Trong bản danh sách 65 đối tác của Facebook, người ta có thể dễ dàng nhận thấy những tên tuổi lớn như Microsoft, Amazon.com, Photobucket, Slide.com, iLike, Twitter.com hay dịch vụ VoIP Jajah.
Điểm mấu chốt trong thoả thuận là Facebook cho phép các công ty xây dựng phần mềm tích hợp trên hệ thống của mình. 24 triệu thành viên Facebook sẽ có quyền quyết định có sử dụng phần mềm đó trong trang cá nhân của mình hay không.
Ví dụ, họ có thể đưa vào trang cá nhân phần đánh giá sách của Amazon.com, thưởng thức những bản nhạc từ iLike hay chia sẻ ảnh với Photobucket.... Các công ty tham gia không những được quảng bá thương hiệu của mình, họ còn có quyền đặt quảng cáo hay bán hàng trên chính trang web của Facebook.
|
Giám đốc điều hành 23 tuổi Mark Zuckerberg say mê thuyết trình về tương lai của một "hệ điều hành xã hội” |
"Bạn có thể xây dựng một mục quảng cáo trên Facebook. Nếu không muốn quảng cáo, bạn cũng có thể chào bán một loại hàng hoá nào đó. Chúng tôi khuyến khích các bạn làm cả hai việc đó", giám đốc điều hành 23 tuổi Mark Zuckerberg phát biểu trước hơn 700 nhà phát triển phần mềm và nhà báo.
Động thái này của Facebook sẽ tác động không nhỏ tới MySpace - mạng xã hội lớn nhất thế giới với 67 triệu người đăng ký. MySpace vốn được đánh giá là khá hỗn loạn khi cho người dùng cơ bản tự ý bố trí trang cá nhân của họ.
Người dùng MySpace có thể tự ý “nhúng” các phần mềm bên ngoài vào trang cá nhân của họ. Điều này khiến bố cục của MySpace không đồng nhất, gây khó khăn cho người xem, thậm chí còn có thể chứa nhiều spam (thư rác).
Trái lại, Facebook (trước đây) hạn chế người sử dụng trong những giới hạn nhất định. Người dùng Facebook không thể tuỳ biến trang cá nhân cũng như không thể chèn mã phần mềm của các công ty khác. Sự hạn chế này khiến Facebook luôn luôn "sạch sẽ", qui chuẩn và duy trì được mục đích ban đầu là làm phương tiện liên lạc giữa bạn bè.
Tuy nhiên, Facebook không muốn dừng lại ở đó. Theo anh Mark Zuckerberg - người sáng lập đồng thời là giám đốc điều hành Facebook, mạng xã hội này muốn thống trị thế giới Internet bằng cách tích hợp công nghệ web ở cấp độ cao hơn, cung cấp cho người dùng những cái mà họ không thể có được ở MySpace.
Để làm được điều này, Facebook cần có mối liên hệ chặt chẽ tới các doanh nhân khác đang kinh doanh trong lĩnh vực Internet như Ali Partovi - CEO của iLike. Facebook không có tính năng nghe nhạc nhưng iLike, cũng như một số công ty khác trong 65 đối tác của Facebook, có kế hoạch cung cấp công cụ nghe nhạc tương thích với nền tảng của Facebook.
Nếu người dùng thích chọn iLike cho trang Facebook của họ, phần mềm sẽ tự động xác định nơi họ sống, ban nhạc hay bài hát họ thích nghe... Sau đó, iLike sẽ đưa ra lời chỉ dẫn về những bài hát mới của ban nhạc đó, các buổi hoà nhạc ở địa phương họ sống.
|
Không chỉ giới hạn trong nội bộ trường Harvard, số người sử dụng Facebook đã lên tới con số 24 triệu |
iLike sẽ có tiền hoa hồng nếu người dùng tiếp tục sử dụng bất kỳ mục nào trong những chỉ dẫn đó, và iLike cũng được phép đăng quảng cáo lên Facebook. "Chúng tôi muốn xây dựng một ngành kinh doanh toàn diện với Facebook", ông Partovi khẳng định.
PicksPal, công ty cung cấp dịch vụ dự đoán kết quả thể thao, là một ví dụ khác về sự liên kết của Facebook. Người chơi PicksPal dự đoán kết quả thể thao để giành điểm, đến số điểm nhất định, họ có thể đổi điểm lấy tiền mặt.
Nếu người dùng Facebook sử dụng phần mềm tích hợp của PicksPal, tất cả các thông tin dự đoán sẽ được gửi đến bạn bè họ. Nhờ đó, người dùng luôn được cung cấp thông tin về các hoạt động của bạn bè.
"Thật tuyệt vời khi được tham gia xây dựng một hệ thống hoạt động trên toàn cầu, không gì có thể ngăn cản được sức hấp dẫn của nó", CEO Tom Jessiman của PicksPal cho biết.
Trong khi danh sách đối tác của Facebook sẽ tiếp tục được mở rộng thì mạng xã hội này cũng gặp phải một số vấn đề nan giải. Một hạn chế không thể tránh khỏi khi mở rộng là Facebook sẽ không duy trì được giao diện đồng nhất trên tất cả các trang của mình.
Để hạn chế sự hỗn loạn này, Facebook sẽ đưa ra giới hạn cho các nhà phát triển phần mềm, ví dụ như không đưa các ảnh nhấp nháy hay nhạc chỉ chạy khi có kích hoạt của người dùng...
Một trở ngại khác với Facebook là nó có thể bị các hacker dòm ngó, giống như MySpace đã gặp trước đây. Có thể sẽ có những tài khoản ảo tồn tại với mục đích duy nhất là trưng bày hình ảnh khiêu dâm nhằm quảng cáo cho các "website đen".
Bên cạnh đó, nhiều công ty có thể sử dụng cơ hội này để vươn lên quảng bá hình ảnh của mình, lấn át cả "chủ nhà" Facebook. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, giống như YouTube đã vươn lên mạnh mẽ sau khi được đông đảo người dùng MySpace sử dụng.
Facebook nhận được không ít lời đề nghị hấp dẫn. Năm 2006, Yahoo! đã mời chào 900 triệu USD để có được Facebook. Nhưng Facebook không phải để bán. "Chúng tôi luôn luôn khẳng định rằng Facebook sẽ tồn tại độc lập. Sự kiện này minh chứng điều đó,” giám đốc điều hành Mark Zuckerberg phát biểu.
Theo Tintuconline