Thứ tư, 17/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 10/08/2007
Tin học y tế Việt Nam sẽ vào sân chơi toàn cầu

 Bác sĩ Vũ Mạnh Tiến- Ảnh: DNSGCT

Nhận xét về phẩn mềm quản lý tổng thể bệnh viện (MedisoftTHIS) của Links Toàn Cầu - công ty tin học y tế đầu tiên của Việt Nam - ông Chris Huynh, Giám đốc Công ty CyberMedisoft có trụ sở đặt tại Nevada, Hoa Kỳ, người từng quản lý một công ty tin học y tế với cả ngàn nhân viên ở Mỹ và hiện đang mang Medisoft THIS đi chào hàng tại Canada, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…, nói: “Không một lập trình viên nào có thể hiểu rõ tường tận mọi ngõ ngách của bệnh viện để có thể thực hiện một chương trình phần mềm quản lý bệnh viện một cách toàn diện và quy mô. Ngay cả ở Mỹ cũng chưa có. Thế mà một người Việt ở Việt Nam đã làm được!”.

Râu bạc phếu, mái tóc “muối nhiều hơn tiêu”, ánh mắt lấp lánh sự hóm hỉnh, cha đẻ của phần mềm này được biết đến như là người đặt nền móng cho ngành tin học y tế Việt Nam.

Từng đậu thủ khoa guitar vào trường Âm nhạc quốc gia, đâu là nguyên do khiến anh quyết định rẽ ngang sang nghề y?

- Tôi học nhạc từ năm lên bảy, mới đầu thích piano nhưng do hoàn cảnh gia đình, ba tôi khuyên chuyển sang học guitar. Ôm cây guitar không nổi, tôi quay sang hạ uy cầm theo gợi ý của nhạc sư rồi trở thành học trò guitar của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Năm 19 tuổi, chính sách thi cử thay đổi, thay vì thi thẳng vào trường Y như trước thì người ta yêu cầu có bằng tú tài phải học dự bị một năm ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Đó là cơ hội dành cho những tú tài Việt vốn không đấu lại với tú tài Tây về khả năng ngoại ngữ.

Nghĩa là trường y lúc đó là mốt thời thượng?

- Không hẳn. Vô trường Y giống như một lời khẳng định “mình là thứ thiệt”, 20 ngàn thí sinh chỉ lấy đúng 200 người. Có muốn lấy hơn cũng không được vì giảng đường đúng 200 chỗ, phòng thí nghiệm 200 bộ dụng cụ… họ làm rất chuẩn và chặt. Còn sinh viên ngành y thời đó vừa ra trường là đã có ô tô mèng mèng.

Thêm nữa, một phần tôi chịu ảnh hưởng nghề nghiệp của hai ông anh ruột, một người làm nghề dược, một người theo y khoa. Nhưng tôi nghĩ yếu tố quyết định là tôi không muốn bị thua kém - vốn là nỗi mặc cảm đeo đẳng tôi suốt thời đi học. Nhập học, giáo trình bằng tiếng Anh, giáo viên giảng bằng tiếng Pháp, tôi phải căng sức ra để không bị rớt lại. Tôi lập một ban nhạc, nhưng chỉ chơi buổi tối để kiếm tiền nuôi dưỡng nghiệp đèn sách. 

Năm 27 tuổi, khi nhiệt huyết cống hiến đang bừng bừng trong huyết quản, nhưng anh lại từ chối công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy - một nơi mà nhiều người mơ ước?

- Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hề hối hận về sự lựa chọn của mình. Sau hai năm làm bác sĩ cấp cứu trên một giàn khoan ngoài biển của Đan Mạch, tôi nghĩ đã đến lúc phải chuẩn bị cho mình một hướng đi lâu dài. Về Chợ Rẫy, suốt đời tôi sẽ chỉ làm đa khoa theo ngành học của mình. Nhưng khi về làm việc tại trạm y tế của Nhà in Trần Phú, tôi xin đi học chuyên khoa về tai, có thời gian học thêm tiếng Anh và để tâm quan sát hành trình khép kín của người bệnh. Nếu như thông tin của bệnh nhân mà bác sĩ tường tận thì công việc của họ sẽ bớt vất vả hơn. Hơn nữa, hiệu quả điều trị cũng dễ dàng hơn.

Đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra đối với bệnh nhân xuất phát từ sự cẩu thả hoặc thiếu thông tin của các bác sĩ. Sau này mở phòng mạch và 15 năm làm việc tại bệnh viện Nhi đồng 1, tôi càng có điều kiện nghiên cứu sâu hơn. Sự tích lũy đó là nền tảng đặc biệt quan trọng khi tôi chuyển sang lĩnh vực tin học y tế sau này.

Tin học y tế là một khái niệm còn khá lạ lẫm với nhiều người. Nếu chẻ đôi cụm từ này, theo anh, tin học và y tế, bên nào nặng hơn?

- Y tế là cái có trước và theo tôi thì đặc biệt quan trọng. Viết phần mềm thì làm cái một nếu như nắm rõ được quy trình bệnh viện.

Năm 1989, Bộ Y tế cho phép mở phòng mạch tư nhưng nghe nói anh đã “xé rào” trước cột mốc đó khá lâu?

- Chính xác là năm 1985. Sau một năm hoạt động, phòng mạch trở nên quá tải. Nhu cầu khám chữa bệnh hồi đó lớn lắm Thời điểm đó thực sự rất nhạy cảm, chỉ cần một sự cố nhỏ xảy ra đối với bệnh nhân là phòng mạch bị đóng cửa ngay lập tức. Cứu bệnh như cứu hỏa, nghề y đòi hỏi phải nhanh và chính xác.

Điều đó khiến tôi nghĩ đến việc quản lý hồ sơ của bệnh nhân bằng máy tính. Sau khi mua chiếc 8086 - dòng máy tính cá nhân đầu tiên - tôi mới đi học và mày mò viết phần mềm. Thú thực, chỉ khi sản phẩm đầu tay đã chạy ổn định, tôi và các anh em mới cảm thấy thư thái mỗi khi rời phòng mạch.

Nhi Đồng I là bệnh viện đầu tiên trên cả nước xây dựng được mạng máy tính nội bộ. Nhiều người tới bây giờ vẫn còn nhắc đến anh với tư cách là “kiến trúc sư trưởng” của công trình này…

- Chuyện khá dài. Năm 1989, tôi về nhận công tác tại khoa Tai - Mũi - Họng của Bệnh viện Nhi Đồng 1. Tuy nhiên, theo yêu cầu của ban giám đốc bệnh viện, buổi sáng cầm dao mổ, nửa ngày còn lại tôi xây dựng mạng nội bộ gồm một máy chủ và bốn máy con.

Năm 1992, tôi thi đậu chương trình tu nghiệp về tai một năm ở Pháp trong khi đang thực hiện một dự án tin học nghiên cứu về viêm phổi của Đan Mạch. Phía Đan Mạch chỉ đồng ý để tôi qua Pháp với điều kiện tôi phải quay lại với dự án khi cần. Quả nhiên, mới nhập học được ba tháng thì dự án tiếp tục. May mắn là phía Pháp không những chấp thuận mà còn cho tôi một khóa tin học kéo dài một năm tại trường Đại học Lille.

Ngày về, trong hành trang của tôi là một chiếc máy chủ và bốn máy con - quà tặng của người thầy dạy tôi với mong muốn mở rộng mạng ở Bệnh viện Nhi Đồng 1. Đáng quý hơn là phía Pháp còn gửi sinh viên thực tập qua hỗ trợ bệnh viện trong ba năm liên tiếp. Chưa hết. Năm 1995, bà Marina Picasso, cháu ngoại của danh họa Picasso khi đến Nhi Đồng 1 xin con nuôi đã ký tặng bệnh viện 60 ngàn USD để mở rộng hệ thống mạng nội bộ.

Có cảm giác như hành trình đến với ngành tin học y tế của anh giống như một phần mềm đang chạy?

- Tôi nghĩ đó là số mệnh. Đành rằng tự thân mình thích thú với ngành này nhưng nếu không có sự hỗ trợ thiết thực về tài lực và nhân lực thì khó có thể tiến xa. Còn gì đáng quý hơn, ấm áp hơn khi bạn bè quốc tế bỏ công, bỏ của giúp chúng ta xây dựng những thứ mà đất nước mình chưa có.

