Bạn biết thông tin về Hội Tin học Việt Nam thông qua?
Cập nhật: 10/07/2007
Thanh toán điện tử ở Việt Nam: Khó khăn đang được gỡ
Theo vụ Thương Mại Điện Tử (TMĐT), bộ Thương Mại, thanh toán điện tử là trở ngại lớn thứ hai đối với việc mở rộng và phát huy hiệu quả thực sự của ứng dụng TMĐT (sau yếu tố về nhận thức).
Thiếu kết nối tổng thể
Ông Đặng Mạnh Phổ, giám đốc trung tâm CNTT BIDV đưa ra con số minh chứng cho thói quen sử dụng tiền mặt của người dân VN: bốn triệu người dân Singapore sở hữu 30 triệu thẻ các loại (ATM, tín dụng, ghi nợ...); còn tại Việt Nam, 85 triệu người dân mới có 6,2 triệu thẻ và khoảng 10 triệu tài khoản. Theo ông, do thiếu sự kết nối tổng thể giữa các ngân hàng (NH), khách hàng (KH) và nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa khiến người tiêu dùng chưa mạnh dạn tham gia cũng như thụ hưởng các tiện ích từ thanh toán điện tử (TTĐT).
Đối với mạng lưới thanh toán thẻ của NH, hiện vẫn tồn tại tới 3 liên minh (liên minh của Vietcombank, hệ thống kết nối giữa ANZ và Sacombank, và hệ thống của NH Đông Á). Do đó, nếu người mua và người bán có tài khoản ở những ngân hàng hoặc liên minh khác thì việc TTĐT gần như không thực hiện được trong giao dịch thương mại trực tuyến. Ông Bùi Quang Tiên, trưởng ban Thanh Toán của Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) nhận định, việc không thống nhất được các hệ thống ATM này đã và đang gây lãng phí về nguồn lực, bó hẹp mạng lưới thanh toán của khách hàng.
Thực tế, các NH và nhà cung cấp đang rất chủ động trong việc đưa ra các phương thức thanh toán. Chẳng hạn, Pacific Airlines hợp tác với một số tổ chức cho phép TTĐT đối với các thẻ tín dụng quốc tế hoặc thẻ ghi nợ nội địa của VCB; Techcombank hợp tác với chodientu.vn cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến đối với các KH của Techcombank khi mua hàng trên website này... Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp được triển khai trong một phạm vi hẹp. Theo ông Phổ, TTĐT ở VN đang có sự giao thoa, mỗi bên (NH và nhà cung cấp) đều chủ động đưa ra những giải pháp riêng mà thiếu vai trò chỉ huy của NHNN. Trong khi các NH nỗ lực mở rộng điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, thì các nhà cung cấp cũng chủ động khắc phục bằng những giải pháp tình thế là đàm phán với từng NH để thiết lập hệ thống cho phép KH thanh toán bằng cách sử dụng thẻ do NH phát hành hoặc khấu trừ thẳng vào tài khoản NH (như trường hợp của các DN kể trên)...
Ra đời trung tâm chuyển mạch quốc gia
Thực tế cho thấy những nước có nền TMĐT phát triển là những nước đã xây dựng được một cơ sở hạ tầng thanh toán khá hoàn thiện. Và trong tất cả các phương thức thanh toán, NH luôn ở vị trí trung tâm với vai trò là nhà cung cấp trực tiếp dịch vụ hoặc tổ chức trung gian hỗ trợ hệ thống TTĐT.
Mô hình của các nước trên thế giới là xây dựng một trung tâm chuyển mạch tài chính ở tầm quốc gia với nhiệm vụ chuyển mạch kết nối giao dịch thanh toán giữa các bên khác nhau, xử lý thanh toán bù trừ và quyết toán giá trị thanh toán. Ngoài ra, có một số cổng thanh toán. Các cổng này có thể do một số công ty tư nhân xây dựng để cung cấp dịch vụ.
