Thứ bảy, 11/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 16/08/2007
Bộ BC&VT đổi tên thành Bộ Thông tin Truyền thông: Cơ hội lớn cho ngành CNTT, truyền thông

Năm nay, ngành bưu chính viễn thông Việt Nam kỷ niệm ngày truyền thống (15/8/1945 – 15/8/2007) trong bối cảnh khá đặc biệt: Bộ BC&VT, đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT, được đổi tên thành Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Bùi Quốc Việt – Giám đốc Trung tâm Thông tin bưu điện thuộc tập đoàn VNPT.

Ông Bùi Quốc Việt – Giám đốc Trung tâm Thông tin bưu điện thuộc tập đoàn VNPT cho biết:

62 năm qua, ngành bưu điện đã thực sự lớn lên cùng đất nước. Ngành đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, sau 5 năm thành lập Bộ Bưu chính, Viễn thông (8/2002 – 8/2007), ngành BCVT-CNTT đã có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện, tạo nên một môi trường kinh doanh mới, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp BCVT-CNTT trong nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển.

Việt Nam đã trở thành nước có thị trường kinh doanh BCVT và CNTT cạnh tranh tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới trong 3 năm qua.

Ngành đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý tặng cho một ngành kinh tế – kỹ thuật đầu tiên của nước ta.

Sự kiện đổi tên Bộ BCVT thành Bộ Thông tin Truyền thông  sẽ có tác động thế nào đến sự phát triển của ngành bưu chính viễn thông, CNTT?

Đây là bước tiến mới trong quá trình cải cách hành chính của Chính phủ, là tính tất yếu của sự vận động, phát triển của ngành BCVT - CNTT trong nhiều năm qua, đồng thời đánh dấu sự hội tụ giữa Viễn thông - CNTT và Truyền thông, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, đặc biệt là sự phát triển, hội tụ của khoa học công nghệ.

Với chức năng được bổ sung về quản lý nhà nước cho ngành BCVT trước đây, bao gồm cả nội dung thông tin - báo chí - xuất bản, tôi tin rằng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là một trong những bộ, ngành có vai trò thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển của đất nước, đặc biệt là sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung, phát triển CNTT và truyền thông để đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có nền kinh tế thông tin - kinh tế tri thức phát triển.

Đối với Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT Group), đây cũng là cơ hội lớn cho sự phát triển bởi VNPT có hạ tầng cơ sở mạng lưới vững mạnh, phổ cập và rộng khắp, có nền tảng vững chắc về nguồn nhân lực, về thị trường và thị phần, đặc biệt là sự gắn kết giữa VNPT với ngành báo chí, xuất bản – phát thanh, truyền hình từ những ngày đầu tiên được thành lập.

Từ một ngành độc quyền, VNPT Group rõ ràng đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi các đối thủ trong và ngoài nước. Một lãnh đạo VNPT đã thừa nhận “có lúc thấy mình nguy”…

Hiện nay, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp mới thường năng động, gọn nhẹ hơn. Những doanh nghiệp mới được hưởng chính sách ưu đãi phát triển, được lựa chọn các loại hình dịch vụ kinh doanh và lựa chọn khu vực, thị trường có lợi thế và đặc biệt, được tự định giá cước và các chương trình khuyến mãi nói chung. Đây là những điểm mà VNPT phải chịu sự quản lý, điều tiết và cho phép của Nhà nước.

Đối với VNPT, hiện có một số khó khăn khách quan như bộ máy lớn, sự chuyển đổi sang kinh doanh thị trường một cách đồng bộ trong tất cả các đơn vị thành viên còn khó khăn, đặc biệt là chuyển đổi, giải quyết các chế độ lao động.

Nhân viên kỹ thuật VNPT đang làm việc tại tổng đài - Ảnh: Hồng Vĩnh

Tuy nhiên, VNPT cũng có nhiều lợi thế mà các doanh nghiệp khác không có được về kinh nghiệm, thị phần, thị trường, thương hiệu cũng như truyền thống và bề dày lịch sử.

