Thứ tư, 31/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 28/06/2007
Kinh nghiệm gia công phần mềm của Trung Quốc

Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh giành nhau quyết liệt chiếc bánh gia công phần mềm (GCPM) (offshore outsourcing) của thế giới.

 
Từ lâu Trung Quốc được coi như là một trung tâm sản xuất công nghiệp và nghiên cứu và phát triển (R&D) trong khi Ấn Độ nổi bật về dịch vụ và công nghệ thông tin (CNTT). Tuy nhiên, tương quan giữa hai bên có thể thay đổi vì Trung Quốc có lợi thế mới nhờ hệ thống hạ tầng kỹ thuật phát triển, nguồn lao động vừa rẻ vừa có tay nghề cao và thông thạo Anh ngữ.

Theo một báo cáo gần đây của Tập đoàn dữ liệu IDC, doanh thu của thị trường GCPM của Trung Quốc tăng gấp năm lần trong 5 năm qua. Năm 2006, thị trường gia công của Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh, đạt giá trị 1,4 tỷ USD, tăng 48 % so với cùng kỳ năm trước; mức tăng trưởng doanh thu từ GCPM của Trung Quốc bình quân là 38 %/năm suốt 5 năm qua.

Nhân công rẻ, thủ tục thông thoáng

Ngoài giá lao động rẻ, các yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng ngành GCPM ở Trung Quốc là sự thông thoáng của các quy định và thủ tục, sự đầu tư lớn vào giáo dục công nghệ, tiến bộ trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hệ thống tiêu chuẩn CNTT cốt lõi, và sự bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy có những bước tăng trưởng đầy ấn tượng, Trung Quốc vẫn không ngừng củng cố năng lực của lực lượng lao động, nhất là về khả năng Anh ngữ, kỹ năng quản lý dự án và kinh nghiệm cạnh tranh với Ấn Độ trên thị trường toàn cầu.

Ông Kenneth Wong, đối tác của SmithWong Associates – một công ty tư vấn Mỹ chuyên về thị trường Trung Quốc, nhận xét: “Ngôn ngữ không còn là rào cản chủ yếu đối với hoạt động gia công tại Trung Quốc. Ngày trước, lợi thế lớn của Ấn Độ là số lượng người nói tiếng Anh đông đảo. Nhưng nhiều chuyên viên CNTT của Trung Quốc hiện nay đã học tập tại Mỹ. Chẳng bao lâu nữa số người nói tiếng Anh ở Trung Quốc sẽ đông hơn ở Mỹ. Chính phủ Trung Quốc biết rằng họ còn phải đi một đoạn đường dài trong lĩnh vực này song đã có những dấu hiệu đáng khích lệ.”

Ông Tao Ye, Chủ tịch công ty phần mềm Objectiva Software – một nhà cung cấp dịch vụ gia công hàng đầu có trụ sở ở Trung Quốc và Mỹ, nhận xét: “Ngày càng có nhiều khách hàng đặt niềm tin vào việc kinh doanh ở Trung Quốc. Từ khi thành lập công ty vào năm 1999 đến nay, tôi đã thuê hai giáo viên tiếng Anh làm việc toàn thời gian – kỹ năng ngôn ngữ là hết sức quan trọng đối với ngành GCPM của Trung Quốc. Chuyện công nhân Trung Quốc không biết tiếng Anh bây giờ chỉ còn là cổ tích.”

Trong lúc gia tăng việc đấu thầu các dự án gia công quốc tế, các công ty CNTT Trung Quốc cũng khai thác các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi họ có lợi thế là sự gần gũi về địa lý và sự tương đồng về chữ viết. Lợi dụng mức lương thấp và kỹ năng sử dụng các ngôn ngữ Đông Á của công nhân Trung Quốc, ngày càng có nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ gia công của Ấn Độ đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc. Nhờ sự ủng hộ của chính phủ cả hai nước, nhiều doanh nghiệp Ấn – kể cả các công ty CNTT hàng đầu như Infosys, Satyam Computer Services và Wipro Technologies, đã triển khai hoạt động tại Trung Quốc. Học tập các doanh nghiệp Ấn Độ, các công ty GCPM tốt nhất của Trung Quốc đang dần dần tích hợp vào sản phẩm của mình những ứng dụng tiên tiến. Một số công ty này đang phát triển khả năng soạn thảo các phần mềm nhúng (embedded software) có chất lượng cao để làm việc với các nhà sản xuất điện thoại di động và thiết bị phần cứng khác.

Thị trường còn rất trẻ!

Edwin Ye là giám đốc tại Bắc Kinh của Công ty MDCL-Frontline, chi nhánh của tập đoàn Frontline châu Á. Ông nhận xét: “So với Ấn Độ, thị trường gia công CNTT của Trung Quốc hãy còn rất trẻ. Tôi tin tương lai sẽ đầy hứa hẹn nếu chúng ta tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cũng như khám phá các thị trường mới, các cơ hội mới.” Gần đây MDCL-Frontline đã nhượng quyền sử dụng nhiều hệ thống phần mềm mà họ sản xuất tại Trung Quốc, và ký những hợp đồng trị giá nhiều triệu USD phát triển phần mềm ứng dụng và hệ thống quản lý cho các hải cảng ở thành phố Đại Liên.

