Lộ trình
|
Buổi thảo luận đầu tiên của tổ soạn thảo và biên tập nghị định về chống thư rác. Ảnh: Hưng Hải. |
Trong năm 2006, Vụ Thương mại điện tử - Bộ Thương mại từng tổ chức hội thảo lấy ý kiến, và làm việc trong nhiều tháng xây dựng văn bản cấp Bộ (ở dạng thông tư) nhằm điều chỉnh vấn đề "quảng cáo trên các phương tiện điện tử", mà trọng tâm là hướng tới bảo vệ người tiêu dùng trong tiếp nhận quảng cáo thông qua email.
Bà Lại Việt Anh - Chuyên viên Vụ TMĐT - Bộ TM cho hay, công việc trên đã được tiến hành tương đối hoàn chỉnh, nhưng ngay sau đó Văn phòng chính phủ đã có chỉ đạo xúc tiến việc đưa ra văn bản pháp lý có hiệu lực cao hơn, phạm vi rộng hơn về vấn đề quản lý thư rác truyền phát qua các phương tiện điện tử ở dạng nghị định (sau đây gọi tắt là nghị định chống thư rác - NV).
Chính điều này khiến văn bản cấp Bộ của Bộ Thương mại được dời lại và chuyển kết quả nghiên cứu về tổ soạn thảo nghị định mới.
Theo một chuyên gia trong ban soạn thảo, phạm vi của nghị định sẽ mở rộng hơn, bao gồm cả các loại spam bằng thông điệp điện tử khác như qua tin nhắn điện thoại di động (SMS), qua fax, cuộc gọi, tin nhắn quấy rối...
Tuy nhiên, spam mail vẫn là vấn đề nóng và đáng quan tâm hơn cả. Do các loại hình spam khác, đa phần là người gửi phải tốn tiền, đồng thời có sự thể hiện trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ giá trị gia tăng... trong việc chống spam.
"Hiện tại Tổ soạn thảo đã có buổi làm việc đầu tiên và thống nhất được về mặt quan điểm trong xây dựng nội dung văn bản quản lý spam qua thông điệp điện tử. Trong khoảng 1 đến 2 tháng sau sẽ đưa ra hội thảo lấy ý kiến các bên, bao gồm cả giới doanh nghiệp sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thư rác." - Một thành viên ban soạn thảo cho hay.
Thông tin từ ban soạn thảo cũng khẳng định, dự kiến nghị định sẽ được đệ trình xin ý kiến Chính phủ vào Quý IV/2007.
Quan tâm số 1: Người dùng được bảo vệ ra sao?
Trước nay, trong quản lý spam mail, vấn đề đau đầu nhất của các nhà soạn thảo luật cũng là lựa chọn cơ chế nào cho hoạt động tiếp nhận thư quảng cáo qua email của người dùng.
Hiện tại trên thế giới có hai loại hình: Cơ chế Opt-IN quy định người dùng mặc định không đồng ý nhận thư điện tử quảng cáo, người gửi chỉ được gửi email khi có sự đồng ý hoặc đăng ký của người nhận).
Cơ chế này bảo vệ người dùng tối đa, nhưng lại được cho là quá chặt chẽ nên không tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác lợi ích chính đáng của quảng cáo qua email.
Ngược lại, Opt-OUT là mặc định được gửi cho đến khi người nhận từ chối, cả hai cơ chế Opt-IN va Opt-OUT đều phải dừng khi người dùng từ chối tiếp tục nhận thư!.
Đây là cơ chế tương đối thoáng cho doanh nghiệp, nhưng điểm yếu là rất dễ bị lợi dụng "lách luật". Người nhận khi từ chối thư đầu tiên, người gửi sẽ thay đổi địa chỉ gửi thư để buộc họ nhận một thư điện tử "đầu tiên" khác ngay sau đó.
"Thực tế, Mỹ là nước áp dụng cơ chế Opt-OUT, và hiện nay có những liên minh doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thư rác hằng trăm thành viên liên kết với nhau để lách luật, doanh nghiệp A bị người dùng từ chối, sẽ nhờ doanh nghiệp B tiếp tục gửi thông điệp quảng cáo." - Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, trưởng phòng nghiệp vụ của trung tâm VNCERT - Thành viên tổ soạn thảo nghị định chống thư rác lấy ví dụ.
Cũng theo ông Trác, để cân bằng lợi - hại của quảng cáo thông qua email, tổ soạn thảo đã thống nhất quan điểm linh hoạt đưa cả hai cơ chế Opt-IN và Opt-OUT vào nghị định:
"Ý tưởng đang được cân nhắc là: Doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo nếu gửi trực tiếp cho người dùng, sẽ phải tuân theo cơ chế Opt-IN. Trường hợp các đơn vị gửi thư quảng cáo chuyên nghiệp làm dịch vụ gửi thư rác đến người dùng, có thể dùng cơ chế Opt-OUT nhưng các đơn vị này phải đăng ký với cơ quan quản lý." - Ông Trác nói.
