Quan điểm xuyên suốt trong triển khai ứng dụng CNTT trong ngành tài chính là xây dựng một hệ thống thông tin tài chính hợp nhất toàn ngành phục vụ hiệu quả công tác cải cách hành chính, đưa hệ thống quản lý tài chính ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực. Việc triển khai ứng dụng CNTT phải được thực hiện kết hợp giữa ba yếu tố: chính sách, tổ chức và công nghệ.
Với quan điểm đó, ngay từ những giai đoạn đầu tiên, việc hoạch định kế hoạch chiến lược, tổ chức quản lý triển khai CNTT đã được quan tâm hàng đầu từ vệc thành lập tổ nghiên cứu xây dựng đề án tin học hoá (từ năm 1989), rồi Ban quản lý công trình tin học (1990) và các trung tâm tin học, các văn phòng tin học tại các đơn vị tài chính trên cả nước vào năm 2003.
Giai đoạn 2001 - 2005, Bộ Tài chính cũng đã được giao trọng trách lớn đó thực hiện hai dự án trọng điểm: "Hoàn thiện hệ thống thông tin tài chính” và tiếp nhận dự án “Hiện đại hoá hệ thống thông tin Hải quan” (2002). Trong kế hoạch tổng thể ứng dụng CNTT ngành Tài chính đến 2010, ngành cũng đã đảm nhiệm việc thực hiện 8 dự án lớn: Dự án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước; Dự án hiện đại hoá hệ thống thông tin Kho bạc Nhà nước; Dự án hiện đại hoá hệ thống thông tin Thuế; Dự án tin học hoá quy trình nghiệp vụ hải quan; Dự án hiện đại hoá hệ thống thông tin Dự trữ quốc gia; Dự án ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính công; Dự án mạng thông tin truyền thông thống nhất ngành Tài chính; Đề án an toàn bảo mật hệ thống thông tin ngành Tài chính.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, trên một số lĩnh vực, nhiệm vụ ứng dụng CNTT của ngành đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong việc xây dựng triển khai hệ thống ứng dụng quản lý tác nghiệp, ngành đã xây dựng được 48 phần mềm ứng dụng chính phục vụ hoạt động tác nghiệp như quản lý ngân sách nhà nước; quản lý thu ngân sách nhà nước; Quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ nhà nước và các quỹ tài chính khác của nhà nước.
Với nhiệm vụ ứng dụng CNTT cho phục vụ quản lý điều hành, Bộ đã xây dựng, thu thập dữ liệu, tổ chức khai thác 5 cơ sở dữ liệu. Kho cơ sở dữ liệu đối tượng nộp thuế đã lưu trữ tập trung trên 1,9 triệu đối tượng nộp thuế với trên 100 chỉ tiêu quản lý được cập nhật hàng ngày. Kho cơ sở dữ liệu văn bản pháp quy của ngành đã cập nhật trên 17.000 văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác với hàng triệu lượt người truy cập thường xuyên...
Cho tới thời điểm này, Bộ Tài chính đã bước đầu xây dựng được một hạ tầng kỹ thuật tương đối hiện đại trong ngành, đáp ứng được việc triển khai các ứng dụng nghiệp vụ. Đặc biệt, với hạ tầng an toàn bảo mật, hiện 100% hệ thống mạng đều được sao lưu dự phòng, có hệ thống kiểm soát, giám sát an nình, hệ thống virus đảm bảo hoạt động ổn định cho hệ thống mạng tại các đơn vị trong toàn ngành...
Với chừng ấy những thành công, ngành tài chính đã đưa ứng dụng CNTT vào tất cả các hoạt động nghiệp vụ của ngành, hỗ trợ tốt các khâu tính toán trực tiếp, đạt những kết quả bước đầu về tổ chức các dịch vụ cho công dân nhưng theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, so với yêu cầu hiện đại hoá của ngành, hệ thống hiện tại mới chỉ đáp ứng được ở mức độ 30-40%. Việc đầu tư cho CNTT mặc dù lớn so với các ngành khác nhưng cũng mới ở mức độ ban đầu, đáp ứng yêu cầu tối thiểu của một thệ thống CNTT phục vụ tác nghiệp. Theo ông, trong giai đoạn tới, cần được tiếp tục đầu tư tập trung, mạnh hơn nữa để đảm bảo xây dựng một hệ thống hiện đại.
Có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra sau những nỗ lực đưa CNTT áp dụng vào mọi hoạt động của ngành nhưng trước tiên lại là bài học kinh nghiệm về quản lý. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng lãnh đạo trong ngành tài chính rất cần một cách nhìn tổng thể dài hạn, biết được khả năng của tin học có thể phục vụ đến đâu cho các hoạt động nghiệp vụ và lĩnh vực nào Tin học không thể giải quyết được.
Một trong những yêu cầu được đánh giá là tiên quyết được đánh giá để có thể đảm bảo sự thành công của việc đưa ứng dụng CNTT vào công tác quản lý đó là chuẩn hoá các quy trình quản lý và xử lý thông tin. Quá trình ứng dụng CNTT của ngành thời gian qua đã cho thấy, quy trình quản lý phải được chuẩn hoá, và có sự tham gia chặt chẽ giữa tin học và nghiệp vụ. Những thay đổi về chính sách phải chỉ rõ các điều kiện thực thi có liên quan trong đó có việc điều chỉnh lại hệ thống CNTT.
Theo Vnmedia