Trước đó, sau khi Tổ chức Thông tin kinh tế (EIU) đánh giá và xếp Việt Nam đứng thứ 61 trong tổng số 64 nước, nền kinh tế về năng lực cạnh tranh công nghiệp CNTT, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Bưu chính - viễn thông (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông) báo cáo đầy đủ, khách quan và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Báo cáo của Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết chỉ số cạnh tranh trong ngành công nghiệp CNTT liên quan chặt chẽ tới GDP bình quân đầu người.
Trong khi đó, Việt Nam có GDP bình quân đầu người thấp hơn từ 8-15 lần so với 22 nước, nền kinh tế và thấp hơn từ 2 đến 7 lần so với 30 nước. Do đó, việc Việt Nam chỉ xếp thứ 61/64 là dễ hiểu. Điều quan trọng là 64 nước, nền kinh tế được EIU đánh giá, xếp loại là những nước có sức cạnh tranh nhất về công nghiệp CNTT nên đây là dấu hiệu tích cực đối với Việt Nam.
Ngoài ra, EIU cũng xếp Việt Nam vào danh sách “những ngôi sao đang lên của ngày mai” cùng với Malaysia, Brazil, Nga, Ba Lan, Hungary.
EIU cho rằng thế mạnh chính của Việt Nam là nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ người Việt Nam đang làm việc trong ngành CNTT ở nước ngoài cùng sự quan tâm của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng thông tin.
Mặt khác, các số liệu được EIU lấy để đánh giá có tới 50% số liệu định tính là số liệu từ năm 2004 nên mặc dù bản báo cáo công bố năm 2007 nhưng thực chất là đánh giá cho giai đoạn 2002 -2006.
Mặc dù vậy, Bộ Thông tin - truyền thông cho rằng có hai chỉ tiêu của Việt Nam mà EIU đưa ra đánh giá đáng lưu ý là chỉ tiêu hạ tầng CNTT và môi trường nghiên cứu, phát triển bởi những chỉ tiêu này Việt Nam gần như bị điểm “liệt”.
Nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp CNTT, Bộ Thông tin - Tuyền thông đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm thực sự hơn tới ứng dụng CNTT. Việc ứng dụng CNTT không chỉ có ý nghĩa đối với cải cách hành chính mà còn là điều kiện cần thiết thúc đẩy CNTT được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực.
Bộ cũng kiến nghị tạo điều kiện đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển CNTT, có chính sách ưu đãi về thuế đối với những tập đoàn muốn đầu tư vào VN để thiết lập cơ sở công nghiệp phần cứng cung cấp cho thị trường toàn cầu.
Theo TTO