Thứ sáu, 26/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 15/06/2007
Diễn đàn: Hướng tới chính phủ điện tử

BBT: Xây dựng chính phủ điện tử như thế nào cho hiệu quả, tránh lãng phí trong điều kiện đặc thù của Việt Nam là câu hỏi không dễ trả lời. Vì thế, TGVT - PCW B mở diễn đàn “Hướng tới chính phủ điện tử” nhằm góp phần tìm ra những lời giải đáp phù hợp. Trân trọng kính mời các nhà quản lý, các chuyên gia hành chính, chuyên gia CNTT và bạn đọc cùng tham gia ý kiến

THÔNG TIN CHUNG

Đang ở giai đoạn 1

Nhiều nước trên thế giới đang sử dụng mô hình chính phủ điện tử (CPĐT) 4 bước: 1/Đưa thông tin lên các trang tin điện tử. 2/Mở rộng khả năng cho người dân truy cập thông tin trực tuyến, tiếp xúc với các cơ quan CP bằng thư điện tử và các phương tiện giao dịch điện tử khác. 3/Trao đổi hai chiều và giao dịch trên mạng 24/24 và 7/7 ngày trong tuần thông qua các ứng dụng tự phục vụ. 4/Các dịch vụ trực tuyến được tích hợp mạnh mẽ ở một cổng dịch vụ, phát huy tối đa cơ chế một cửa, tạo nên hiệu quả trong giao dịch giữa CP và người dân, doanh nghiệp.

CPĐT của Việt Nam (VN) hiện mới ở bước một là đưa thông tin. Hầu hết các bộ, ngành, tỉnh/thành đã có trang tin điện tử (61/64 tỉnh; 23/26 bộ; 23% số cơ quan cấp sở có trang tin điện tử). Hầu hết các trang tin này đang ở giai đoạn cung cấp thông tin chung về đơn vị. Một số cung cấp thông tin về dịch vụ hành chính công, các mẫu đơn cho người dân tải xuống, in ra và điền thủ công.

Về hạ tầng, hầu hết các cơ quan chính quyền cấp tỉnh đã có mạng LAN, trên 80% có phần mềm phục vụ các hoạt động tác nghiệp của các cơ quan (kế toán, quản lý công văn, nhân sự...) và khoảng 50% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng máy tính.

Nhìn chung, nhận thức của lãnh đạo, cán bộ công chức VN về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã nâng cao một bước. Đã đào tạo được đội ngũ cán bộ đông đảo biết sử dụng CNTT; bước đầu hình thành hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang tin điện tử phục vụ công việc chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành.

Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc về sự sẵn sàng CPĐT năm 2005, VN xếp thứ 105, sau rất xa các nước trong khu vực như Thái Lan (46), TQ (57), Malaysia (43), Philippines (41), Indonesia (96).

Cái thiếu của CPĐT ở VN là đến nay chưa có kế hoạch tổng thể ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Môi trường pháp lý chưa hỗ trợ tốt cho việc ứng dụng CNTT (thiếu nhiều văn bản đặc thù cho CNTT). Quá trình CCHC chậm, nhiều thủ tục chưa rõ ràng, chưa sắp xếp hợp lý quy trình để tạo điều kiện đưa CNTT vào. Còn thiếu chuyên gia CNTT có kinh nghiệm làm dự án lớn. Hạ tầng CNTT còn yếu, các CSDL mới bắt đầu khởi động, trong khi các chuẩn kỹ thuật để trợ giúp chia sẻ thông tin lại đặc biệt thiếu...

Phương hướng triển khai Nghị Định 64

Thủ Tướng CP đã chỉ đạo bộ BCVT phải trình chương trình tổng thể về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước (triển khai nghị định 64) vào tháng 6/2007. Hiện chương trình tổng thể này đang trong giai đoạn hoàn thiện, lấy ý kiến các chuyên gia, bộ, ngành.

Dự kiến, chương trình sẽ có thời hạn 3 năm từ 2007-2010, đặt ra các mục tiêu phục vụ hoạt động điều hành của lãnh đạo, cung cấp một số dịch vụ công bức thiết và hoàn thiện hạ tầng mạng dùng riêng cho các cơ quan nhà nước.

Theo dự thảo chương trình, phương thức tổ chức sẽ khác biệt so với những đề án tin học trước đây. Các bộ, ngành, địa phương sẽ chủ động tự xây dựng dự án ứng dụng tin học theo những hướng dẫn và mục tiêu mà chương trình tổng thể đặt ra. Việc đầu tư sẽ có cơ chế đảm bảo đồng bộ (phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu và đào tạo) và đầu tư đủ mức. Thủ Tướng CP sẽ làm trưởng ban chỉ đạo chương trình tổng thể; ở các bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu sẽ làm trưởng ban. Bộ BCVT giữ vai trò giám đốc dự án, phụ trách điều phối chung; ở địa phương, vai trò này thuộc về các sở BCVT; ở các bộ, ngành sẽ do trung tâm hoặc cục tin học phụ trách.

