Tại Việt Nam, khách hàng đã có thể tham gia mua hàng và đấu giá tại một số website thương mại điện tử như www.chodientu.vn, www.golmart.vn, www.btsplaza.com.vn,...
Và hiện nay cũng đã có khá nhiều người bắt đầu mua, bán, đấu giá trên các website nước ngoài như www.ebay.com, www.amazon.com, www.yahoo.com.
Tuy nhiên việc mua hàng trực tuyến hiện nay ở Việt Nam cũng như nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn và nhiều rủi ro. Vậy cách mua hàng trực tuyến thế nào?
Mua hàng và đấu giá trực tuyến tại Việt Nam
Hầu hết các website mua bán hoặc đấu giá trực tuyến trên mạng hiện nay ở Việt Nam đều áp dụng một số cách giao dịch như sau.
Để bán hàng hoặc mua hàng, người tham gia cần vào website đó và đăng ký làm thành viên với các thông tin cá nhân cần cung cấp như tên, giới tính, ngày sinh, địa chỉ, điện thoại, số CMT. Sau khi trở thành thành viên sẽ được phép đăng các mặt hàng mình muốn bán cũng như muốn mua hoặc đấu giá.
Hầu hết các website hiện nay như www.golmart.vn, www.btsplaza.com.vn, vdcsieuthi.vnn.vn đơn thuần là website bán hàng trên mạng, không có chức năng đấu giá. Người dùng chỉ có thể tìm các mặt hàng mà chủ nhân website đăng bán, đặt mua và thanh toán cho chủ nhân website.
Với cách mua bán này thì hàng hóa luôn được đảm bảo về chất lượng như thông tin đăng bán, có chế độ bảo hành, khuyến mại... Tuy nhiên vì mặt hàng và giá cả do chủ nhân website đăng tải nên người mua không có sự lựa chọn nào khác.
Trong 2 năm trở lại đây, một số website ở Việt Nam đã có cách hoạt động tương tự ebay và đúng nghĩa với chợ điện tử. Đó là cho phép người dùng tự đăng các thông tin bán hàng, đăng các mặt hàng muốn bán theo kiểu đấu giá, ví dụ như www.chodientu.vn, www.heya.com.vn.
Nhưng nhược điểm của cách mua bán này là chất lượng hàng hóa và độ tin cậy chưa cao, dễ xảy ra tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” hoặc nhận tiền rồi nhưng không chuyển hàng đến người mua.
Tuy nhiên, khách hàng cũng đừng lo lắng quá vì đơn vị quản trị website và cộng đồng người mua và bán trên chợ điện tử sẽ thực hiện việc kiểm soát, chấm điểm người bán để đánh giá chất lượng giao dịch.
Mua bán hàng trực tuyến, nhưng tại Việt Nam vẫn đang dùng chung một số cách thanh toán mà có thể coi là không trực tuyến sau:
- Thanh toán trực tiếp tại văn phòng giao dịch của công ty quản lý website bán hàng đó.
- Chuyển khoản qua ngân hàng hoặc chuyển tiền qua bưu điện.
- Đơn vị bán hàng sẽ thu tiền của người mua tại nơi giao hàng.
- Thanh toán qua thẻ ATM.
Duy nhất có website vdcsieuthi.vnn.vn có hệ thống thanh toán trực tuyến VDC-ACB (phối hợp giữa VDC và ngân hàng ACB). Tuy nhiên hệ thống này ít phổ biến và chỉ phục vụ cho khách hàng mua trên vdcsieuthi.vnn.vn.
Mua hàng và đấu giá trực tuyến tại các website nước ngoài
Cách mua hàng hoặc đấu giá trực tuyến trên các website nước ngoài hiện nay cơ bản không khác nhiều so với các website trong nước. Điểm khác biệt lớn nhất đó là phương thức thanh toán và phí vận chuyển hàng hóa về Việt Nam.
Bắt buộc người mua, người bán trên các website này phải có thẻ thanh toán quốc tế như VISA hoặc MASTERCARD.
Với các thẻ tín dụng này, họ có thể chuyển tiền trực tiếp cho nhau hoặc đăng ký thanh toán qua hệ thống giao dịch trung gian, phổ biến nhất hiện nay là hệ thống Paypal.
Trước đây vài năm, do tình trạng các hacker Việt Nam sử dụng quá nhiều thẻ không hợp pháp để mua hàng, hãng Paypal đã không cho phép người dùng Việt Nam được thanh toán qua hệ thống này. Tuy nhiên hiện nay người dùng Việt Nam đã có thể đăng ký và giao dịch qua hệ thống Paypal như tại các nước khác.
Điểm thuận lợi nữa cho người Việt Nam muốn mua bán trực tuyến trên các website nước ngoài là hiện nay các ngân hàng trong nước như Vietcombank, Techcombank,… đang có nhiều chương trình khuyến mại và tạo điều kiện dễ dàng cho khách hàng có thể đăng ký và sở hữu các loại thẻ như VISA, MASTERCARD. Mức phí duy trì thẻ VISA của Techcombank chỉ có 96.000 đ/năm.
Và cũng như việc đấu giá trực tuyến tại Việt Nam, việc mua hàng đấu giá qua các website như ebay, yahoo cũng gặp một số rủi ro. Đó là việc người bán trên mạng giao hàng chậm, chất lượng kém hoặc tệ hơn nữa là không giao cho người mua.
Còn phía người bán cũng có những mối lo riêng như chậm thanh toán, đổi ý (thôi không mua nữa), hoặc dùng thẻ tín dụng bất hợp pháp. Một điểm khó khăn cho người tại Việt Nam mua hàng trên ebay là số người bán đồng ý chuyển hàng về Việt Nam hiện nay không nhiều.
Theo Tienphongonline