Cuối tháng 4 vừa qua, công ty Chuyển Mạch Tài Chính Quốc Gia Banknet đã chính thức ra mắt. Mục tiêu của Banknetvn là kết nối các hệ thống thanh toán thẻ của các NH ở VN, tạo thành một hệ thống thanh toán thẻ chung cho quốc gia và kết nối với các tổ chức thẻ quốc tế. Hoạt động của Banknet hoàn toàn khác với các liên minh thẻ đang tồn tại ở chỗ, các liên minh thẻ thực chất là sự thỏa thuận của một số NH với nhau, thường do một NH đã đi trước một bước về hệ thống thẻ, nghiệp vụ thẻ đứng ra chủ trì, các NH khác sẽ tham gia theo sự chủ trì đó và chịu ảnh hưởng chi phối của NH chủ trì. Còn Banknet tạo ra một hệ thống nền tảng công nghệ và dịch vụ chuyển mạch kết nối dùng chung, một sân chơi bình đẳng cho tất cả các NH tham gia kết nối.
Bước đầu, Banknetvn đã kết nối mạng lưới ATM của 3 NH; đến tháng 8/2007 sẽ kết nối 7 NH và dần dần sẽ triển khai kết nối với tất cả các NH có hệ thống thẻ và dịch vụ thẻ trong nước, triển khai mở rộng kết nối với các tổ chức thẻ quốc tế và các tổ chức chuyển mạch tài chính quốc gia khác như China Union Pay (Trung Quốc), NETS (Singapore)... Hiện tại, khách hàng của 3 NH đã tham gia kết nối có thể sử dụng thẻ tại tất cả các điểm chấp nhận thẻ của các NH thành viên, giúp họ thuận tiện và tiết kiệm thời gian, công sức trong quá trình sử dụng thẻ. Các NH có thêm nhiều điểm chấp nhận thẻ. Các thành viên Banknetvn cũng đã thống nhất chọn một NH (BIDV) làm NH quyết toán phục vụ thanh toán bù trừ các giao dịch thẻ cho các NH tham gia hệ thống chuyển mạch. Vì vậy, đối với các thanh toán bằng thẻ cũng tiện lợi hơn.
Ông Phổ cũng cho biết hiện Banknetvn đang xúc tiến việc kết nối hệ thống chuyển mạch Banknetvn với các cổng thanh toán của VNPT/VDC và EVN. Trong tương lai gần, các kết nối này sẽ làm cho TTĐT càng gần hơn với người dùng.
Gần đây NHNN đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này qua việc ban hành các quy chế, chuẩn mực về thanh toán thẻ, chỉ đạo và hỗ trợ Banknetvn hoạt động và phát triển theo hướng thực sự là trung tâm chuyển mạch thanh toán của quốc gia, tổ chức các hội thảo nghiên cứu về giải pháp trung tâm thanh toán tối ưu... Đối với các liên minh thẻ đang tồn tại, ông Tiên cho biết trong thời gian tới, nếu các liên minh thẻ (hiện có 3 liên minh thẻ của Vietcombank, hệ thống kết nối giữa ANZ và Sacombank, và hệ thống của NH Đông Á) không thoả thuận hợp tác và thống nhất được với nhau thì NHNN sẽ có giải pháp mạnh mẽ hơn với họ.
Với những chuyển biến tích cực kể trên, hy vọng những vướng mắc trong TTĐT sẽ dần được gỡ bỏ.
“Theo tôi, NHNN cần thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa vai trò quản lý Nhà Nước trong lĩnh vực này. Không nên để các liên minh thẻ tự thỏa thuận với nhau vì do tính cục bộ, việc thỏa thuận sẽ rất khó khăn và mất thời gian. Có thể sẽ xảy ra tình huống một số liên minh liên kết với nhau để trở thành vài liên minh to hơn (như đã xảy ra ở Thái Lan: thoạt đầu có 4 liên minh ATM, sau đó các liên minh này liên kết lại thành 2 liên minh và cuối cùng ngân hàng Trung Ương Thái Lan phải ra tay thống nhất lại thành hệ thống chung quốc gia). Cũng không nên hiểu là NHNN phải áp đặt đối với các ngân hàng thương mại. Vấn đề là cần có đầu mối quy chuẩn, thống nhất phối hợp thực hiện” - ông Đặng Mạnh Phổ, giám đốc Banknet.
