Cập nhật: 16/06/2007 |
Ứng dụng và phát triển CNTT vấp hai rào cản lớn |
|
|
Mật độ điện thoại hiện đã vượt chỉ tiêu đến 2010. |
* Lo ngại về mục tiêu đến 2010. * 2 rào cản lớn là chính sách và con người.
|
|
Ngày 15.6 tại Hà Nội, BCĐ quốc gia về CNTT tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW (gọi tắt là CT58) của Bộ Chính trị về ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Mổ xẻ nguyên nhân thất bại, các chuyên gia cho rằng có 2 rào cản lớn là chính sách và con người.
Rào cản Báo Lao Động ra ngày 15.6 đã có bài phản ánh những thất bại khi các cấp, bộ, ngành triển khai CT58. Cũng trong ngày 15.6, các chuyên gia CNTT đã nhóm họp và cùng mổ xẻ những nguyên nhân vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá, vấn đề con người là nguyên nhân quan trọng nhất khi triển khai thực hiện CT này. Cụ thể, trong 5 năm thực hiện CT58, con người có trình độ, năng lực; con người có quyền quyết, dám quyết hầu như đã không tham gia đầy đủ vào quá trình thực thi. Từ việc thiếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo; quản trị; kỹ sư trưởng CNTT nên dẫn đến tình trạng công việc bị dồn ép, tồn đọng; không thể giải quyết. Nhiều lãnh đạo các cấp không có kiến thức về CNTT; chỉ coi CNTT như là công cụ trong hành chính... Từ hạn chế này, CNTT đã không có được sức sống ở nhiều bộ, ngành, địa phương.
Từ vấn đề con người đã tác động sâu sắc đến việc hình thành, cho ra đời chính sách. Theo ông Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học VN - thì rào cản chính sách đã bó buộc hầu hết các chương trình, hoạt động liên quan đến triển khai CNTT. Chính vì thế nhiều nơi có tiền, có năng lực cũng khó thực hiện được.
Lo ngại về mục tiêu đến 2010 Theo đánh giá của BCĐ quốc gia về CNTT thì kết quả của 5 năm qua đã có ảnh hưởng không tốt tới mục tiêu đến năm 2010 của CNTT VN. Cụ thể, mục tiêu: CNTT VN đạt trình độ tiên tiến trong khu vực đã trở thành thách thức lớn. Đã có chuyên gia bi quan: Cho đến hiện nay, hệ thống đào tạo CNTT của VN vẫn còn rất mỏng, chắp vá và chưa theo kịp với chuẩn quốc tế.
Để bịt được lỗ hổng này, thì 5 năm là khoảng thời gian không dài để thực hiện những chương trình đào tạo có bài bản và đạt chuẩn. Chính vì thế, nhân tố quyết định là nhân lực đã khó thực hiện thì các mục tiêu khác cũng sẽ rất khó.
Thậm chí, có chuyên gia cho rằng, một số mục tiêu cần xem xét lại vì thực tế chỉ còn khoảng 3 năm cho việc thực hiện những kế hoạch này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu Chính phủ, trong đó có Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng BCĐ quốc gia về CNTT quyết tâm hơn nữa, thì những rào cản trên có thể tháo gỡ, tạo điều kiện cho CNTT phát triển. Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá cho rằng: Tất cả những người đứng đầu phải vào cuộc và có trách nhiệm thực hiện. Chỉ khi phá bỏ được rào cản con người và chính sách, VN mới có hy vọng tạo ra sự đột phá.
Theo Lao động |