Thứ năm, 18/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 07/08/2007
GS.TSKH Đỗ Trung Tá, Bộ trưởng Bộ BCVT: "Dứt khoát phải hướng đến tương lai"

Bộ trưởng Đỗ Trung Tá trả lời phỏng vấn báo Bưu điện Việt Nam ngày 1/8/2007 về việc vì sao Bộ Bưu chính Viễn thông được sáp nhập thêm mảng báo chí, xuất bản của Bộ Văn hóa - Thông tin và đổi tên thành Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá. Ảnh: Thanh Hải (Báo BĐVN)
Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá. Ảnh: Thanh Hải (Báo BĐVN)

Nâng tầm Bộ Bưu chính Viễn thông cùng với đổi mới tư duy

- Xin Bộ trưởng cho biết tại sao cần đổi tên, nâng cấp Bộ Bưu chính Viễn thông thành Bộ thông tin và Truyền thông?

Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Trước hết, là để thực hiện cải cách hành chính. Chính phủ phấn đấu để trở thành một chính phủ liên thông, sao cho chức năng của các bộ không chồng chéo, đảm bảo tính liên thông với nhau và có một người đứng ra chịu trách nhiệm chính. Đó là nguyên nhân khách quan.

Nguyên nhân chủ quan của việc đổi tên Bộ: Có thể nói ngay từ khi xây dựng Đề án thành lập Bộ (BCVT), chúng ta đã đề xuất với Nhà nước, với Quốc hội nên cho phép Bộ mang tên gọi Bộ Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin (BCVT và CNTT); hoặc Bộ Bưu điện và Tin học. Cuối cùng, Quốc hội thông qua tên gọi là Bộ BCVT, nhưng có chức năng quản lý nhà nước cả CNTT. Tên gọi như vậy cũng phản ánh sự kế thừa những thành quả của Tổng cục Bưu điện.

Cách đây 2 năm, chúng ta đã đề nghị Chính phủ xem xét cho Bộ BCVT đổi tên thành Bộ CNTT và TT, với ý nghĩa nhấn mạnh lĩnh vực CNTT, phù hợp với xu hướng thế giới, chứ chưa nghĩ tới vấn đề đưa quản lý nhà nước về nội dung thông tin về Bộ này, thực sự là như vậy. Nhưng lúc đó, Thủ tướng yêu cầu chờ cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ.
Đến lúc này, Chính phủ trình Quốc hội phương án thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT và TT) trên cơ sở của Bộ BCVT, đó là điều cốt lõi, nhưng được bổ sung thêm mảng báo chí – xuất bản, và nói rõ hơn “truyền thông” ở đây là quản lý nhà nước về phát thanh - truyền hình và nội dung thông tin. Như vậy tức là Bộ mới này chịu trách nhiệm quản lý nhà nước toàn bộ cơ sở hạ tầng và nội dung của thông tin nói chung, trong đó có BCVT (Bưu điện), CNTT, phát thanh, truyền hình và hệ thống báo chí sử dụng thông tin trên hạ tầng thông tin như vậy.

Tuy CNTT-TT (viết tắt là ICT) là một từ tương đối quen trong các hội nghị quốc tế, thậm chí nó trở thành các tiêu chí, chỉ số để đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia, nhưng tên gọi Bộ TT và TT không hề mâu thuẫn với những mong muốn của chúng ta. Ví dụ như Hàn Quốc, cũng là Bộ TT và TT (MIC) mà như chung ta biết Hàn Quốc là nước rất phát triển về bưu chính viễn thông và CNTT dưới sự quản lý của Bộ này.

Như vậy, sự kiện Quốc hội thông qua Bộ TT và TT trên cơ sở Bộ BCVT, có bổ sung thêm mảng quản lý nhà nước về nội dung thông tin, báo chí xuất bản là một bước tiến mới. Cũng chưa bao giờ vai trò của nội dung thông tin được nhấn mạnh trong ngành CNTT như bây giờ. Sự phát triển công nghiệp nội dung hiện nay đã được đề cập trong Luật CNTT. Công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung, hai lĩnh vực mới sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế, xã hội. Hơn nữa, nếu nhìn vào sự hội tụ của các dịch vụ viễn thông, bưu chính, báo chí, phát thanh truyền hình, chúng ta thấy rất rõ sự tiến bộ của CNTT mang đến cho nó một sự hội tụ.