Bộ BCVT nhấn mạnh đến việc phải sớm hoàn thiện các văn bản tạo điều kiện cho ứng dụng CNTT. Cụ thể là cơ chế tài chính, định mức cho các dự án đầu tư CNTT; kiến trúc chuẩn CNTT quốc gia; hạ tầng mã khóa công khai (PKI).

Mạng dùng riêng cho các cơ quan CP cũng là một mục tiêu phải hoàn thành trước tiên. Đây là nội dung đã được đặt ra trong ĐA 112 nhưng do thiếu cơ chế tài chính nên không hoàn thành được. Dự kiến, mạng này kết nối xuyên suốt từ trung ương tới các tỉnh, thành, đến tất cả các huyện trong toàn quốc và cho phép nối với các mạng của cơ quan đảng.

KHÔNG THỂ MỖI NGƯỜI MỖI CÁCH

Thưa ông, sau khi ngừng ĐA 112, việc xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) nên tiếp tục theo hướng nào?

Ông Nguyễn Ái Việt, phó chánh văn phòng Ban Chỉ Đạo Quốc Gia (BCĐQG) về CNTT đã trao đổi với TGVT - PCW B về việc ứng dụng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương

 

Tôi cho rằng có 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất là xây dựng nền tảng, gồm kiến trúc, hạ tầng, cơ sở dữ liệu quốc gia, nguồn lực..., trong đó kiến trúc CNTT quốc gia đặc biệt quan trọng. Giống như xây một ngôi nhà cao tầng không thể mạnh tầng nào xây tầng đó. Nhà Nước phải xây dựng, kiểm soát việc tuân thủ kiến trúc và giao cho cơ quan chuyên nghiệp, vì cơ chế hội đồng không thể làm được. Thứ hai, trong giai đoạn 2008-2010 nên tập trung tạo ra một số ứng dụng có hiệu quả xã hội nhìn thấy được ngay, nhất là tác động vào nhận thức của cán bộ lãnh đạo. Đồng thời, phải ra được một số dịch vụ công để phục vụ nhân dân. Dịch vụ công trong giai đoạn này chưa cần thật hiện đại, chưa cần kết nối với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, nhưng sẽ được nâng cao rồi xây dựng các CSDL nối vào.

Nói cách khác, cần tạo ra được thành quả cho lãnh đạo và nhân dân nhìn thấy và ủng hộ, như hệ điều hành của Thủ Tướng, các dịch vụ công như hải quan, thuế, thẻ thông minh...

     

"Bài học chính của giai đoạn vừa qua theo tôi là không có quy hoạch trước. Thứ 2 là không có cơ chế tài chính. Thứ 3 là sự chỉ đạo và quyết tâm chính trị. Quyết tâm cần thể hiện bằng hành động, không phải là nói nhiều".

   

Thứ ba, cần tạo điều kiện cho người dân sử dụng phương tiện CNTT vì CPĐT để phục vụ nhân dân chứ không chỉ là giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Tin học hóa (THH) cộng đồng do đó là điều kiện tiên quyết của CPĐT, đặc biệt là cộng đồng nông thôn. Trong THH cộng đồng cần chú ý nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sử dụng CNTT, khác với đào tạo chuyên gia của bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Bên cạnh đó, cần cung cấp các dịch vụ để người dân làm quen với CNTT. Đó có thể chỉ là những dịch vụ công cộng như lấy thông tin, danh mục các loại thuốc, phát triển ngành nghề, học tập từ xa... Khi người dân sử dụng CNTT quen, thấy lợi ích thiết thực, họ mới dễ dàng và sẵn sàng sử dụng dịch vụ hành chính công.

Ba yếu tố trên phải xoay quanh việc tạo ra thông tin, chứ không phải là vấn đề kỹ thuật. Có người cho rằng mô hình chỉ đạo điều hành của Thủ Tướng có hai khâu: chỉ đạo xử lý công văn giấy tờ và chỉ đạo các cuộc họp; theo đó cần trang bị hệ thống e-mail, hệ thống số hóa và lưu trữ công văn giấy tờ để thủ tướng xử lý và điều hành... Tôi nghĩ chỉ có hội họp và xử lý công văn giấy tờ thì không phải hệ phục vụ thủ tướng mà là phục vụ văn thư và hậu cần. Thủ Tướng cần thông tin chứ không phải xử lý, lưu trữ văn bản. Từ đống công văn giấy tờ đó phải trích ra được thông tin để đưa lên Thủ Tướng. Muốn vậy, công văn giấy tờ đó phải được định chuẩn để phần mềm "cô" được thông tin cần thiết cho Thủ tướng.

