|
Phổ cập CNTT-TT để thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn-thành thị.
|
Theo báo cáo này, sau gần 20 năm tăng tốc, hội nhập và phát triển, hạ tầng viễn thông và Internet Việt Nam đã được hiện đại hoá và có bước tiến bộ vượt bậc. VN đã khai thác, ứng dụng công nghệ và dịch vụ mới bắt kịp trình độ thế giới. Đặc biệt, viễn thông Việt Nam hiện đang duy trì tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, năm sau gần gấp đôi năm trước.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) đang phát triển cả chiều rộng và chiều sâu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ an ninh-quốc phòng, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa của nhân dân trên mọi miền đất nước.
Tuy nhiên, mức độ phổ cập đối với các dịch vụ CNTT&TT còn chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị. Trong khi các dịch vụ viễn thông và Internet ở các đô thị lớn đang tiến nhanh tới mức bão hoà, thì việc phát triển các dịch vụ này ở vùng nông thôn, nơi chiếm tới hơn 70% dân số, còn thấp và còn nghèo nàn về thông tin cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ và hữu hiệu hơn sự phát triển, ứng dụng CNTT&TT cho các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát triển CNTT&TT phục vụ nông thôn, xác định nông thôn là địa bàn quan trọng có tính quyết định trong Chiến lược phát triển CNTT&TT đến năm 2020 (Chiến lược “Cất cánh”) để CNTT&TT Việt Nam có thể sánh ngang các nước phát triển.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế đặc thù cho việc phổ cập dịch vụ CNTT&TT: Vụ Viễn thông nghiên cứu, đề xuất các cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường phát triển mạng lưới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dịch vụ viễn thông, Internet tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Vụ Bưu chính, Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích Việt Nam phối hợp với các Sở Bưu chính Viễn thông có giải pháp hỗ trợ Tập đoàn BCVT Việt Nam VNPT duy trì, mở rộng hoạt động có hiệu quả của các điểm Bưu điện Văn hoá xã cung cấp nhiều loại hình dịch vụ CNTT&TT cho người dân. Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích Việt Nam triển khai và tổng kết rút kinh nghiệm thực hiện các chương trình viễn thông công ích hàng năm để có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Thứ ba, xây dựng, nhân rộng các giải pháp, mô hình kỹ thuật với chi phí thấp, phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân nông thôn Việt Nam. Đồng thời, xây dựng và phát triển nội dung thông tin cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ứng dụng CNTT&TT ở nông thôn.
Theo Vietnamnet