Phân tích của IDC cũng cho thấy rằng, trái với Ấn Độ, thị trường gia công CNTT của Trung Quốc chủ yếu nhắm vào nhu cầu nội địa. Năm 2006, hơn 40 % doanh thu GCPM đến từ các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc. Dự báo nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong 4-5 năm tới, mở ra cơ hội tuyệt vời cho các nhà cung cấp dịch vụ bằng cách giúp họ mở rộng hoạt động mà không phải cạnh tranh trực diện với các doanh nghiệp Ấn Độ trên thị trường Âu châu và Bắc Mỹ.

Tập đoàn Neusoft có trụ sở tại Thâm Quyến là nhà gia công CNTT lớn nhất ở Trung Quốc, sử dụng hơn 10.000 nhân công, chuyên cung cấp phần mềm và dịch vụ CNTT cũng như công nghệ y dược. Phần lớn doanh thu của Neusoft là từ kinh doanh phần mềm và dịch vụ ở thị trường nội địa.

Cơ sở hạ tầng tốt

Giám đốc công nghệ của Neusoft, ông Walter Fang, nhận định: “Một trong những lý do hàng đầu để GCPM tại Trung Quốc ngày nay là các công ty Mỹ và Nhật Bản đang cố nối kết các thị trường nước ngoài, chủ yếu với các trung tâm GCPM.” Điều đó có nghĩa là các công ty như Microsoft, Motorola và Nokia – đang cố gắng khai thác thị trường tiêu dùng khổng lồ này – sẽ phải đặt hàng GCPM hỗ trợ cho chiến lược mở rộng hoạt động của họ tại Trung Quốc. Chỉ mới tháng trước, Microsoft đã công bố những đơn đặt hàng gia công trị giá tới 100 triệu USD tại các công ty Trung Quốc.

Mặc dù Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và một vài thành phố lớn khác ở vùng duyên hải vẫn là địa điểm được phần lớn các công ty ngoại quốc chọn lựa, nhưng Trung Quốc đang có kế hoạch làm cho các thành phố nhỏ trở nên hấp dẫn hơn. Ông Wong cho biết: “Nhiều thành phố hạng hai như Tây An, Đại Liên và Thành Đô đang nổi lên thành những đối thủ cạnh tranh nổi bật trên thị trường GCPM nhờ chi phí hoạt động kinh doanh thấp và cơ sở hạ tầng được cải thiện.”

Các doanh nghiệp đang tìm cách giảm chi phí nên nhớ rằng Trung Quốc có hơn 100 thành phố có quy mô dân số trên một triệu người – và gần như tất cả các thành phố này đều đang nỗ lực tối đa để thu hút đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp nào chọn các thành phố hạng hai – thậm chí hạng ba – sẽ được hưởng những ưu đãi hết sức hào phóng. Tây An, một thành phố bốn triệu dân đang phát triển nhanh ở miền Tây Trung Quốc chẳng hạn, đã thành lập một khu công nghệ cao, trong đó doanh nghiệp nước ngoài được giảm tối đa giá thuê văn phòng và được miễn thuế cho đến khi nào có lợi nhuận trong hai năm liên tiếp. Công ty Objectiva Software đang thiết lập một cơ sở thứ hai ở Tây An. Ông Tao Ye nói: “Chúng tôi chọn Tây An vì chi phí khởi nghiệp và điều hành doanh nghiệp rất thấp, cơ sở hạ tầng thì tuyệt vời và có nguồn cung cấp đầy đủ những nhân viên có phẩm chất tốt, phù hợp với nhu cầu của chúng tôi.”

Chắc chắn chỉ sau một thập niên nữa, Trung Quốc sẽ vượt qua Ấn Độ để trở thành địa chỉ gia công CNTT hàng đầu thế giới. Tiềm năng tăng trưởng cho lĩnh vực này hãy còn rất lớn. Theo tính toán của Tập đoàn tư vấn McKinsey Global Institute, cho đến nay giá trị gia công CNTT chỉ mới đạt 18,4 tỷ USD, giá trị gia công các dịch vụ kinh doanh là 11,4 tỷ USD – tương đương với khoảng 10 % tiềm năng của thị trường gia công toàn cầu.

Nhìn về tương lai, Wong nói: “Với đà phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và nhân lực, Trung Quốc đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước phương Tây. Đất nước này đang khao khát tiến bộ và sẽ tiếp tục phấn đấu giành các mục tiêu cao hơn. Tôi chắc rằng không bao lâu nữa, Trung Quốc sẽ là địa chỉ gia công được ưa thích trong nhiều lĩnh vực kinh tế.” Để thực hiện mục tiêu đó, Trung Quốc vừa công bố kế hoạch đào tạo nhân lực cho ngành GCPM, gọi là kế hoạch “5-10-100”. Theo đó, trong năm năm tới sẽ phát triển 100 công ty chuyên về dịch vụ gia công có chất lượng cao ở 10 thành phố nhằm thu hút khoảng 100 tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng đến đặt hàng tại Trung Quốc.

Để duy trì lợi thế khi cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các công ty dịch vụ gia công của Trung Quốc cần biết tăng cường thu hút khách hàng bằng cách cung ứng những sản phẩm và dịch vụ tiêu chuẩn cao, tính sáng tạo rõ ràng và hàng loạt những lợi ích cộng thêm khác.

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0