|
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: "Tự do báo chí, cũng như trong tham gia giao thông, con người sẽ an toàn và tự do nếu họ đi đúng lề đường bên phải".
|
Truyền thông là một ngành kinh tế
Báo chí thế giới gần đây nói nhiều đến khái niệm “Kinh tế truyền thông?”. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?
- Kinh tế truyền thông trên thế giới hiện rất phát triển. Những nước lớn như Mỹ đã sử dụng truyền thông như một công cụ để gây ảnh hưởng đến thế giới. Còn ở khu vực Châu Á, gần đây, Hàn Quốc cũng là đất nước đang đầu tư phát triển mạnh kinh tế truyền thông. Những bộ phim Hàn Quốc được chiếu ở VN đã quảng bá cho hình ảnh đất nước, cho sản phẩm và các dịch vụ của Hàn Quốc. Vì thế, dần dần giúp họ thâm nhập vào các thị trường mới, chẳng hạn như VN.
Truyền thông cũng chính là phương tiện tốt nhất để quảng bá và quảng cáo về sản phẩm của chính người dân. Cách tiếp cận này cho phép nền kinh tế mở cửa và cất cánh.
Vậy nên, VN cần xây dựng ngành kinh tế truyền thông. Đây là một ngành kinh tế đem lại nhiều nguồn lợi to lớn. Đồng thời, cũng qua truyền thông, chúng ta có thể đem VN ra với bạn bè quốc tế.
Khi xây dựng một nền kinh tế truyền thông, nghĩa là chấp nhận sự cạnh tranh, thưa Bộ trưởng?
- VN đã gia nhập WTO, vì vậy, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận rằng truyền thông là một ngành kinh tế, thậm chí ngành kinh tế mũi nhọn và tất yếu phải có sự cạnh tranh. Cạnh tranh lành mạnh sẽ nâng chất lượng của truyền thông lên rất nhiều. Khi phải tự hạch toán, muốn đảm bảo hoạt động thì mỗi cơ quan sẽ phải tìm cách bán cho được sản phẩm, phải cạnh tranh theo đúng quy luật của thị trường. Các cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông sẽ phải thuyết phục được công chúng rằng sản phẩm của họ tốt.
Kinh tế truyền thông, muốn tiên phong phải chấp nhận cạnh tranh
Bộ trưởng vừa nói "thông tin và truyền thông đang là những lĩnh vực tiên phong nhất". Vậy sắp tới, phải làm gì để truyền thông phát huy vai trò tiên phong của mình?
- Nhà nước cần phải tạo một hành lang pháp lý đủ rộng, minh bạch để cho nhiều DN truyền thông có điều kiện phát triển. Đồng thời, các cơ quan báo chí, các tổ chức và DN truyền thông phải không ngừng học hỏi, tiếp thu những công nghệ mới của truyền thông thế giới.
Để phát huy vai trò tiên phong, không gì khác là phải chủ động cọ xát, chủ động đem được sản phẩm của mình ra với thế giới. VN phải chủ động vươn ra các thị trường lớn trên thế giới, phải đặt mục tiêu đưa nền truyền thông của mình ra nước ngoài, về lâu dài, làm thế nào để được quốc tế công nhận.
Bài học từ các nước cho thấy, người ta đầu tư rất lớn cho ngành CN truyền thông. Chiến lược phát triển của truyền thông thay đổi rất nhanh cùng với sự thay đổi của công nghệ và các công ty truyền thông phải liên tục đầu tư các cơ sở thiết bị mới nhất, hiện đại nhất. Ở nhiều quốc gia, nhà nước điều phối truyền thông còn tổ chức nội dung lại do các doanh nghiệp thực hiện.
Một nền kinh tế truyền thông mở và cạnh tranh sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho cả chính phủ, người dân và cả các cơ quan truyền thông. Chính phủ sẽ giảm dần các khoản chi cho báo chí, các đơn vị ngoài quốc doanh cũng có thể giúp chính phủ tuyên truyền những quan điểm, chính sách của nhà nước. Người dân sẽ được tự do lựa chọn các thông tin mà họ cần. Họ sẽ chọn nguồn thông tin chính xác, phong phú, kịp thời, phân tích sâu theo đúng yêu cầu của họ. Ngoài ra, truyền thông chính là phương tiện tốt nhất để quảng bá và quảng cáo về sản phẩm của mọi thành phần kinh tế. Cách tiếp cận này cho phép nền kinh tế mở cửa toàn diện để cất cánh nhanh.
Công nghệ thông tin đóng vai trò như thế nào trong việc phát triển một nền công nghiệp truyền thông, thưa ông?
- Lộ trình để có một bộ mới đa ngành và tiên phong như chúng ta đang có là việc lấy công nghệ thông tin làm nền tảng để phát triển truyền thông hiện đại. CNTT luôn luôn là công cụ quan trọng cho tất cả các nền kinh tế hiện nay. Đặc biệt, trong xu thế truyền thông đang phát triển, CNTT sẽ là công cụ để truyền thông đổi mới hàng ngày. Nhiều tập đoàn truyền thông ra đời, rồi xu hướng truyền thông đa phương tiện... đã mang lại thêm các giá trị gia tăng. Ý tưởng con người sẽ được chắp cánh bay cao, bay xa và sớm trở thành hiện thực nếu có sự hỗ trợ của CNTT.
Tự do báo chí không nằm ngoài lợi ích của dân tộc
Tự do báo chí đang là một đề tài được quan tâm không chỉ ở trong nước mà còn ở cả nước ngoài, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Muốn phát huy được sức mạnh truyền thông của báo chí, cần phải có tự do. Tuy nhiên, tự do không đồng nghĩa với việc vô chính phủ. Bất cứ sự tự do nào cũng cần phải có giới hạn. Chính vì thế mới cần phải có vai trò quản lý của nhà nước. Tự do báo chí cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Nếu tự do báo chí gây chia rẽ sự đoàn kết, làm tổn hại đến uy tín, danh dự, thương hiệu quốc gia, sự tự do ấy cần phải được kiểm soát, nhắc nhở, thậm chí nếu vi phạm cần phải có các chế tài xử lý nghiêm túc, đúng đắn và kịp thời.
- Phải chăng cái giới hạn của tự do mà ông vừa nói chính là tự do ""đi đúng lề đường bên phải" mà ông đã nói trước đây?
- Đã có nhiều người hỏi tôi về tự do báo chí, trong đó có không ít nhà báo đã đề cập nhưng rất tiếc là họ đã diễn đạt không chính xác những điều mà tôi muốn nói. Cái tự do mà tôi muốn nói là lợi ích của đất nước, của cộng đồng. Nếu đi ngược lại với lợi ích ấy thì ở bất cứ nước nào cũng không có tự do. Nói tóm lại, chúng ta hiểu tự do báo chí, cũng như trong tham gia giao thông, con người sẽ an toàn và tự do nếu họ đi đúng lề đường bên phải.
Xin cảm ơn Bộ trưởng
Theo Tuanvietnam.net