Ông Trác cho rằng, nguyên tắc này giúp các đơn vị gửi thư rác thuê làm ăn đàng hoàng vừa có điều kiện phát triển, vừa không thể lách luật xâm phạm người dùng. Đảm bảo cân bằng cả mặt tiêu cực và tích cực của quảng cáo qua email.
Chặt hay không chặt?
- Hơn 1/3 Số người được hỏi khẳng định mỗi ngày nhận được từ 20 - 50% số thư rác mang nội dung tiếng Việt trên tổng số thư rác phải nhận mỗi ngày.
- Khoảng 40 % khẳng định trong số thư rác từng nhận có chứa các nội dung xuyên tạc , vi phạm thuần phong mỹ tục, gây hại, lừa đảo.
- 48,36 % người dùng không có ấn tượng gì đặc biệt và 33,45 % cho rằng các công ty được quảng cáo thông qua thư rác là không có uy tín thương hiệu và tiềm lực hạn chế.
Nguồn: kết quả điều tra ban đầu của VNCERT - Bộ BCVT.
|
Về phía bà Lại Việt Anh - Chuyên viên Vụ TMĐT - Bộ Thươn Mại, mặc dù không đưa ra bình luận, nhưng nói rằng trước đây trong thông tư đang xây dựng dở dang, nguyên tắc được chọn chỉ là Opt-OUT nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và TMĐT phát triển.
"Theo quan sát của tôi và một số đồng nghiệp, số lượng thư rác tiếng Việt so với lượng thư rác được gửi từ nước ngoài vẫn còn chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Vì thế đưa ra các biện pháp quản lý chặt quá, trong khi chưa giải quyết được vấn đề thư rác quốc tế, có thể khiến các doanh nghiệp trong nước bị thiệt thòi khi triển khai ứng dụng TMĐT và khai thác lợi ích của quảng cáo trực tuyến." - Bà Việt Anh nói.
Rất tiếc, trong quá trình thực hiện bài viết này, dù đã nỗ lực liên hệ với nhiều doanh nghiệp hiện đang cung cấp các dịch vụ thư rác để xin ý kiến bình luận về các nội dung dự kiến trong nghị định chống thư rác, nhưng mặc dù có công khai rất rõ ràng các thông tin liên hệ trên website và tại trụ sở công ty, họ vẫn không muốn trả lời phỏng vấn trên báo chí.
Chỉ một vài ý kiến xin dấu tên, mong cơ quan quản lý nhìn nhận khách quan việc cân bằng "lợi" và "hại" của quảng cáo qua thông tin điện tử.
Các ý kiến này cho rằng, có phần bất công khi trước nay mỗi khi nói đến quảng cáo qua thư điện tử, người ta đều nghĩ ngay tới những tác động tiêu cực. Trên thực tế, quảng cáo qua thư điện tử cũng có những mặt tích cực của nó, đặc biệt đối với các loại hình thương mại điện tử và các doanh nghiệp hoạt động gắn liền với mạng Internet.
Người đưa ý kiến trên cũng thừa nhận, việc nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam trước nay gửi thư rác hàng loạt một cách thiếu tôn trọng người dùng, đã khiến hình ảnh của tất cả các doanh nghiệp có "dính dáng" đến quảng cáo qua email trở nên rất xấu.
Chỉ có yếu tố Luật pháp là chưa đủ!
Để chống thư rác, chỉ luật pháp thôi là chưa đủ. Theo các chuyên gia trong tổ soạn thảo nghị định, cẩn phải kết hợp nhiều yếu tố: Luật pháp, Đào tạo, Kỹ thuật, Hợp tác quốc tế và Chính sách của các tổ chức.
"Đó là chưa nói đến vấn đề thực thi pháp luật và sự phức tạp trong xử lý vi phạm" - Ông Trác (VNCERT) nhận định. –“Trên thực tế, những biểu hiện cụ thể mua bán địa chỉ email, phần mềm gửi thư rác, phần mềm thu thập email người dùng như phản ánh của VietNamNet, đã là sai luật (Luật Công nghệ thông tin) và có thể bị xử phạt từ 3 - 5 triệu theo nghị định “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CNTT.”
Quý độc giả quan tâm xin tiếp tục đóng góp ý kiến về website trưng cầu ý kiến về thư rác Việt Nam của Trung tâm VNCERT, Bộ BCVT tại địa chỉ: http://survey.vncert.gov.vn/survey.php?sid=33.
Theo Vietnamnet