Cậu sinh viên khoa học máy tính thuộc Đại học Helsinki (Phần Lan) không hề nghĩ tới cuộc cách mạng mà mình tạo ra khi quyết định chia sẻ Linux với bạn bè và đồng nghiệp vào năm 1991. Tạp chí Computerworld đã có cuộc phỏng vấn với Torvalds:
- Ông công khai mã Linux để mong nổi tiếng hay đơn giản là để cho vui?
- Tôi không nghĩ Linux sẽ trở nên phổ biến như hiện nay. Tôi cũng không mong sự nổi tiếng. Khi chia sẻ mã, tất cả những gì tôi chờ đợi là nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Trước Linux, tôi viết nhiều phần mềm, như một trò tiêu khiển vậy. Nhưng vấn đề là tôi không thấy những gì mình tạo ra thực sự thú vị. Tôi lập trình một vài game nhưng chưa bao giờ thích chơi game, do đó tôi lại tiếp tục đi tìm những dự án hợp với mình hơn.
Tôi đã tìm thấy điều lý thú đó với Linux. Nếu không công khai mã, có thể tôi sẽ dùng nó một thời gian rồi chuyển sang chương trình khác. Nhưng mọi người đã chỉ cho tôi biết phần nào trong Linux đã ổn, phần nào cần thay đổi và tôi đã gắn bó với hệ điều hành này suốt 16 năm.
- Linux sẽ thế nào nếu nó được phát hành như sản phẩm thương mại?
- Nó sẽ chỉ là một phần mềm nhỏ được cài trên máy tính của tôi và khi tôi không còn hứng thú, tôi sẽ gỡ bỏ nó để thử nghiệm những dự án mới mẻ hơn. Nói cách khác, Linux chẳng có gì thú vị nếu không phải là một sản phẩm mã mở.
- Nhiều người kiếm tiền triệu nhờ công nghệ máy tính mới, ông có thấy mình bỏ lỡ cơ hội khi không biến Linux thành sản phẩm độc quyền?
- Không. Tôi đang sống sung túc. Tôi có một căn nhà với khoảng sân đủ rộng. Những con nai thi thoảng lại xuất hiện và ăn hoa hồng trong vườn. Tôi có 3 đứa con và chu cấp đủ tiền cho chúng đi học. Tôi còn cần gì hơn thế?
Thành lập một công ty thương mại là điều kém lý thú nhất mà tôi từng nghĩ đến. Tôi ghét những gì liên quan đến giấy tờ và không có tài lãnh đạo nhân viên, nên công ty đó chẳng bao giờ thành công. Ngược lại, những thứ tôi làm có ý nghĩa không chỉ với riêng tôi mà với nhiều người. Điều đó khiến tôi hài lòng.
- Ngoài sự miễn phí, Linux còn mang đến những gì cho người sử dụng?
- Lợi ích lớn nhất của Linux không liên quan đến tiền bạc mà là tính linh động. Nếu 99,99% người sử dụng không hề động tay chỉnh sửa, vẫn còn 0,01% trong số vài triệu người nhiệt tình xây dựng nó ngày một tốt hơn.
- Microsoft cho rằng phần mềm tự do và một số chương trình e-mail vi phạm 235 bằng sáng chế của họ. Liệu đây có phải là cơn ác mộng cho mã mở?
- Cá nhân tôi nghĩ Microsoft đang trải qua một giai đoạn cạnh tranh khó khăn. Như thường lệ, họ giảm giá sản phẩm nhưng cũng không thành công. Do đó họ muốn khuấy tung mọi việc lên khi tạo ra sự lo ngại, nghi ngờ.
- Ông và cộng đồng mã mở chuẩn bị gì cho cuộc chiến?
- Tôi không coi đây là một cuộc chiến. Tôi chỉ làm những gì tôi thấy cần thiết. Tôi đã sử dụng một vài sản phẩm của Microsoft và chưa bao giờ có ý chống lại họ. Đơn giản là Microsoft không ưa tôi.
- Ông nhận xét gì về phiên bản GPLv3 mà tổ chức phần mềm tự do FSF (Free Software Foundation) mới công bố?
- Tôi vẫn đánh giá GPLv2 cao hơn. Chúng tôi có khoảng 50 chứng chỉ mã mở khác nhau và suy cho cùng, GPLv3 cũng chỉ là một trong số đó. Nhưng mỗi người có một quan điểm riêng. Tôi không dùng BSD (Berkeley Software Distribution) nhưng hàng trăm dự án khác vẫn dựa trên nó đấy thôi.
Theo Vnexpress