Mặc dù đây là dịp nghỉ hè song Hội trường Đại học Quốc gia tối qua vẫn đầy ắp những màu áo xanh sinh viên tình nguyện. Những cánh tay của tuổi trẻ nhiệt tình dìu từng bước đi của các đại biểu người khuyết tật vào khán phòng, lên sân khấu đã thực sự thể hiện sự chia sẻ với những khó khăn mà người tàn tật gặp phải.
Đúng như tiêu đề của buổi giao lưu, bản lĩnh và nghị lực của những tấm gương người khuyết tật đã được chia sẻ với các khán giả. Từ những khó khăn trong cuộc sống thường ngày và đặc biệt, sự tiếp cận, làm chủ trong lĩnh vực CNTT - TT như: Hiệp sỹ CNTT Trịnh Công Thanh, Nghệ sỹ khiếm thị Ghitar Văn Vượng, hai thí sinh đã dự thi và giật giải thưởng trong cuộc thi "ICT- Thắp sáng niềm tin 2006", và Thạc sỹ, thầy giáo Nguyễn Việt Anh - một trong những tấm gương vượt khó điển hình của người khuyết tật.
Ở tuổi 60, nghệ sỹ ghitar Văn Vượng đã đi tới hơn 40 năm trên con đường nghệ thuật cùng với người bạn tri kỷ không lúc nào rời xa - đó chính là cây đàn ghi ta. Theo nghệ sỹ, như những người khuyết tật khiếm thị khác ông cũng gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt của cuộc sống. Có nhiều lúc nghệ sỹ rất buồn, đau khổ và chính âm nhạc đã giúp ông vượt qua được những thời điểm khó khăn đó. Âm nhạc chính là chiếc cầu nối để nghệ sỹ đến được với hàng triệu khá giả Việt Nam và thế giới. Cũng từ mong muốn này, những kinh nghiệm được chắt lọc từ cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, nghệ sỹ đã cho ra một đĩa CD dạy và học ghitar dành cho người khiếm thị - đây cũng là sản phẩm dành giải khuyến khích trong cuộc thi ICT - Thắp sáng niềm tin 2006.
Còn với chàng trai, hiệp sỹ CNTT Trịnh Công Thanh, căn bệnh ung thư xương đã cướp đi của anh chân bên phải. Vừa phải giành cuộc sống với tử thần, với suy nghĩ, còn sống là còn cố gắng làm tốt nhất công việc hiện tại của mình, dù không được học chính quy về chuyên ngành CNTT song Thanh đã lần mò cùng các bạn bè của mình xây dựng nên những chuyên trang, diễn đàn trực tuyến dành cho người khuyết tật, các nạn nhân chất độc da cam, dioxin. Sản phẩm Cổng thông tin điện tử của người khuyết tật đã đem về giải nhất cuộc thi ICT - Thắp sáng niềm tin 2006 lần đầu tiên được tổ chức tại VN.
Mặc dù chưa tham gia cuộc thi ICT - Thắp sáng niềm tin song những gì mà thạc sỹ, thầy giáo Nguyễn Việt Anh đã có trong hành trang nghề nghiệp của mình chắc hẳn ngay cả những người lành lặn cũng phải khâm phục. Tốt nghiệp đại học Chuyên ngành CNTT loại giỏi vào năm 2000 và năm 2003 lại nhận bằng thạc sỹ chuyên ngành CNTT loại giỏi, Việt Anh đã tham gia rất nhiều các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực CNTT, bí quyết thành công của anh rất đơn giản, đó là phải có niềm đam mê với lĩnh vực mình theo đuổi. Nếu thực sự có niềm đam mê Việt Anh tin rằng công việc thực hiện sẽ chuyên tâm hơn và hiệu quả hơn rất nhiều.
Lắng nghe lời chia sẻ vượt qua khó khăn, gắn bó với ICT của những tấm gương khuyết tật, ông Nghiêm Xuân Tuệ - Giám đốc NCCD đã thốt lên: “Thật tuyệt vời!” Ông Tuệ cho biết, hiện NCCD đang có chương trình đưa 1 vạn máy tính về cho người khuyết tật, đây chính là điều kiện và cơ hội để người khuyết tật phát huy hơn nữa hiệu quả ứng dụng CNTT.
|
VNPT trao quà cho người khuyết tật.
|
Là nhà đồng tổ chức cuộc thi ICT - Thắp sáng niềm tin, ông Nguyễn Long - Tổng thư ký Hội Tin học VN đã rất đề cao ý nghĩa xã hội, nhân văn của cuộc thi đúng như mong muốn "thắp sáng niềm tin". Dù mới được tổ chức lần đầu tiên nhưng cuộc thi đã thu hút được số lượng cá nhân đơn vị tham gia khá đông đảo. Đã có 54 sản phẩm dự thi trong đó có 20 sản phẩm của người khuyết tật. Dự kiến hai năm tổ chức một lần, cuộc thi ICT - thắp sáng niềm tin lần thứ hai sẽ được diễn ra vào 2008 hy vọng sẽ có nhiều sản phẩm tham dự hơn, làm sao giúp người khuyết tật thực sự hoà đồng với cộng đồng.
Rất cảm động trước những nỗ lực thể hiện qua các sản phẩm mà người khuyết tật đã xây dựng nên, đại diện của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông trong buổi giao lưu, Giám đốc công ty Điện toán và truyền số liệu VDC Vũ Hoàng Liên cho rằng để những sản phẩm dành cho người khuyết tật phát huy hiệu quả nhiều hơn nữa, rất cần có sự hỗ trợ, động viên từ nhiều cơ quan tổ chức. Giúp đỡ người khuyết tật ngay từ việc nghĩ ra những ý tưởng, biến những ý tưởng thành hiện thực và đặc biệt phải mở rộng được khả năng ứng dụng.
Với vai trò là nhà tài trợ cho cuộc thi, VNPT có những lý do để thực hiện các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật và khó khăn với triết lý không chỉ làm tốt nhiệm vụ kinh doanh mà còn ý thức trách nhiệm đóng góp cho sự thúc đẩy phát triển của xã hội. Do vậy, không chỉ tài trợ, đóng góp cho cuộc thi ICT - Thắp sáng niềm tin, nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận với ICT cũng đã được VNPT thực hiện như gần đây nhất là chương trình hỗ trợ 1 triệu giờ truy cập miễn phí Internet tại các điểm Bưu điện Văn hoá xã cho thanh thiếu niên nông thôn có điều kiện nối mạng tri thức, phổ cập tin học...
Cũng trong buổi giao lưu, VNPT đã tặng 10 phần quà là 10 chiếc máy vi tính cho 10 Hội người khuyết tật tại một số địa phương trong cả nước.
Theo Vnmedia