Thứ năm, 18/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 19/06/2007
Cần "xã hội hóa" đào tạo nguồn nhân lực CNTT?

Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực CNTT trong nước vẫn tồn tại thiếu sót. Đây đang là lúc cần những sự đột phá cả về định hướng và hành động để không bỏ phí tiềm năng nguồn nhân lực trong nước mà ai cũng nhìn thấy!

Đó là quan điểm chung của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp ICT trong nước trong Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch 58 (2001 - 2005) do Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT và Bộ BCVT tổ chức ngày 15/6/2007.


Còn yếu và thiếu

Theo kết quả giám định kỹ năng kỹ sư CNTT cơ bản căn cứ vào tiêu chuẩn của Nhật Bản tại Trung tâm sát hạch và hỗ trợ đào tạo VITEC thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, từ năm 2001 đến 2005, trong 2.285 kỹ sư tham gia thi chỉ có 367 người được cấp chứng chỉ (tỷ lệ 16,06%).

VietNamNet từng phản ánh quan điểm nhiều phía về vấn đề đào tạo kỹ sư CNTT ở Việt Nam. Đây được coi là nguồn nhân lực cao cấp, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại.

Trước hết là việc chất lượng có thực sự đã đáp ứng được nhu cầu hay không?

Nguyên là Thứ trưởng bộ BCVT - Tiến sĩ Mai Liêm Trực trong một lần trao đổi với PV VietNamNet từng cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực cao cấp ở các trường ĐH trong nước là chưa đạt yêu cầu!

"Thực tế nói là đào tạo nhân lực cao cấp, nhưng thực tế chúng ta mới đào tạo ở mức đại trà. Kỹ sư CNTT ra làm gì liên quan đến CNTT cũng được, nhưng về chuyên môn thì chưa đủ chất lượng so với nhu cầu về nguồn nhân lực cao cấp!" - Ông Trực nói.

Ông Bùi Quang Độ (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam - Thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT) nêu lên một ví dụ: Mới đây, hãng Toshiba của Nhật có cử các chuyên gia cùng 2 giáo sư sang Việt Nam thông qua Hội DNĐT VN tìm kiếm 5 sinh viên CNTT, đào tạo để làm việc cho hãng, cuối cùng, ròng rã hai tháng chỉ chọn được 3 ứng cử viên!

Ông Độ thẳng thắn nêu ý kiến: "Một trong những nguyên nhân là do cơ chế cấp phát đào tạo rất khó khăn!".

Thứ trưởng Bộ BCVT - Vũ Đức Đam lại hướng mối quan tâm đến nguồn nhân lực dưới ĐH: "Nguồn nhân lực cũng chia ra làm nhiều cấp, những người viết mã (coding) có thể chỉ cần đào tạo từ các trung tâm dạy nghề chuyên sâu, đây mới là nhóm nhân lực chiếm số đông, bên cạnh nguồn nhân lực cao cấp."

Thứ trưởng Đam gọi một cách hình tượng phần nhân lực bậc trung này là những người "công nhân" CNTT. Ông khẳng định thị trường trong nước hiện đang rất thiếu, "đào tạo đến đâu, "hết" đến đấy"!

"Chất lượng cũng quan trọng, nhưng trước mắt là số lượng! Chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực cao cấp, nhưng càng thiếu hơn những "công nhân" CNTT".

Cần những cái nhìn mới

Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Trần Văn Nhung nói rằng, theo đánh giá của nhiều hãng nước ngoài mà ông biết, nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam sau đào tạo có nền tảng kiến thức tốt, nhưng năng lực ứng dụng còn rất hạn chế.

Điều này khiến chúng ta phải có một cái nhìn mới về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cao cấp.

Chẳng hạn, yêu cầu về mặt ngoại ngữ cần được nâng lên, hay các kỹ năng mềm (soft skills - kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, đàm phán, lập kế hoạch...) cần phải được đưa vào các chương trình đào tạo bắt buộc.

Bên cạnh đó, phải có các hệ thống đánh giá chuẩn về đào tạo nguồn nhân lực CNTT và chất lượng nguồn nhân lực.

Hiện tại ở Việt Nam mới chỉ có Vitech, phối hợp với đối tác Nhật Bản đưa ra một hệ thống giám định kỹ năng CNTT.

Trong khi tại các quốc gia có trình độ phát triển cao về ICT, các hệ thống chuẩn vô cùng phong phú, chẳng hạn như ISO, cao hơn một chút, Mỹ có ACM, ABET, Nhật có ITSS...

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đã đến lúc phải xây dựng những hệ thống chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo CNTT (cơ sở vật chất, giáo trình, trình độ giáo viên, môi trường thực hành...) và chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo (kiến thức chuyên ngành, độ sẵn sàng, trình độ kỹ năng, sáng tạo...).

