Thứ năm, 18/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 21/08/2007
"Quản lý bằng thể chế để bắt kịp nhu cầu phát triển"

Sáng nay (21/8) Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc xây dựng cơ cấu, tổ chức của Bộ.

Thủ tướng làm việc với Bộ Thông tin-Truyền thông sáng 21/8 (ảnh: L.A.D)


Nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp đã báo cáo Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin - Truyền thông theo mô hình mới. Bộ Thông tin - Truyền thông được thành lập trên cơ sở vị trí và chức năng của Bộ Bưu chính Viễn thông trước đây và bổ sung chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa Thông tin chuyển sang.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Cần phải thay đổi tư duy quản lý!" Ảnh: L.A.D

Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, "Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ cố gắng tập trung vào ba mục tiêu cấp bách trước mắt là: Thứ nhất, ổn định bộ máy tổ chức của các đơn vị trực thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông  trước đây và bổ sung Cục Báo chí, Xuất bản; hạn chế tăng đầu mối để tiếp tục duy trì quản lý.

Thứ hai,  thay đổi tên gọi của một số Cục, Vụ, bổ sung chức năng mới. Thứ ba, các Cục, Vụ mới sẽ được thành lập, để tăng cường hoạt động chuyên sâu hơn,ưu tiên vào quản lý viễn thông, thúc đẩy  ứng dụng CNTT và quản lý báo chí."

19 Vụ, Cục của Bộ Thông tin truyền thông sẽ được giữ nguyên, không thay đổi. Tuy nhiên, Bộ TT-TT cũng đã đề nghị được đổi tên một số đơn vị: Vụ Công nghiệp CNTT thành Vụ CNTT; Vụ Khoa học công nghệ đổi thành Vụ KHCN và Môi trường.

Vụ Tổ chức cán bộ đổi thành Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo. Cục Quản lý Chất lượng BCVT và CNTT đổi thành Cục Quản lý chất lượng CNTT-Truyền thông. Viện Chiến lược BCVT và CNTT đổi thành Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông.

Tạp chí BCVT và CNTT đổi tên thành Tạp chí CNTT và Truyền thông. Bộ cũng đề nghị thành lập mới Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử; Cục Thông tin đối ngoại và Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng kiến nghị nâng cấp Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VN Cert hiện nay thành Cục An toàn thông tin. Trung tâm Hợp tác báo chí và truyền thông Quốc tế (hiện đang thuộc Cục Báo chí) thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và nâng cấp các đại diện Văn phòng Bộ tại TP HCM và Đà Nẵng đang có thành cơ quan đại diện của Bộ.

Cũng theo Bộ trưởng, trong tháng 9 sắp tới, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ tiếp nhận bàn giao Đề án 112.

Thủ tướng: "Quản lý bằng thể chế, chính sách"

Ảnh: L.A.D

Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo Bộ đã chấp hành nghiêm túc quyết định sáp nhập, đảm bảo tính liên tục trong công việc quản lý được giao. Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông nhanh chóng hoàn thành dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, dự kiến sẽ được Chính phủ thông qua trong phiên họp thường kỳ vào ngày 27, 28/8. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Bộ sẽ tập trung quản lý Nhà nước bốn chức năng chính: CNTT-Viễn thông; Bưu chính; Báo chí và Xuất bản. Đây là mô hình quản lý Nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, nhằm gắn kết CNTT với nội dung thông tin, theo xu hướng chung của thế giới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông nhanh chóng đề ra chiến lược phát triển, từ đó làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch, làm sao để nước ta "đi tắt, đón đầu" trong lĩnh vực này. Tiếp đó, Bộ phải kiểm tra, đôn đốc, sửa đổi những thể chế không phù hợp. Thủ tướng nhấn mạnh, đây chính là một điểm yếu của các Bộ, cần được khắc phục. 

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ cần giao rõ nhiệm vụ cho các tổ chức của mình, sao cho trong số 32 nhiệm vụ đã đề ra, "một nhiệm vụ do một tổ chức chịu trách nhiệm chính".

"Bộ Thông tin - Truyền thông cần quản lý bằng thể chế, chính sách tập trung vào bốn chức năng quan trọng và bảo đảm cho thể chế này được thực thi trong cả nước. Trong đó, quan trọng hàng đầu là Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành được thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển đúng hướng, mạnh mẽ, nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Lấy ví dụ minh họa, Thủ tướng đã hỏi lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông, tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam hiện tại là bao nhiêu? Bởi lẽ, bằng chính sách quyết đoán, hợp lý, khi Bộ Thông tin - Truyền thông quyết tâm đưa Internet phổ cập ra xã hội, VN đã đạt tỷ lệ gần 20% người dân được sử dụng Internet, tạo thành xa lộ thông tin trên mạng Internet. Tốc độ phát triển này cũng được thế giới và khu vực đánh giá cao.

Theo Thủ tướng, "từ bài học phát triển Internet, chúng ta đã thay đổi tư duy "khả năng quản lý tới đâu, mở tới đó" để nhanh chóng mở cửa thị trường, phát triển các dịch vụ viễn thông trước, và quản lý nhất thiết phải chạy theo, để bắt kịp với nhu cầu phát triển."

Đặc biệt, nhiệm vụ cấp bách của Bộ thời gian tới là tập trung đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng đã đồng ý với Bộ Thông tin - Truyền thông có thêm chức năng đào tạo nhân lực trong lĩnh vực CNTT - truyền thông (Vụ Tổ chức cán bộ sẽ thêm chức năng đào tạo), vì đây là nguồn lao động mang tính đặc thù cao.

"Nếu cần thiết phải có cơ chế đặc thù để đào tạo nguồn nhân lực CNTT-Truyền thông, Bộ Thông tin - Truyền thông được phép báo cáo lên Chính phủ, nhanh chóng thu hút lao động cho thị trường lớn này." - ông nhấn mạnh.

Trong số các đề xuất của Bộ Thông tin - Truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về nguyên tắc nâng cấp Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam thành Cục An toàn thông tin, bởi sự cần thiết phải có cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quan trọng này. 

Trước đó, có mặt tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cũng tán thành và đề xuất với Thủ tướng ủng hộ chủ trương này. Ông Tuấn đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông khẩn trương có đề án để có thể sớm triển khai.

Thủ tướng cũng đồng ý để Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ tiếp nhận chức năng quản lý quảng cáo trên các loại hình báo chí (do Cục Báo chí đảm nhiệm) và khẩn trương thành lập Cục Thông tin đối ngoại nhằm quản lý chặt chẽ lĩnh vực báo chí nước ngoài ở VN và báo chí VN ở nước ngoài.

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0