Một trong những vấn đề của CPĐT là sự kết nối thông suốt các hệ thống thông tin. Theo ông, làm thế nào để giải quyết vấn đề đó?

Về lâu dài, phải xây dựng được kiến trúc, trên nền kiến trúc đó đưa ra các mô hình tham chiếu. Ví dụ, một cơ quan muốn THH thì phải xây dựng mô hình tham chiếu cho mình dựa trên kiến trúc quốc gia. Các cơ quan trực thuộc hoặc có chức năng tương tự phải dựa vào mô hình tham chiếu đó và dựa trên đặc thù của cơ quan mình để điều chỉnh. Mặc dù có tỉnh lớn, tỉnh nhỏ, nhưng các tỉnh hầu hết là giống nhau, có thể chia thành mô hình tham chiếu của thành phố lớn, tỉnh trung bình, tỉnh nhỏ. Nếu dựa trên kiến trúc, hệ thống chuẩn, mô hình tham chiếu thì sẽ xây dựng được một hệ thống thống nhất. Đáng lẽ những việc này phải được làm từ cách đây 3-4 năm. Hi vọng trong 3 năm tới sẽ xây dựng được.

Liệu sẽ có tình trạng “mỗi người một phách” không, thưa ông, vì kiến trúc và hệ thống chuẩn chưa thể có ngay, trong khi các nơi vẫn phải tự xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT (theo nghị định 64/2007/NĐ-CP)?

Hiện nay, tôi phụ trách trung tâm Hỗ Trợ Kiến Trúc và Phát Triển Hạ Tầng CPĐT (EGAID), có chức năng giúp các bộ ngành và địa phương về các vấn đề này. Tôi cũng đã được bộ BCVT cử tham gia một nhóm chuyên gia của UNDP đúc kết kinh nghiệm xây dựng CPĐT của 25 nước để làm ra một khung tương hợp (Interprobability Framework) áp dụng trước cho 3 nước Việt Nam, Philippines và Ấn Độ, khoảng tháng 9 tới sẽ hoàn thành. Dựa vào đó, chúng ta có thể dựng khung CPĐT cho Việt Nam. Theo hình dung riêng của tôi, đến cuối 2007, bộ BCVT có thể sẽ dựng xong bộ khung này. Tất nhiên đó chưa phải là kiến trúc. Khung tương hợp chỉ thay cho kiến trúc trong giai đoạn rất gấp. Năm 2008, các bộ, ngành, địa phương nên dựa vào đó xây dựng kế hoạch khung. Ngoài ra, trong thời gian chờ có kiến trúc, các bộ, ngành, địa phương có thể làm những dịch vụ giản đơn, sau nối vào kiến trúc. Chưa nên làm ngay những gì mang tính chất cơ bản.

Nghị định 64 yêu cầu Bộ BCVT xây dựng kiến trúc CNTT quốc gia, nhưng không đề cập đến chế tài buộc các địa phương, tỉnh, thành phải làm theo. Như vậy các bộ, các địa phương có thể không tuân theo kiến trúc do bộ BCVT xây dựng?

Đúng là trong nghị định 64 chỉ có khuyến cáo chứ không bắt buộc. Do đó rất cần Nhà Nước có chính sách yêu cầu các địa phương, bộ, ngành phải tuân thủ kiến trúc chuẩn. Trong kiến trúc cũng phải vạch rõ chỗ nào tự do, chỗ nào bắt buộc để đảm bảo tính hệ thống và khả năng tương hợp. Nhà Nước chỉ nên lo những việc như xây dựng kiến trúc, hạ tầng, hệ thống chuẩn... Còn cụ thể làm như thế nào thì nên để các bộ, ngành, địa phương tự quyết định.

Trong thời gian vừa qua, nhiều đề án, dự án về CNTT chậm triển khai hoặc không đạt mục tiêu. Có ý kiến cho rằng do thiếu sự điều phối của BCĐQG về CNTT. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Đúng là thời gian qua, sự điều phối của BCĐQG về CNTT chưa mạnh. Đó cũng là sự phân vân giữa cơ chế tập trung hoặc cơ chế phân tán, mà chúng ta đã thấy là đều có hạn chế. Cơ quan quản lý về CNTT là bộ BCVT cũng còn đang mải xây dựng các văn bản pháp quy.

