Bắt đầu từ ngày 27-6, eBay- website bán hàng trực tuyến hàng đầu thế giới - đã chính thức ra mắt trang web giao diện tiếng Việt www.ebay.vn như một tiện ích nhằm kết nối Việt Nam với thị trường trực tuyến toàn cầu.
THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG.- Tuy đã chạy thử nghiệm trong một thời gian nhưng lễ ra mắt cho eBay Việt Nam thực sự là một sự kiện, nhất là đối với cư dân mạng. Với siêu thị ảo này, chỉ cần đăng ký cho mình một tài khoản với đầy đủ thông số yêu cầu, bất cứ thành viên nào cũng có thể trở thành một người mua/ bán hàng chuyên nghiệp. Ngoài việc phải có thẻ tín dụng hoặc tài khoản trên Paypal- một ngân hàng ảo uy tín nhất nhì hiện nay thì những đòi hỏi khác, đối với bất cứ ai muốn tạo gian hàng trên siêu thị này đều là... chuyện nhỏ. Với 588 triệu mặt hàng mới được rao bán trên eBay toàn cầu (tính trong quý I/2007), bất kỳ thời điểm nào, cũng có hơn 100 triệu mặt hàng rao bán. Đặc điểm thú vị là eBay luôn có những mặt hàng sưu tầm, hàng “độc” được rao bán trong từng hạng mục. Rõ ràng, với số lượng người sử dụng Internet chỉ mới chiếm 18% dân số và với tốc độ tăng trưởng về lượng người sử dụng Internet mạnh như hiện nay, Việt Nam là một mảnh đất tốt với thị trường thương mại toàn cầu.
Hồ Phước Bảo Chi, một thành viên của trang www.vnphoto.net, cho biết trước đây, muốn mua hàng hóa trên eBay, đa số cư dân mạng tại Việt Nam đều phải nhờ những người thân có tài khoản đăng ký ở nước ngoài mua giúp, gởi về nước vì rất hiếm mặt hàng người bán đăng ký công ty vận chuyển về Việt Nam. Trước đây, Việt Nam chưa được Paypal chấp nhận đăng ký để thanh toán tiền mua hàng, tham gia đấu giá trên eBay thì việc thanh toán chủ yếu là qua thẻ tín dụng và chuyển tiền. Tuy nhiên, hình thức thanh toán trên đều không được cả seller (người bán) và buyer (người mua) hoan nghênh vì các seller rất ngại việc các buyer thanh toán bằng thẻ tín dụng hack trên mạng (đa số các trang web bán hàng trực tuyến ở Mỹ đều không chấp nhận gởi hàng về Việt Nam cũng vì lý do trên) và các buyer chân chính cũng không dám thanh toán bằng thẻ tín dụng vì sợ seller nhận tiền nhưng không gởi hàng. Tất nhiên, việc eBay có mặt tại Việt Nam và Paypal chấp nhận đăng ký để chuyển tiền thanh toán đã xóa đi khoảng cách đó.
CƠ HỘI CHIA ĐỀU.- Khác với những website bán hàng trực tuyến thế giới, eBay đơn thuần là không gian để các đối tác tìm thấy giao dịch mình cần. Người bán và người mua hàng đều là thành viên của trang web nên sẽ tuân thủ “luật chơi” nghiêm ngặt mà eBay quy định. Đơn giản nhất là việc cung cấp các thông số về hàng hóa mình rao bán trên siêu thị ảo này phải thật. Chỉ cần một giao dịch lừa đảo xảy ra, thông tin về uy tín người mua/ bán đã được chính đối tác của mình đánh giá qua chức năng Feedback. eBay sẵn sàng khóa hẳn tài khoản của những tay lừa trên mạng. Ông Sam McDonagh, Giám đốc eBay khu vực Đông Nam Á, khẳng định: “Ngoài hệ thống phản hồi, chương trình xác nhận quyền sở hữu trí tuệ của eBay (VERO) bảo đảm các mặt hàng được đưa lên mạng không vi phạm bản quyền, thương hiệu hoặc các quyền về sở hữu trí tuệ khác của các bên thứ ba”. Để làm được điều này, eBay cũng có hơn 2.000 nhân viên tham gia công việc bảo đảm tính an toàn của thị trường trực tuyến và chủ động phối hợp với các cơ quan chính phủ cũng như các cơ quan thực thi pháp luật trên khắp thế giới nhằm thực hiện các chính sách này.