Được biết cũng nhờ công trình này mà Bộ Y tế mời anh tham gia xây dựng phần mềm tin học y tế quốc gia, cụ thể là medisoft2003 đang chạy tại 800 bệnh viện trên cả nước?

- Chưa đâu. Ngày cùng tháng tận của năm 1997, tôi đã nối thành công máy tính tại văn phòng bộ với mạng nội bộ của Nhi Đồng 1 qua đường điện thoại. Qua màn hình, Thứ truởng Bộ Y tế Phạm Mạnh Hùng khi ấy có thể biết được hành trình nhập viện của bệnh nhân từ lúc làm thủ tục đóng viện phí, điều trị cho đến khi xuất viện, tái khám.

Sau sự kiện này, tôi quyết định thành lập Links Toàn Cầu và giải quyết được hai sự cố về phần mềm y tế trước khi Bộ Y tế chính thức đặt vấn đề hợp tác. Chúng tôi có mời tư vấn nước ngoài nhưng mức chi phí tối thiểu họ yêu cầu là 5 triệu USD vượt quá khả năng của chúng ta. Tự thân vận động, với sự hổ trợ của Công ty Intel, năm 2004, chúng tôi công bố Medisoft 2003 và phần mềm này được Bộ Y tế chấm là phần mềm chuẩn quốc gia.

Nhưng cũng chính vì Medisoft 2003 mà Links Toàn cầu bị cho là độc quyền, còn anh thì giữ thái độ im lặng?

- Thực tình thì tôi rất buồn. Có lẽ vì nhiều người chưa biết tôi tặng không phần mềm chuẩn cho Bộ Y tế và cung cấp một phần mã nguồn. Thời gian eo hẹp khiến tôi quyết định không tranh biện. Tập trung cho công việc mà mình luôn cảm thấy thích thú là cách sử dụng thời gian có ý nghĩa nhất. Càng đi sâu vào nghiên cứu, tôi càng thấy mênh mông. Vì thế mà biết trân trọng thời gian của mình hơn.

Còn chuyện độc quyền, tháng 12 tới, khi Links Toàn Cầu kỷ niệm sinh nhật mười tuổi, chúng tôi sẽ tung toàn bộ mã nguồn Medisoft2003 lên mạng. Tôi nghĩ phần mềm này ngoài Việt nam cũng có thể hữu ích đối với những quốc gia khác có nền kinh tế đang và chậm phát triển như đề nghị của một số tổ chức quốc tế. Khi tất cả mọi người đều có thể tiếp cận cái ruột của Medisoft 2003 thì nghiễm nhiên sẽ không còn ai băn khoăn chuyện độc quyền.

Chắc anh phải giàu lắm mới cho như thế?

- Không hề. Nguồn thu từ phòng khám là bầu sữa nuôi sống Links Toàn Cầu. Nhưng sữa vắt hoài cũng phải cạn kiệt. Có những lúc tưởng phải ngừng lại, chín năm trời đằng đẵng chứ đâu có ít ỏi gì. Hai con của tôi đều đã ở riêng và tự lập, nhà còn có hai vợ chồng. Đến tuổi này nhu cầu vật chất chỉ còn là thứ yếu, quan trọng là sự sung mãn trong đời sống tinh thần. Links Toàn Cầu là cuộc chơi cuối cùng trong đời nên tôi phải chơi cho đã”.

Khó khăn như vậy, làm sao anh giữ được nhân viên?

- Tôi không đủ khả năng giữ cộng sự của mình bằng tiền. Các bạn ở lại bên tôi là vì văn hóa gia đình. Họ xem tôi như người cha mà cũng là đồng nghiệp. Mặt khác, các bạn ấy đánh giá được thành quả lao động của mình trên hệ quy chiếu đánh giá của xã hội. Biết mình đang làm gì và làm đến đâu là vô cùng quan trọng.

Xin lỗi nếu làm anh buồn. Tên công ty của anh nghe có vẻ “nửa nạc nửa mỡ”?

