Chat, e-mail và tìm kiếm thông tin vẫn là hoạt động trực tuyến trọng tâm khi các nhà cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu là Yahoo, Microsoft Networks (MSN) và Google giành trọn 3 vị trí đầu tiên. Ngoài ra, phiên bản tiếng Nhật, Nga, Trung… của những hãng này cũng nằm rải rác và chiếm tới 30% bảng tổng sắp của Alexa. Mỗi hãng trong "tam đại gia" này đều có chiến lược sáp nhập với các công ty nhỏ hơn để không ngừng mở rộng dịch vụ và bành trướng trên thế giới mạng. Cuộc cạnh tranh gay gắt ấy đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng với các tiện ích chia sẻ nội dung Internet, giải trí và mua sắm trực tuyến.
Yahoo mỗi ngày có 2,4 tỷ lượt truy cập trên 25 trang toàn cầu với 13 ngôn ngữ khác nhau, mỗi tháng có 274 triệu khách ghé thăm. Hãng này thành lập vào năm 1994 và lập tức trở thành cổng thông tin, dịch vụ mạng lớn nhất thế giới.
Cổng dịch vụ Internet MSN của Microsoft - ra mắt một năm sau Yahoo, cùng thời điểm với hệ điều hành Windows 95 - nhanh chóng thu hút sự chú ý của 400 triệu người trong cộng đồng mạng.
Năm 1999, sự xuất hiện của cỗ máy tìm kiếm Google và hàng loạt dịch vụ Internet khác đã khiến Yahoo và MSN lo lắng bảo toàn vị trí vì số người đến với Google đã lên tới 380 triệu.
"Thế lực" thứ hai trong Top 100 là mạng xã hội và blog. Những tên tuổi quen thuộc với người sử dụng như MySpace (xếp thứ 6), Orkut (8), Hi5 (15), Facebook (17), Friendster (21) và Blogger (16), Fotolog (22), Xanga (80), Wordpress (91) đều có mặt. Các website này không chỉ là nơi giao lưu, kết bạn mà còn tạo điều kiện cho các thành viên “xây dựng chân dung cá nhân trên mạng” theo cách họ muốn. Do vậy, đây là hai trong số những ứng dụng giữ chân người sử dụng lâu nhất trên Internet, nhờ đó thúc đẩy mạnh mẽ số lượt truy cập.
Là mạng xã hội có số thành viên đông nhất thế giới hiện nay với khoảng 106 triệu account (tính đến tháng 9/2006) và mỗi ngày trung bình có thêm 230.000 tài khoản mới mở, MySpace được nhiều nhà nghiên cứu xã hội đánh giá là một phần văn hóa đương đại của xã hội phương Tây, đặc biệt là trong cộng đồng người sử dụng tiếng Anh. 80% trên tổng lượng truy cập vào các website mạng xã hội thuộc về trang này.
Các trang dịch vụ chia sẻ nội dung thuộc thế hệ Web 2.0, tiêu biểu là YouTube (video), Flickr (ảnh), Digg (tin tức) và Wikipedia (từ điển), cũng được cộng đồng mạng nhắc nhiều trong hai năm qua.
Trong số này, YouTube, do Chad Hurley (29 tuổi) và Steve Chen (27 tuổi) thành lập với phương châm "sáng tạo nào cũng phải để người sử dụng được quyết định nội dung gì đáng xem", đã tạo nên một hiện tượng Internet với sự thăng tiến mạnh mẽ. YouTube đứng thứ 5 trong Top 100 của Alexa, vượt cả MySpace. Website này giống như một chiếc TV khổng lồ, truyền tải những hình ảnh muôn mặt cuộc sống, và trong đó, nhà sản xuất nội dung chính là những người sử dụng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100 triệu clip được mở xem trên YouTube và thêm 65.000 đoạn phim khác được người sử dụng tải lên. Mỗi tháng, trang này có 20 triệu độc giả truy cập, trong đó thanh thiếu niên (12-17 tuổi) chiếm số lượng áp đảo. Tạp chí Time năm ngoái ghi nhận YouTube là phát minh của năm. Dịch vụ này được Google mua lại vào tháng 10/2006 với giá 1,65 tỷ USD.
Trong nhóm website chia sẻ nội dung có sự góp mặt của Digg, trang web khuyến khích mọi người giới thiệu các đoạn tin hoặc bài viết mà họ cho là thú vị, sau đó tin tức được bình chọn nhiều nhất sẽ hiển thị trên trang chủ. Việc Digg xếp ở vị trí 96 trong Top 100 phản ánh xu hướng tiếp nhận thông tin kiểu mới của người sử dụng Internet: Không còn thụ động trước những nội dung được cung cấp.
Phần còn lại trong danh sách 100 website hàng đầu thế giới của Alexa thuộc về các trang thương mại điện tử (Amazon), đấu giá trực tuyến (eBay) và rao vặt (Craigslist). Đây cũng đều là những gương mặt sáng giá của thế hệ Web 2.0.
Hiện nay, "tượng đài thương mại điện tử" Amazon có gần 49 triệu khách hàng thường xuyên mua đồ. Trung bình mỗi giây, dịch vụ có trụ sở ở Seattle (Mỹ) này nhận được 32 lệnh giao dịch - con số kỷ lục trong thương mại trực tuyến. Amazon - chủ sở hữu của hệ thống xếp hạng website Alexa - đứng ở vị trí số một trong danh sách 400 hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất, do tạp chí Internet Retailer thống kê, với doanh thu năm 2006 đạt 10,6 tỷ USD.
Trang mua bán đấu giá eBay có số giao dịch khách hàng cao hơn Amazon nhưng không được liệt vào danh sách vì eBay không phải là một công ty bán lẻ mà chỉ là một chợ giao dịch tự do.
Các website tin tức xuất hiện không nhiều trong Top 100, với sự góp mặt của BBC (đứng thứ 35), CNN (70). VnExpress là website Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách này, ở vị trí 98.
BBC và CNN là những trang được xây dựng trên cơ sở thương hiệu truyền hình và phát hành phiên bản online từ năm 1995. Ngoài phần tin tức được cập nhật nhanh, hai trang trên còn tích hợp các công cụ đa phương tiện như TV, radio trực tuyến và chú trọng phát triển nội dung do người dùng tự tạo - đặc điểm nổi bật của Web 2.0.
Hệ thống xếp hạng website Alexa - thuộc tập đoàn thương mại trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon.com - hoạt động dựa trên dữ liệu thu thập từ thanh công cụ (toolbar) của hãng mà người truy cập Internet trên toàn thế giới cài đặt trong trình duyệt. Đến nay, hệ thống này vẫn được coi là dịch vụ độc lập khách quan duy nhất trên thế giới trong việc đánh giá mức độ truy cập của các trang web toàn cầu.
Alexa xác định chỉ số thứ hạng các website dựa trên hai yếu tố: tổng số người truy cập, và số lượng trang trung bình được một người truy cập mở xem. Sự kết hợp đó trong cách đánh giá lưu lượng truy cập là một ý tưởng thông minh, loại bỏ được khả năng tạo ra các truy vấn ảo bằng những chương trình tự động. Thứ hạng được công bố chính thức của mỗi website là thống kê ghi nhận lượng truy cập trung bình trong 3 tháng gần nhất.
|
Theo Vnexpress