Trong Chỉ thị của Bộ có nêu rõ: “Sau hơn 20 năm đổi mới ngành bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam đã có những bước tiến toàn diện, vượt bậc, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng...
Mật độ điện thoại đạt gần 50% (vượt chỉ tiêu 35% do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra), 100% số xã có điện thoại, số người sử dụng Internet đạt trên 20%. Công nghiệp công nghệ thông tin phát triển với tốc độ ngày càng cao, công nghiệp phần cứng đạt tốc độ phát triển trung bình 20-30%; công nghiệp phần mềm và dịch vụ đạt tốc độ trung bình 30-40%...
Tuy nhiên, những kết quả nêu trên vẫn "chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ngành và yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước".
Chính vì vậy, “Chiến lược cất cánh” cho giai đoạn 2011-2020 sẽ góp phần "sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa...".
“Chiến lược cất cánh” giai đoạn 2011-2020 bám sát theo hai phương châm: lấy phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông có trình độ và chất lượng cao làm khâu đột phá; lấy việc nhanh chóng làm chủ thị trường trong nước để từng bước vững chắc mở rộng sang thị trường khu vực và toàn cầu làm khâu quyết định.
Chỉ thị cũng nhấn mạnh ba quan điểm cơ bản khi xây dựng và triển khai chiến lược là: chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng sang phát triển chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng, tăng cường hiệu quả năng suất; tận dụng hiệu quả ngoại lực để tăng cường nội lực.
Nội lực phải trở thành nòng cốt và chủ yếu, ngoại lực giữ vai trò quan trọng; phát huy tính chủ động và sáng tạo trong mọi hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn ngành.
Dựa trên các phương châm và quan điểm đó, công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt trình độ tiên tiến trong các nước ASEAN, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin. Hạ tầng bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin đạt các chỉ tiêu về mức độ sử dụng dịch vụ tương đương với mức bình quân của các nước công nghiệp phát triển.
Trong tương lai công nghệ thông tin - truyền thông, Internet sẽ được ứng dụng sâu rộng trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị...thúc đẩy nền kinh tế đất nước, nâng cao chất lượng lao động, nâng cao đời sống cho người dân, xây dựng và phát triển Việt Nam điện tử đạt trình độ nhóm các nước dẫn đầu khu vực ASEAN.
Công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông sẽ phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một số sản phẩm công nghiệp quan trọng trong lĩnh vực điện tử phần cứng, phần mềm đạt trình độ nhóm nước phát triển trên thế giới.
Nguồn nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông phải đạt trình độ các nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN về số lượng, trình độ và chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu quản lý, sản xuất, dịch vụ và ứng dụng trong nước, xuất khẩu quốc tế. Vì vậy, việc phổ cập, xoá mù tin học, nâng cao trình độ, kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, các xã vùng sâu, xa, hẻo lánh, những nơi ít có điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin là hết sức quan trọng.
Việc nâng cao nhận thức về vai trò của công nghệ thông tin - truyền thông trong toàn xã hội cần được phổ biến, tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Các cấp, các ngành, người dân cần phải nhận thức được vai trò quan trọng của công nghệ thông tin - truyền thông trong sự phát triển của quốc gia để cùng chung sức, hỗ trợ, thúc đẩy.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông, Việt Nam cần phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật. Đây là yếu tố cần thiết khi hội nhập nhằm đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bắt kịp xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin - truyền thông.
Thị trường công nghệ thông tin - truyền thông trong tương lai phải mở rộng và phát triển mạnh mẽ, không chỉ làm chủ thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Để thực hiện được mục tiêu đó thì việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là rất cần thiết, là tiền đề cho sự phát triển.
Bộ Bưu chính Viễn thông cũng đã giao Viện chiến lược Bưu chính Viễn thông và công nghệ thông tin chủ trì nghiên cứu xây dựng "Chiến lược cất cánh" giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng quy hoạch phát triển công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam đến năm 2020 và các văn bản, chính sách liên quan để cụ thể hoá Chỉ thị này.
Theo Vneconomy