- Công ty này do tôi và một người bạn Canada sáng lập. Tiếc là anh ấy đã mất một năm sau đó vì bệnh ung thư gan. Tên công ty là do anh ấy đặt với mong muốn một ngày nào đó doanh nghiệp sẽ bước ra sân chơi toàn cầu. Tôi tin thời điểm đó đang đến gần. Chúng tôi đang thực hiện cuộc tổng duyệt cuối cùng với phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện Medisoft 2007. Dự án này mới khởi động được hơn hai tháng. Hiện 52 bệnh viện trên toàn quốc đáng ứng dụng phần mềm này, trong đó có bốn bệnh viện ở các tỉnh miền núi do Ngân hàng tái thiết Đức hỗ trợ nhưng Malaysia là đơn vị giám sát.

Đây chính là cửa ngõ để Links Toàn Cầu chứng minh khả năng đi ra nước ngoài. Phần mềm này đang được bán với giá 30 ngàn USD, trong khi đó, một sản phẩm tương tự ở Malaysia là 20 triệu USD, chi phí bảo trì mỗi năm là một triệu USD. Đáng mừng là những bệnh viện ở miền núi lại nằm trong tốp những đơn vị vận hành phần mềm trơn tru nhất.

Ồ, nghe như một nghịch lý?

- Thoạt đầu thì tôi cũng rất ngạc nhiên. Công nghệ thông tin, nghe thì ghê gớm, chứ suy cho cùng cũng chỉ là phương tiện để phục vụ con người. Nếu phương tiện mà khó sử dụng thì đâu còn ý nghĩa gì nữa. Khi đưa phần mềm này vào hoạt động, có những cô y tá ở một tỉnh miền núi đã khóc với tôi vì từ thuở nào đến giờ đâu có biết cái máy tính thế nào. Một tuần sau gặp lại, nhiều cô cười toe, nói dễ lắm. Hóa ra bản chất vấn đề chính là ở con người, có chịu làm hay không mà thôi.

Tôi phân khách hàng ra làm hai nhóm: tiềm năng và tiềm nguy (hiểm). Khách hàng tiềm năng thường là những lãnh đạo trẻ, tâm huyết và say sưa với quản lý. Ngược lại, khách hàng tiềm nguy là những những người không hợp tác với nhà cung cấp, họ làm chiếu lệ để lấy thành tích, mua sản phẩm mà không cần biết nó đang được sử dụng ở các bệnh viện khác như thế nào nên nhiều dự án lây lất mãi mà không kết thúc được. Trong khi đó, tình trạng chung của phần mềm tin học y tế Việt Nam hiện nay là vàng thau lẫn lộn, bởi lẽ sự bất ổn của phần mềm nhiều khi chỉ có thể đong đếm được sau khi đã chạy được một năm hơn.

Câu trả lời của anh chưa được rõ lắm…

- Dễ hiểu thôi. Những người làm ăn khuất tất chắc chắn sẽ không thích bởi phần mềm này đi sâu vào mọi ngóc ngách trong bệnh viện, tác động đến tất cả mọi người, từ bệnh nhân đến người điều trị. Muốn bớt xén một viên thuốc cũng không làm được. Tất cả mọi khâu đều minh bạch thì những người dấm dúi ắt là không thích. Gặp tôi, Giám đốc bệnh viện đa khoa Bình Phước nói: “Chúng tôi muốn tăng thu”. Nói một câu nói mà tôi biết họ muốn thanh lọc tiêu cực. Nội một câu nói mà tôi biết đó là đồng chí của mình, sướng lịm người.

Năm 2003, anh đã trình bày mô hình “bệnh viện không giấy tờ” trước nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương bằng một cái máy tính bỏ túi (pocket PC). Dự án này liệu có khả thi khi mà trên thế giới chưa có nước nào áp dụng được một cách hoàn chỉnh?

- Phần mềm đó đang đi vào giai đoạn hoàn tất tại Bệnh viện tư nhân Vũ Anh, Thành phố. Hồ Chí Minh, bệnh viện không giấy đầu tiên tại Việt nam (paperless hospital). Bệnh nhân đến khám chỉ cần lăn vân tay vào máy là mọi thông số về tiền sử bệnh tật sẽ hiện lên. Ở Mỹ có kế hoạch này và dự kiến hoàn tất vào năm 2014, toàn bộ thông tin của bệnh nhân đều được số hoá kể cả vân tay.

