguyễn Ngọc Long, các nhà cung cấp dịch vụ cũng có thể định hướng cho các thành viên của mình.
Ông Trần Thế Tuyển - Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông: "Tôi đánh giá cao sáng kiến của Báo Lao Động khi tổ chức hội thảo này nhằm tạo ra một diễn đàn mang lại cách nhìn nhận đúng đắn hơn về blog, một xu hướng, một trào lưu trên mạng. Điều nổi bật nhất mà chúng ta mong đợi đó là tính cộng đồng của các blogger với nhu cầu được chia sẻ thông tin, và cùng hướng tới một sân chơi lành mạnh dù ảo hay thật.
Qua hội thảo này, tôi mong các vị đại diện cho người cung cấp và sử dụng Internet, các cơ quan báo chí có những ý kiến xác đáng góp phần giúp cơ quan quản lý nhà nước về báo chí truyền thông, các cấp có thẩm quyền tạo hành lang thông thoáng cho báo chí nói chung và dịch vụ Internet phát triển, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới...".
Ông Đào Văn Lừng - Vụ phó vụ Báo chí - Ban Tuyên giáo T.Ư: "Blog ra đời thể hiện sự dân chủ hoá đời sống xã hội. Blog là một sản phẩm văn hoá, và làm sao cho sản phẩm văn hoá này ngày một tốt hơn, là công việc của những nhà quản lý và của cả mọi người". Ông cũng lưu ý: Viết blog là tự do, nhưng không thể để sự tự do của mình xâm hại quyền tự do của những người khác, mà việc vu khống, nói xấu, mạo danh người khác là những ví dụ...".
|
Theo Lao động