Cũng như chúng ta phải lập tức thay đổi các quan niệm cũ về việc đào tạo nguồn nhân lực không sát nhu cầu thực tế.

Chẳng hạn như ông Nguyễn Long (Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam) công khai nêu ý kiến, cần nâng cao vai trò tư vấn, phản biện của các đơn vị độc lập, các hiệp hội nghề nghiệp.

Hay ý kiến về việc liệu có nên thay đổi quan điểm về đào tạo chính quy và phi chính quy. Chúng ta coi các chương trình đào tạo của những hãng lớn như Microsoft, Orace, IBM... là phi chính quy, nhưng những người có chứng chỉ này, có thể được nhận vào làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, trong khi hệ thống đào tạo chính quy chưa được như vậy.

"Xây dựng các hệ thống chuẩn về đánh giá chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là việc cần làm ngay!" - Thứ trưởng Trần Văn Nhung đồng tình. Ông cho rằng một cách nhanh nhất, hệ thống đào tạo phải chuẩn hoá văn bằng, kiểm định chương trình đào tạo theo quan điểm mới: tham khảo theo các chuẩn quốc tế!

"Chúng ta đã gia nhập WTO, phải có quan điểm tương đương về bằng cấp, trình độ so với thế giới."

Bộ chuyên ngành vào cuộc

Giải quyết vấn đề đào tạo nguồn nhân lực CNTT, nhiều ý kiến cho rằng nên xã hội hoá công tác đào tạo.
Trả lời phỏng vấn VietNamNet, Thứ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực bậc trung trong ngành CNTT bằng các trung tâm đào tạo nghề chuyên sâu.
 
"Nếu việc cấp phép đào tạo là quá khó khăn, thì có thể tìm đến các mô hình đã có trước đây như các trung tâm cao đẳng nghề của Bộ Lao động thương binh xã hội.
 
Có người thậm chí còn lạc quan: tại sao không đặt hẳn mục tiêu sẽ lập các trường Đại học nghề?
 
Tuy nhiên, chúng tôi đã tập trung trao đổi với nhiều chuyên gia về vấn đề xây dựng các chuẩn cho đào tạo CNTT."

Ông Trương Gia Bình - Tổng giám đốc FPT cho VietNamNet biết, Đại học FPT hiện đang áp dụng mô hình đào tạo theo chuẩn ISO 9000 và ACM ((Association for Computing Machinery) thực tiễn của Mỹ một cách khả quan.

Ông Bình nói ĐH FPT sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết với ngành giáo dục hoặc các đơn vị đào tạo.

"Còn về kiểm định chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực, phải dựa vào các doanh nghiệp, nên có sự kết hợp giữa đơn vị đào tạo với nhu cầu xã hội" - Ông Bình nói.

Trước mắt, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, Bộ BCVT, Bộ GD & ĐT, Vinasa cùng các cơ quan chức năng khác sẽ cùng phối hợp để xác định nhu cầu thị trường đưa ra quy chuẩn chung cho việc đánh giá đào tạo nguồn nhân lực CNTT.

Thứ trưởng Vũ Đức Đam cho biết một thông tin đáng mừng, sau nhiều lần làm việc với Bộ GD-ĐT, Bộ BCVT đã nhận trách nhiệm và xây dựng "Quy hoạch nhân lực CNTT từ năm 2010 đến 2015".

"Bộ sẽ nhận định xu hướng, xác định tiềm năng để đưa ra những dự báo về nguồn nhân lực và các kế hoạch chi tiết. Điều này xuất phát từ thực tế, Bộ BCVT là đơn vị nắm được nhu cầu và hiện trạng về nguồn nhân lực sâu sát hơn cả". Thứ trưởng Đam nói.

Như vậy, các ý kiến của một số lãnh đạo ngành ICT đều thống nhất tập trung vào việc "xã hội hoá" vấn đề đào tạo nhân lực CNTT, tập trung bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực dưới ĐH, và đổi mới về lâu dài tư duy đào tạo nhân lực cao cấp. Đương nhiên, quá trình mở bung khâu đào tạo, sẽ kéo theo việc trước hết phải sớm b an hành các quy chuẩn chất lượng, cũng như đòi hỏi có những thay đổi về cơ chế. Được như vậy, với một dân số trẻ và khả năng tiếp cận công nghệ nhanh chóng, tiềm năng nguồn nhân lực IT Việt Nam sẽ có bước đột phá.

Bởi, bài toán nhân lực trong bất kỳ ngành nào, cũng là yếu tố tối quan trọng!.

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0