Thứ sáu, 26/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 12/07/2007
Yêu cầu tính hệ thống

Những quan điểm riêng của ông Lê Mạnh Hà, giám đốc sở Bưu Chính, Viễn Thông (BCVT) TP.HCM về việc xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT).

Thưa ông, giai đoạn trước mắt cần chuẩn bị những gì để có một chính phủ điện tử (CPĐT) đúng nghĩa trong tương lai?

Theo ý kiến của tôi, chúng ta nên làm theo 3 việc: (1) Đánh giá toàn diện hiện trạng ứng dụng CNTT. (2) Lập một hệ thống mới, trong đó có kế thừa các đề án (ĐA), dự án (DA) trước đây, có liên kết với những chương trình hiện có (3). Lập kế hoạch để triển khai theo hệ thống đó.

Như vậy, cần đánh giá lại toàn diện các ĐA, DA, chương trình đã triển khai ở giai đoạn trước, đặc biệt là ĐA 112. Tất nhiên Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT và Ủy Ban Khoa Học - Công Nghệ và Môi Trường của Quốc Hội đã làm việc này, nhưng đó là những đánh giá khái quát để đưa ra định hướng lớn trong thời gian tới. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước (NN) về CNTT, bộ BCVT cần có đánh giá riêng, toàn diện và chính thức, sâu hơn, kỹ hơn về tất cả mọi mặt để giúp việc xây dựng chương trình mới có cơ sở, không chỉ dựa trên đánh giá khái quát. Để đánh giá đúng, phải khảo sát thực tế tại các địa phương và bộ ngành. Không thể xây dựng một chương trình mới, một đề án mới mà không xuất phát từ thực tế, không có thực tiễn tại cơ sở. ĐA 112 thất bại một phần cũng do không đánh giá đầy đủ ĐA giai đoạn trước. Chúng ta đã thất bại 2 lần và đã mất 10 năm. Không thể để thất bại một lần nữa. Nếu thất bại là có tội, tội rất lớn.

 

“Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan NN triển khai theo Nghị Định 64 nên được hiểu chính xác là chương trình hay đề án CPĐT. Việc này khác với việc lập kế hoạch ứng dụng hàng năm (chỉ đúng với các hoạt động đã ổn định hoặc tương đối ổn định). Với xây dựng CPĐT thì lập kế hoạch chỉ là một phần của công việc”.

Phải đánh giá được những gì ĐA 112 chưa làm được, đồng thời xem những gì họ làm đúng để kế thừa. Ví dụ, cơ chế tài chính của ĐA 112 rất mạnh (theo cơ chế chương trình mục tiêu) mà vẫn không đủ tiền để thực hiện, nhiều người gọi là “tiền không đủ ngưỡng”. Phải phân tích tại sao không đủ tiền khi có một cơ chế tài chính mạnh như vậy. Chương trình mới (do bộ BCVT soạn thảo) liệu có đảm bảo có tiền hay không, quan trọng nữa là phải xác định ngưỡng đầu tư là bao nhiêu, cơ sở để xác lập ngưỡng là gì... Cần phân tích tại sao không đủ tiền nhưng lại vẫn lãng phí.

Có những cái ĐA 112 làm khá tốt, như mô hình hệ thống thông tin ở các cấp Chính Phủ, bộ/ngành, tỉnh/thành. Ở khía cạnh này, cách tiếp cận vấn đề của ĐA 112 theo tôi là đúng đắn, tương đối có hệ thống. Chúng ta cần phân tích, đánh giá nội dung, cách triển khai mô hình... để bổ sung hoàn thiện hay tìm mô hình mới, cách làm mới. Không nên làm cái mới mà chưa biết rõ cái cũ.

Những người trong ban soạn thảo chương trình mới cũng cần phải nhìn thấy tận mắt các trung tâm tích hợp dữ liệu được xây dựng trên khắp cả nước để đánh giá và đưa ra phương án tiếp tục sử dụng như thế nào, không thể tiếp tục lãng phí. Đối với 3 phần mềm (PM) dùng chung cũng nên thực hiện theo cách đó.

Hiện trên cả nước có những địa phương, bộ ngành làm tốt, tại sao không đánh giá để khái quát lên thành mô hình có thể nhân rộng? Không nên chỉ ngồi một chỗ để xây dựng chương trình có ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của các cơ quan NN trên phạm vi cả nước. Làm như vậy là không nghiêm túc và thiếu trách nhiệm.

Hiện nay bộ BCVT đang chủ trì thực hiện dự án phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam với số vốn gần 1.500 tỷ vay của Ngân Hàng Thế Giới. Đây là dự án có số kinh phí lớn gấp đôi kinh phí đã chi của ĐA 112 (theo báo cáo của BĐH). Chương trình mới phải đặt dự án này trong bức tranh chung để thực hiện, không thể để trùng lắp và lãng phí.