Như vậy, có hai mặt của một vấn đề là, nếu anh muốn phát triển, hiện đại hóa một lĩnh vực này thì anh phải sử dụng CNTT. Đồng thời, nhờ các lĩnh vực đó ứng dụng mà đẩy mạnh được sự phát triển của CNTT trên cả phương diện công nghệ và phương diện kinh tế, và cả ý nghĩa về mặt chính trị, tạo thành một khối thống nhất và động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội.


Bộ trưởng BCVT Đỗ Trung Tá, người luôn trăn trở để tìm mọi cách đưa Internet đến cho bà con nông dân, đến vùng sâu vùng xa. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Bộ trưởng BCVT Đỗ Trung Tá, người luôn trăn trở để tìm mọi cách đưa Internet đến cho bà con nông dân, đến vùng sâu vùng xa. Ảnh: Lê Anh Dũng.

- 5 năm trước, khi thành lập Bộ BCVT, giới CNTT Việt Nam đã rất buồn khi không có mình trong tên của Bộ. Bây giờ không chỉ giới CNTT mà ngay bản thân những người làm trong ngành bưu điện cũng rất tâm tư, khi mà không còn giữ được tên nào gắn với ngành nữa...

Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Khi một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, các ngành ở dưới nhìn vào cái tên của Bộ như một chiếc gương để soi thấy mình trong đó.

Khi dùng tên BCVT là đã ghi nhận một sự tiến bộ của ngành liên quan đến CNTT, ví dụ có thêm Internet trên nền điện chính trước đây (chỉ có điện thoại, điện báo). Như vậy, cái tên gọi, khi đã quản lý đa ngành, đa lĩnh vực thì không thể đòi hỏi một lĩnh vực nào lấy tên để đặt cho Bộ cả.

Chính vì vậy có một từ đại diện nhất mà thế giới hiểu được là Bộ TT và TT. Phải làm quen các từ ngữ đã được quốc tế hoá, vì Việt Nam đã hòa nhập rồi. Khó mà tách bạch một cách chi tiết, ngay chữ "thông tin và truyền thông" trong từ điển Anh – Anh, hay từ điển Anh – Việt cũng có từ đồng nghĩa và trùng với nhau.

Chúng ta cần phát huy truyền thống của ngành Bưu điện trong một Bộ mới. Đây là một sự trưởng thành lần thứ hai của ngành. Lần đầu tiên, Bộ BCVT thành lập trên cơ sở của Tổng cục Bưu điện. Lần này, Bộ TT và TT thành lập trên cơ sở của Bộ BCVT. Đó là sự tiến bộ chứ đâu đơn thuần là việc đổi tên bộ.

Vì vậy, tôi nghĩ hiểu “Bưu điện” chính là BCVT thì có bao giờ mất khái niệm Bưu điện trong bộ mới này đâu. Chưa kể chúng ta còn có Tập đoàn BCVT VN (VNPT) và dưới 64 địa phương có 64 bưu điện tỉnh thành.

Những truyền thống, thành quả của ngành bưu điện không thể mất đi. Chúng ta vì truyền thống mà coi trọng việc phát huy, mở rộng và hiện đại hơn, phù hợp với xu hướng của thế giới, với sự phát triển của các công nghệ mới.

- Tuy nhiên, một số người gắn bó với ngành bưu chính, viễn thông vẫn có cảm giác bưu chính, viễn thông bị “mất” theo cái tên Bộ mới. Bộ trưởng sẽ chia sẻ gì với họ?

Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Bưu chính và Viễn thông không mất đi. Nhưng khi quản lý đã nâng lên như thế này, có cả phát thanh, truyền hình và báo chí xuất bản, thì không thể gọi là Bộ Bưu chính Viễn thông được.

Bộ TT và TT thông chứa đựng rất rõ nội hàm mà qua các thời kỳ chúng ta đã dùng: thông tin, liên lạc, bưu chính, điện chính, viễn thông, CNTT…

Man mác thì không tránh khỏi, nhưng tư duy của chúng ta cũng phải thay đổi phù hợp với sự phát triển chung theo xu hướng quốc tế cả về công nghệ và mức độ hội nhập của chúng ta. Chúng ta phải thấy đó là mừng với sự phát triển của đất nước. Đảng, Chính phủ đã đánh giá rất cao sự tiến bộ toàn diện của ngành ta thông qua việc đổi tên Bộ.


Tương lai, tất cả được thị trường định đoạt
 
- Thưa Bộ trưởng, với việc sáp nhập phần quản lý nội dung thông tin vào Bộ BCVT, không chỉ đơn thuần là việc nâng cấp Bộ lên mà đây thực sự là nâng tầm quản lý của Bộ lên. Theo Bộ trưởng, tư duy quản lý một Bộ mới, ở một tầm cao mới cần phải được thay đổi như thế nào?

Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Tư duy quản lý là rất rõ, các bộ chỉ làm công tác quản lý nhà nước mà không tham gia vào việc điều hành các đơn vị có tính chất kinh doanh. Bộ BCVT là bộ khá tiên phong trong vấn đề này. Về cơ bản, Bộ BCVT không có doanh nghiệp trong Bộ. Chúng ta có một số Cục quản lý thực thi pháp luật.

Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC thuộc Bộ BCVT là một tổng công ty thí điểm. Khi VTC trưởng thành, hoàn toàn có thể đưa ra khỏi vị trí của Bộ để trở thành một tổng công ty 91, đó cũng là mong muốn của ngành.

Tư duy quản lý một Bộ lớn là chúng ta ban hành thể chế, các chính sách, cơ chế, chiến lược, quy hoạch và thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, thực hiện các biện pháp thúc đẩy phát triển, chứ không nên (và cũng không thể) can thiệp sâu vào những lĩnh vực trực tiếp sản xuất, kinh doanh.

- Như thế cũng có nghĩa là trong giai đoạn tới, Bộ sẽ không can thiệp vào chính sách giá của các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình cạnh tranh trên thị trường?

Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Nếu đúng theo thể chế kinh tế thị trường, giá cả nên để thị trường điều tiết. Nhưng xuất phát điểm của chúng ta khi mở cửa cạnh tranh ở thị trường trong nước thì không đồ ng đều. Có những doanh nghiệp có vài chục năm hoạt động và gần như độc quyền, có những doanh nghiệp mới thành lập, cho nên trong giai đoạn đầu chúng ta vẫn phải có những sự điều tiết nhất định, để tránh “cá lớn nuốt cá bé”, đồng thời cũng tránh tình trạng “nhiều cá bé có thể làm cá lớn lung lay”.

Vì thế, chúng ta phải có cơ chế, chế tài nhất định để quản lý sự cạnh tranh, và cũng không mong muốn sẽ làm chuyện này mãi. Đến lúc nào không có những doanh nghiệp dùng vị trí độc quyền khống chế thị trường của mình làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác, và khi đến một mức độ đồng đều tương đối của các doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn để cho thị trường điều tiết. Bộ sẽ dành sự quan tâm hơn cho những nhiệm vụ mang tính chất xã hội.

- Như Bộ trưởng nói Bộ TT và TT là tầm cao mới của Bộ BCVT. Xin Bộ trưởng cho biết một ví dụ cụ thể về sự tiến bộ trong quản lý sau này so với khi còn là Bộ BCVT?

Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Nếu chúng ta không quản lý nhà nước về phát thanh truyền hình, khi các dịch vụ hội tụ với nhau, mạng lưới không thể tối ưu hoá được. Điều đó có nghĩa chi phí tốn kém. Cho nên bây giờ, chúng ta xây dựng những cơ sở hạ tầng thống nhất, đồng bộ dùng chung. Và như vậy các đài phát thanh truyền hình địa phương đã có cơ quan quản lý nhà nước (về hạ tầng). Chúng ta sẽ có một cơ sở hạ tầng dùng chung cho tất cả các dịch vụ thông tin và truyền thông.

- Là người đứng đầu lâu năm trong ngành, Bộ trưởng có những kinh nghiệm gì để truyền lại người sẽ kế nhiệm tiếp tục lãnh đạo ngành?

Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Trước hết phải có ý tưởng. Dù lĩnh vực nào, cấp cao hay cấp thấp cũng phải có ý tưởng, tận tâm với công việc được giao. Khi có ý tưởng phải quyết tâm. Vì không có chuyện gì là đơn giản nên phải kiên trì thực hiện, thuyết phục vận động, không nên độc đoán.

Có nhiều người có ý tưởng rất hay nhưng không huy động được người khác làm hoặc là khi người ta đã có ý tưởng hay, người lãnh đạo phải biết cách khích lệ, không áp đặt ý mình. Cho nên cần biến ý tưởng của nhiều người, làm phóng phú thêm nội dung và hướng vào một đích chiến lược là việc lãnh đạo phải làm.

Và dứt khoát phải hướng đến tương lai. Không thể để những vướng mắc dưới chân cản trở những bước tiến dài hướng tới tương lai. Trong thời gian qua, có thể nói chúng ta đã chuẩn bị cho những quy hoạch, chỉ tiêu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Triển khai nội dung kế hoạch 2011 – 2020 được gọi tắt là chiến lược cất cánh.
 
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Vietnamnet


  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0