Thực tế hiện nay tại Việt Nam cho thấy nhiều bệnh nhân tỏ ra “lơ đãng” với sổ khám bệnh với mã số của mình, thậm chí có người mỗi lần nhập viện lại làm một sổ mới, nhất là ở những vùng có dân trí thấp. Điều này vô hình trung trở thành gánh nặng cho bác sĩ vì không thể theo dõi tình trạng bệnh tật trên máy tính một cách liên tụcvà kéo theo đó là ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, chỉ có quản lý bệnh nhân bằng vân tay mới có thể giải quyết vấn đề này và trong tương lai có thể giúp quản lý bệnh nhân trên toàn quốc Hiện tại, tôi đã áp dụng tính năng này để quản lý giờ giấc của nhân viên.

Anh có vẻ chặt chẽ?

- Từ ngày viết xong và áp dụng phần mềm quản lý vân tay này và đưa vào ứng dụng tại công ty, tôi thấy các cộng sự của mình đặc biệt đúng giờ bởi nếu trễ hai phút theo quy định làm việc thì hệ thống này sẽ thông báo đỏ rực. Ngược lại, những anh em làm khuya sẽ có chế độ ngoài giờ. Tôi nghĩ đó là sự công bằng.

Một ngày làm việc của anh như thế nào?

- Ngồi vào máy tính lúc ba giờ sáng. Bảy giờ rời nhà đến công ty, làm việc thông trưa với một ly cà phê. Sau bữa tối, tôi tiếp tục ngồi vào bàn đến 23 giờ khuya rồi đi ngủ. Mười năm nay, hiếm có ngày nào tôi ngủ quá năm tiếng.

Là bác sĩ nhưng sinh hoạt của anh không được khoa học cho lắm?

- Cũng may, trời cho tôi sức khỏe.

Anh không còn thú vui nào khác ư?

- Tôi mê đá banh. Tôi chưa bỏ trận nào của tuyển Việt Nam. Mỗi lần nhìn các cầu thủ đặt tay lên trái tim khi làm lễ chào cờ, người tôi rân rân một cảm giác rất lạ, như bay, như say.

Đó là tinh thần dân tộc?

- Đúng. Tuyển nhân viên, câu đầu tiên tôi hỏi là sở thích. Nếu không có xem đá banh để ủng hộ đội Việt nam là coi như hỏng.

Liệu có cực đoan quá không, thưa anh?

- Ngoài tinh thần dân tộc, công nghệ thông tin giống đá banh ở tốc độ và làm việc theo nhóm. Làm IT mà thích phim bộ thì…

Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ?

- Đừng tự mãn. Thời của tôi, nhiều sinh viên nội trú vào phòng mổ quay kẹp nhoay nhoáy như cao bồi Mỹ chơi súng bên cạnh ông thầy già lụm cụm. Nhưng tổng kết lại thì ông thầy già luôn mổ nhanh hơn nhiều vì người trẻ phải mất thời gian cầm máu cho bệnh nhân quá nhiều. IT trẻ bây giờ cũng vậy thôi. Tôi nghĩ càng già người ta càng biết sợ! Tin học y tế như một cái biển, càng làm nhiều càng thấy mình cần leo lên internet để học nữa, học nữa…

Còn đối với những bạn trẻ muốn thử sức tại Links Toàn Cầu thì sao, tương lai của Links Toàn Cầu xem ra khá là xáng lạn?

- Chúng tôi luôn rộng cửa đối với những người biết chấp nhận thách thức. “Đến với chúng tôi, trở về phục vụ quê hương các bạn” là slogan của Links Toàn Cầu cho chương trình tuyển dụng mới. Sau một thời gian làm việc và bổ trợ các kỹ năng cần thiết, chúng tôi sẽ giới thiệu các bạn trở về làm việc tại các bệnh viện có sử dụng phần mềm của chúng tôi trên chính quê hương các bạn.

Đã lâu không cầm dao mổ, anh có nhớ nghề không?

- Tôi vẫn có bệnh nhân đấy chứ. Đó là những người thân, bạn bè.

Người ta nói sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ?

- Tôi chưa thành công nhưng tôi hạnh phúc. Chúng tôi biết chiều chuộng nhau.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở này.

Theo TTO

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0