Ngược lại, nhật ký truyền thống là một dạng ghi chép những dòng sự kiện của chính người viết nhưng luôn được giữ như một bí mật của riêng mình. Sự kết hợp của hai dạng này tạo nên trào lưu blog trong vài năm trở lại đây. Có thể hiểu blog như một dạng nhật ký điện tử và có thể cho phép nhiều người đọc. Nói cách khác, blog mang tính phổ biến những vấn đề cá nhân riêng tư của chủ sở hữu.
Vấn đề bài viết này muốn bàn đến là ý nghĩa của blog đối với từng người và nhiều người trong cộng đồng những người sử dụng blog (blogger). Mỗi một blog được tạo nên sẽ mang một phong cách đặc trưng, nội dung theo sở thích của người tạo dựng.
Như đã đề cập ở trên, blog mang nhiều tính riêng tư nhưng lại được thể hiện ở dạng phổ quát (public). Do đó, ít nhiều nó ảnh hưởng đến xung quanh, đến những người viếng thăm blog của mình. Cách liên kết giữa các blog sẽ tạo nên một cộng đồng trên mạng, cộng đồng những người sử dụng blog (blogger).
Dĩ nhiên, một cộng đồng sẽ bị tác động bởi từng thành viên và mỗi thành viên đều có một vai trò nhất định trong cộng đồng đó. Cách bày tỏ những chuyện riêng tư, những quan điểm cuộc sống... sẽ tác động đến những thành viên khác theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Vì vậy, không thể nói rằng blog là chuyện riêng của mình và bất chấp những thành viên xung quanh.
Khi xây dựng một blog, đòi hỏi người viết phải dành một lượng thời gian nhất định cho nó. Vấn đề là thời gian đó được điều tiết như thế nào? Nếu không xem việc viết nhật ký truyền thống là phí phạm thời gian thì blog cũng vậy; cần phải có những khoảng thời gian riêng của nó, đó là việc của cá nhân.
Tóm lại, blog là một phần riêng tư của mỗi con người nhưng nó lại được thể hiện ra cho cả một cộng đồng trên mạng xem. Điều cần thiết nhất hiện nay chính là nhận thức của mỗi thành viên trong cộng đồng đó để mỗi thể hiện, dù mang tính cá nhân, nhưng lại có sự tôn trọng đối với cộng đồng mạng, cộng đồng xung quanh mỗi người. Nói cách khác, nó thuộc về một phần trong văn hóa cộng đồng mạng.
Theo NLĐ