Trong thời gian ở tại Việt Nam, John Wood sẽ đi thăm các dự án xây phòng vi tính, thư viện, phòng học; trao tặng học bổng của “Room to Read Việt Nam” tại các tỉnh Long An, Vĩnh Long và TP.HCM. Ngoài ra, đây cũng là dịp để các nhà tài trợ Mỹ, trong đó có Tập đoàn Công nghệ Truyền thông Qualcomm, tìm hiểu các chương trình của tổ chức tại Việt Nam để hỗ trợ trong tương lai.
Hành trình mà John Wood đã và đang bước đi chính là hành trình nhân ái.
|
John Wood (phải) và các trẻ em nghèo Ảnh: successmagazine.com |
"Microsoft không cần tôi như những đứa trẻ này"
35 tuổi, John Wood đã là nhân vật quan trọng thứ hai của tập đoàn Microsoft ở Trung Quốc, nắm trong tay số tài sản lên tới 2 triệu USD và những cơ hội thăng tiến mà hàng vạn người trên thế giới đều mơ ước.
Năm 1998, trong chuyến du ngoạn đến Himalaya, John Wood được mời đến thăm một ngôi trường ở Bahundanda – Nepal. Ông nhìn thấy 80 đứa trẻ chen nhau trong một lớp học chỉ đủ dành cho 20 em và thư viện trường chỉ là một căn phòng trống trơn với 20 quyển tiểu thuyết diễm tình không dành cho con trẻ. Từ giờ khắc đó, Wood biết một điều: “Microsoft chắc chắn không cần tôi nhiều như những đứa trẻ này”
Ông rời bỏ Microsoft để bắt tay vào thử thách mới: tìm kiếm cơ hội mở mang kiến thức cho những đứa trẻ ở những nơi thâm sơn cùng cốc.
Trở thành Anh hùng Châu Á năm 2004
Trong suốt 8 năm lựa chọn đường đi mới, công việc hàng ngày của ông là tìm hiểu về các vùng khó khăn, viết thư mời, kêu gọi tài trợ từ các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí cũng như hiện vật.
John Wood đã đạt được những thành tích đáng kể: gây được một quỹ từ thiện khổng lồ; khai trương thư viện thứ 1.000 ở Siem Reap - Campuchia; trang bị khoảng 500.000 đầu sách thiếu nhi cho các trường ở Nepal, Việt Nam, Campuchia và Ấn Độ; xây dựng 100 trường học; mở cửa 45 phòng học vi tính và ngoại ngữ; trao 900 học bổng dài hạn cho trẻ em.
Tại Việt Nam, tổ chức từ thiện “Room to read Việt Nam” do John Wood sáng lập đã tiến hành xây dựng 20 ngôi trường, 40 phòng lab; trao tặng 400 suất học bổng và mở cửa 100 thư viện dành cho trẻ em vùng sâu. Kinh nghiệm làm việc của “Room to read Việt Nam” là luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các bậc cha mẹ để công việc đạt hiệu quả cao nhất.
Với những đóng góp lớn lao, năm 2004, John Wood đã vinh dự nhận danh hiệu “Anh hùng Châu Á” do tạp chí Time bầu chọn. Quan trọng hơn, trong lòng những đứa trẻ và người dân ở các vùng đất nghèo ông đã đi qua, John Wood thực sự là một anh hùng!
Còn nhiều lắm những tấm lòng nhân ái
John Wood là tấm gương tiêu biểu dám từ bỏ tước vị cá nhân để suốt đời cống hiến vì mục tiêu phổ cập giáo dục cho trẻ em nghèo hiếu học. Nhưng Châu Á không chỉ có thế, còn rất nhiều tấm gương khác như:
Phạm Thị Huệ, người Việt Nam - gương mặt điển hình của tổ chức "Các bà mẹ và người vợ"- chuyên giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS.
Ahmad Nader Nadery, người Afganistan - sinh ra để đấu tranh cho sự công bằng và tìm lại tiếng nói cho người phụ nữ, đấu tranh chống lại những cuộc hôn nhân cưỡng ép và những tội ác chiến tranh.
Houch Houan, người Campuchia - đã bất chấp tính mạng để bảo vệ 1.400 km2 rừng già rậm rạp và muông thú.
Mukhtar Mai, người Pakistan – dũng cảm vượt lên nỗi đau tinh thần và thể xác. Sau khi bị 6 kẻ hãm hiếp, Mukhtar Mai quyết tâm đấu tranh và chiến thắng, toà đã xét xử thủ phạm và bồi thường một khoản tiền cho Mai. Cô dành trọn số tiền đó để mở một trường học ở làng với niềm tin: có thể sức mạnh giáo dục sẽ xoá dần những tập tục cổ hủ có từ lâu đời, để cuộc sống của mọi người trở nên tốt đẹp.
Theo Vietnamnet