Các bộ/ngành, địa phương phải tự xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT mà chưa có hướng dẫn cụ thể. Phải chăng cách làm hiện thời chưa chú ý đến tính hệ thống?

Làm kế hoạch ngay từ bây giờ có nghĩa là làm ngay bước thứ 3 mà bỏ qua 2 bước đầu như tôi đã nói ở trên. Nếu không có thiết kế hệ thống thì không thể có CPĐT. Không thể mạnh ai nấy làm được. Khi không rõ nhiệm vụ của mình trong tổng thể của một hệ thống, các đơn vị sẽ lập kế hoạch chủ yếu là cho mua sắm thiết bị hoặc xây dựng các PM tràn lan, trùng lắp, lãng phí và không hiệu quả.

Có xu hướng cho rằng các địa phương tự xây dựng các dịch vụ công, ở đây có thể được hiểu là tự xây dựng PM. Như vậy chỉ trong lĩnh vực xây dựng thôi 64 tỉnh thành sẽ có khoảng 64 PM cấp phép xây dựng. Làm theo cách đó sẽ trùng lắp, lãng phí, giá cao, không đảm bảo chất lượng. Chúng ta sẽ có rất nhiều dịch vụ công như vậy, và cách làm thiếu tính hệ thống sẽ dẫn đến tốn kém và không hiệu quả.

Theo hình dung của ông, mô hình hệ thống thông tin của CPĐT sẽ như thế nào, tổ chức thực hiện ra sao, và vai trò của bộ BCVT trong đó là gì?

Hệ thống chính quyền các cấp được tổ chức hết sức chặt chẽ (tất nhiên vẫn cần cải cách). Do vậy, chính quyền điện tử cũng phải được thiết kế một cách có hệ thống.

Theo tôi, đối với cấp trung ương, hệ thống này bao gồm từ các tỉnh/thành, các bộ/ngành. Có thể lấy ví dụ của ngành xây dựng để minh hoạ. Cần phải có quy hoạch đô thị, trong đô thị đó từng khu vực phải có chức năng, từng ngôi nhà phải có bản vẽ kiến trúc và bản vẽ thiết kế tuân thủ quy hoạch. Sau khi có đầy đủ quy hoạch và thiết kế, việc còn lại là phân công và phân bổ kinh phí thực hiện.

Thực tế chứng minh, cái khó nhất của ứng dụng CNTT là công tác triển khai, không phải là công nghệ. Do vậy, lực lượng triển khai thực hiện cũng cần được củng cố và tăng cường từ trung ương đến địa phương. Cần có kế hoạch tăng cường năng lực của các sở BCVT, các cục, trung tâm tin học của các bộ, ngành, rút kinh nghiệm từ ĐA 112 (không có bộ máy chuyên nghiệp triển khai thực hiện). Nếu không có lực lượng tinh nhuệ và ngân sách tập trung thì không thể có CPĐT. Bộ BCVT nên giữ vai trò nhạc trưởng, không nên chuyển hết trách nhiệm ứng dụng CNTT về các bộ/ngành, địa phương.

Đây là bài toán về quản lý. Lãnh đạo cao nhất ra đề bài, lãnh đạo cơ quan quản lý NN về CNTT đưa ra phương pháp giải, những người làm chuyên môn sẽ cung cấp công cụ tốt nhất để giải bài toán. Như vậy vai trò của người đưa ra phương pháp giải là rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định.

Ông có nhận xét và kiến nghị gì về cơ chế tài chính của chương trình ứng dụng CNTT trong các cơ quan NN?

Tôi thấy cơ chế tài chính của ĐA 112 có ưu điểm là có cả vốn trung ương và địa phương. Hơn nữa, đây là chương trình mục tiêu nên chắc chắn được bố trí vốn.
Trong khi đó, cơ chế tài chính dự tính của chương trình mới là theo kế hoạch năm và chủ yếu là nguồn vốn của địa phương. Do phải chi từ ngân sách địa phương nên có nhiều tỉnh/thành sẽ không cân đối được ngân sách, hoặc làm không kịp vì khối lượng công việc quá lớn, hoặc kế hoạch không được phê duyệt. Như vậy kế hoạch năm sẽ là kế hoạch của các đơn vị làm được kế hoạch, không phải là kế hoạch quốc gia phục vụ cho mục tiêu quốc gia. Nếu năm nào đơn vị cũng không kịp làm kế hoạch hoặc kế hoạch không thông qua được thì đơn vị đó sẽ không thể ứng dụng CNTT. Ở đây lại đặt ra vai trò “nhạc trưởng” của Bộ: cấp kinh phí và bắt buộc làm theo mô hình, theo thiết kế.

Do đó, tôi đề nghị phải có cơ chế tài chính mạnh, ít nhất phải giống như cơ chế của chương trình mục tiêu, và thậm chí uyển chuyển hơn. Trưởng ban chỉ đạo hoặc trưởng ĐA phải có quyền rất mạnh về tài chính.

Theo Pcworld

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0