Những khó khăn của VNPT hiện nay chỉ là tạm thời. Hy vọng trong quá trình đổi mới, cấu trúc lại mô hình, VNPT sẽ tiếp tục phát huy được sức mạnh và phát triển vượt bậc, vững chắc trong những năm tới.

Thái độ phục vụ của nhân viên bưu điện thuộc VNPT Group vẫn đang bị kêu ca nhiều. Ông có cho rằng hiện tượng này còn rất lâu mới có thể khắc phục được?

Số lượng CBCNV trong lĩnh vực BCVT-CNTT rất đa dạng, nhiều hoạt động bán hàng khác nhau nên cá biệt, có những trường hợp nhân viên có thái độ chưa đúng mực và tận tụy với khách hàng, có lúc còn có sai sót với khách hàng. Chúng tôi đang tiếp tục khắc phục triệt để, kiên quyết chấn chỉnh và xử lý, cố gắng phục vụ chất lượng và đáp ứng yêu cầu khách hàng trong điều kiện có thể.

Năm 1995, mật độ điện thoại của cả nước sau giai đoạn tăng tốc thứ nhất 1993-1995 đạt 1 máy/100 dân.

Năm 2007, bình quân cả nước đã đạt trên 45 máy/100 dân. 100% xã trong cả nước có điện thoại, 92% xã có báo Đảng đến trong ngày, 8.000 điểm BĐ-VH xã đang hoạt động có hiệu quả, 19.000 điểm phục vụ bưu điện chỉ cách dân trên 2,3 km, số lượng người sử dụng Internet gần 17 triệu người, đứng hàng thứ 17 thế giới; CNTT từ 2002 phát triển với tốc độ tăng bình quân 25-30%.

Ngay từ những năm đầu đổi mới, VNPT đã luôn quan tâm nhiều đến văn hóa kinh doanh hiện đại, văn hóa ứng xử và đã có nhiều biện pháp như đào tạo kỹ năng kinh doanh, phong cách ứng xử, kỹ năng chuyên môn, bán hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ…

Được biết đề án thành lập các Tổng Cty vùng của VNPT Group sẽ không được thực hiện theo kế hoạch. Mô hình thay thế sẽ là gì?

Mô hình Tổng Công ty Viễn thông vùng đề xuất cách đây 5 năm giờ không còn phù hợp với trình độ phát triển khoa học công nghệ và quản lý hiện nay. VNPT đã trình Chính phủ sửa đổi lại cho phù hợp với điều kiện phát triển mới.

Trước mắt, sẽ tập trung chia tách bưu chính, viễn thông để tách bạch kinh doanh với phục vụ; Thành lập Tổng Công ty Bưu chính, còn Viễn thông sẽ tiếp tục phát triển vai trò của mình để kinh doanh có hiệu quả. Riêng mô hình mới của Viễn thông ra sao thì VNPT sẽ tiếp tục thực thi sau khi Chính phủ phê duyệt Điều lệ của Tập đoàn.

Chính phủ đã đồng ý về mặt chủ trương cho phép VNPT thành lập ngân hàng. Hiện đề án này đã được xúc tiến đến đâu, thưa ông?

Chính phủ đã phê duyệt chủ trương thành lập ngân hàng TMCP của VNPT. Theo đó, VNPT sẽ xây dựng đề án thành lập ngân hàng TMCP trên cơ sở chuyển đổi từ Cty Dịch vụ tiết kiệm bưu điện để trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Nếu không có gì thay đổi, đến đầu năm 2008, ngân hàng bưu điện sẽ chính thức ra đời và đi vào hoạt động.

Nếu nhận được sự liên kết hợp tác của một số ngân hàng lớn, việc kinh doanh của VNPT chắc chắn sẽ có lãi. Qua việc nghiên cứu thế mạnh của ngành như hệ thống điểm bưu điện có mặt tại 100% xã phường trên địa bàn cả nước, việc kinh doanh của ngân hàng chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi.

Theo Tienphongonline

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0