“Vấn đề khó khăn nhất hiện nay cho vấn đề thanh toán trực tuyến vẫn là việc đưa ra được một giải pháp hợp lý. Nếu giải pháp phức tạp quá, khách hàng không muốn dùng. Nếu giải pháp đơn giản quá thì rủi ro cao. Cũng có thể thời gian tới, các NH nước ngoài cũng sẽ tham gia vào thị trường giải pháp thanh toán trực tuyến này bởi thị trường đang rất cần. Để giải quyết triệt để vấn đề, tôi cho rằng cần phải có một giải pháp liên kết cộng đồng. Phải nhìn thấy sức mạnh của một cộng đồng lớn. Nếu thành công thì cả cộng đồng đó sẽ cùng được hưởng” - ông Lê Xuân Vũ, giám đốc trung tâm Ứng Dụng và Phát Triển Sản Phẩm Dịch Vụ Công Nghệ Ngân Hàng, Techcombank.
“Thời gian qua nhiều ngân hàng đã đưa ra các dịch vụ Internet Banking, ATM, ngân hàng qua điện thoại cố định và mobile phone. Tất cả các dịch vụ đó là nền tảng cho chính NH trong việc hỗ trợ TMĐT. Nó góp phần quan trọng thay đổi nhận thức của khách hàng về các kênh TTĐT. Về phía NH, mức độ sẵn sàng cho thanh toán trực tuyến đã ở mức cao: ví dụ thanh toán qua thẻ, tài khoản... Tuy nhiên, mức độ đồng nhất về chuẩn nghiệp vụ, bảo mật hay các chuẩn khác (chuẩn dữ liệu...) khi nền kinh tế chuyển sang TMĐT thì vẫn còn hạn chế. Các NH vẫn chưa tạo được “tiếng nói” chung. Theo tôi, nên có sự chỉ đạo của Chính Phủ về vấn đề này. Rất cần có một tổ chức trung gian thiết lập một cổng thanh toán (Payment Gateway). Cổng thanh toán này kết nối các nhà cung cấp dịch vụ, người bán hàng và các định chế tài chính (cung cấp các dịch vụ về tài chính). Đầu mối kết nối đó sẽ tạo ra chuẩn chung. Như vậy sẽ tiết kiệm cho nhà cung cấp dịch vụ, ngân hàng không phải đầu tư để kết nối với từng nhà cung cấp dịch vụ. Kinh nghiệm ở các nước cho thấy họ thường có từ 2-3 cổng thanh toán như vậy và NH chỉ phải duy trì một đầu mối kết nối đó” - ông Đào Minh Tuấn, giám đốc Trung Tâm Tin Học, Vietcombank.
TTĐT là một dạng của thanh toán không dùng tiền mặt dựa trên các phương thức và phương tiện điện tử bao gồm các hình thức như thanh toán thẻ, séc điện tử, chuyển khoản và chuyển tiền điện tử. TTĐT gồm thanh toán trực tuyến (còn gọi là thanh toán online, nghĩa là thanh toán trực tiếp qua con đường mạng hoặc Internet) và thanh toán theo lô (còn gọi là thanh toán offline, chẳng hạn khi siêu thị chấp nhận nhiều giao dịch thanh toán qua thẻ, đến cuối ngày mới thực hiện thanh toán cả lô giao dịch đó với ngân hàng). Với khả năng thanh toán không dùng tiền mặt qua 2 phương thức nói trên, TTĐT là yêu cầu bắt buộc và cần thiết để xúc tiến TMĐT.
HỘI TIN HỌC VIỆT
NAM Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông
Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All
rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet
JSC) - Powered by MVC-Web CMS
2.0