Mới khai trương không lâu nên hiện nay, phần lớn hàng hóa đang rao trên eBay Việt Nam đều là những món hàng đang được rao trên eBay International. Cũng như các quốc gia khác, dần dần, đây sẽ là không gian của những doanh nghiệp và người bán trong nước khai thác. Người mua hàng quan tâm đến hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam cũng sẽ có địa chỉ chuyên cung cấp. Như vậy, cơ hội kinh doanh với thế giới đã chia đều cho thương nhân người Việt.
TIỀM ẨN RỦI RO.- eBay chọn Việt Nam làm thị trường thứ 39 của mình đã mở ra cơ hội phát triển giao dịch quốc tế tại đây. Tuy nhiên, thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn là trở ngại lớn nhất đối với người dân Việt Nam. Một trở ngại khác là hiện nay, Paypal tại Việt Nam vẫn chỉ cung cấp dịch vụ một chiều. Khách hàng đăng ký tài khoản Paypal tại Việt Nam chỉ có thể chuyển tiền đi để mua hàng còn việc rút lại tiền bán hàng từ Paypal ra tiền mặt vẫn chưa được áp dụng. Như vậy, biện pháp duy nhất là dùng thẻ tín dụng. Đối với giao dịch thương mại điện tử, hình thức này hoàn toàn không an toàn.
Nick Huybank nhận định: “eBay luôn tiềm ẩn rủi ro”. Huybank kể, lần đó, anh đã bị lừa mất 200 USD trong việc đăng ký mua máy ảnh trên eBay vì người bán chỉ chấp nhận charger thẻ tín dụng. Tiền đã chuyển mà máy ảnh thì không thấy chuyển về, email lại thì chủ nhân chẳng trả lời. Như vậy, việc mua/bán hàng trên siêu thị ảo có trên 233 triệu người sử dụng có đăng ký eBay vẫn chưa hoàn toàn bảo đảm an toàn. Điều này đòi hỏi, người tham gia phải biết chọn lọc và tìm hiểu kỹ đối tác của mình.
Kinh nghiệm mua hàng trên eBay
- Kiểm tra thật kỹ phần mô tả hàng hóa, nhiều khách hàng đã than phiền những người bán hàng trên eBay rao hàng lừa đảo nhưng thật sự nó hầu như có ghi rõ trong đó hết (có khi ghi chữ rất nhỏ ).
- Xem phần đánh giá uy tín của người bán (Read feedback comments) thường những tài khoản đánh giá nhiều “sao” (Power seller) thì hiếm có chuyện đi bán hàng lừa đảo.
- Xem kỹ cách thức thanh toán: tốt nhất là nên tìm người bán nào chấp nhận thanh toán bằng Paypal thì giao dịch. Nếu chọn người bán/ mua hàng chỉ nhận cheque hay bank transfer khách giao dịch ở Việt Nam đấu giá đồng nghĩa với tự mình hại mình rồi: vì có thắng cũng chưa có cách thanh toán.
- Tìm hiểu món hàng định mua có được nhận chuyển hàng về Việt Nam hay không. Thông thường, nếu có thông tin là chuyển hàng World wide (toàn cầu) thì mới có thể chuyển hàng vào Việt Nam. Khi đã chọn quốc gia Việt Nam, trang web sẽ cho biết tiền vận chuyển (ship) về Việt Nam cho bạn. Nếu không hỏi kỹ bạn có thể bị 1 điểm trừ (Negative) từ các buyer do không hoàn thành giao dịch.
- Khi hoàn thành xong giao dịch, bạn có thể yêu cầu các seller cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng có mã Tracking number, để có thể vào trang chủ của các nhà vận chuyển như USPS, DHL, Fedex kiểm tra hàng của mình đã được vận chuyển chưa, hàng đã đi đến đâu. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn, bạn nên yêu cầu mua thêm bảo hiểm cho hàng hóa của mình khi vận chuyển.
Bạn cũng đừng quên tìm hiểu thuế hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, nếu có, nữa nhé. Đây cũng là khoản tiền không nhỏ bạn phải chịu đấy và cần nhất là các bạn phải trang bị cho mình kỹ năng tiếng Anh thật tốt để có thể giao dịch khi mua hàng.
|
Theo NLĐ