BCĐQG trong giai đoạn vừa qua chỉ thỉnh thoảng đưa ra vấn đề, gợi ý, kết luận, còn lại để các bộ, ngành tự làm. Cách chỉ đạo đó không dựa trên phương thức chuyên nghiệp. Văn phòng (của BCĐQG) cũng không phải là đơn vị chuyên nghiệp, chỉ là đơn vị tổng hợp. Tóm lại, các đơn vị chuyên nghiệp hoặc chưa có hoặc chưa đề xuất được những biện pháp kịp thời cho BCĐQG, trong khi tình hình phát triển hiện nay đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao. Điều này có lý do lịch sử.

Có người cho rằng không nên xây dựng CPĐT chỉ có hành pháp, mà phải làm “nhà nước điện tử” bao gồm cả các tổ chức chính trị như Đảng, Quốc Hội. Ý kiến của ông thế nào?

Tôi không nghĩ như vậy. BCĐ thực hiện Đề Án 47 là BCĐ CNTT của các cơ quan Đảng chứ không phải của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, và ngân sách cũng từ bộ Kế Hoạch và Đầu Tư (KHĐT). Đã như vậy, thì việc ứng dụng CNTT cũng phải nằm trong sự chỉ đạo thống nhất của BCĐQG về CNTT. Ở các nước, CPĐT bao gồm cả quốc hội điện tử, thậm chí tòa án, viện kiểm sát... Chúng ta không nên “phát minh” ra những từ mới, khái niệm mới. Nếu quan niệm chương trình THH của quốc hội (QH) là chương trình của các cơ quan dân cử, thì nó phải nằm trong chương trình của quốc gia. Ngân sách của quốc hội lấy từ đâu? Cũng là từ bộ KHĐT. Ngân sách quốc gia là dành cho CP làm. QH không có chức năng làm CNTT. Không nên lẫn lộn giữa quyền lực và chuyên môn. Các đại biểu QH ốm chẳng lẽ không do các bác sĩ thuộc sự quản lý của bộ Y Tế chăm sóc?

Xin cảm ơn ông.

 

Gạn đục, khơi trong
Nên tiếp thu những hướng dẫn, quy định về cách tiến hành thực hiện ĐA 112. Trong giai đoạn trước, các quy định của Nhà Nước về CNTT còn thiếu nhiều nên khi triển khai rất “vướng”. Vì vậy, ban điều hành ĐA 112 phải “sáng chế” ra một loạt quy định, quy trình và nhờ các cơ quan khác phê duyệt. Trong số đó có những cái “thoát”, có những cái “vấp”. Có thể căn cứ vào những quy định đó để nói rằng họ chưa đúng, nhưng cách thông minh nhất là tiếp thu “di sản” đó. Nên để một cơ quan chức năng danh chính ngôn thuận xem lại cái gì dùng được, cái gì không. Tôi nghĩ đa số là dùng được vì họ đã lăn lộn với thực tế, đã va vấp nhiều. Bên cạnh đó, một số tài liệu về kỹ thuật, cách xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu cũng nên kế thừa. Các phần mềm dùng chung thì nên giao lại (cả mã nguồn) cho các đơn vị chuyên nghiệp nào đó xem xét, nâng cấp, sửa đổi (nếu cần) để phát không cho các cơ quan nhà nước. Nếu các cơ quan đó dùng thì sẽ tiết kiệm đầu tư, nếu không dùng thì phải có lý do. Các chương trình đào tạo, giáo trình của ĐA 112 cũng cần được tận dụng, vì biên soạn lại cũng rất tốn kém tiền của, công sức... Ban điều hành đề án mới phải gạn đục khơi trong để cái gì dùng được thì dùng ở mức tối đa, tránh lãng phí.
TS Nguyễn Ái Việt

Ý KIẾN CHUYÊN GIA

Nội bộ chưa thông thì chưa làm được

Dịch vụ công chỉ có được nếu nội bộ các cơ quan chính quyền thông được với nhau. Hiện chúng ta chưa liên thông nội bộ, có khi chỉ cách nhau vài bước cũng phải dùng công văn. Ngành nào viết chương trình của ngành ấy, không có liên kết ngang. Thậm chí ngay trong cùng ngành cũng không khai thác được dữ liệu nội bộ của nhau. Khó khăn chính là ở cơ chế.

 

TS Nguyễn Chí Công

Ở nước ngoài, khi viết một đề án (ĐA), dự án bao giờ cũng có khảo sát xem trước đó người ta đã làm gì. Chúng ta không có công đoạn đó, dẫn đến nhiều ĐA nội dung gần như giống hệt nhau. Hiện nay, các ĐA về CNTT đều không có cơ chế phù hợp để giải ngân. Dùng văn bản của ngành xây dựng cho các dự án CNTT là mang trí tuệ so với vôi cát, vì đặc trưng của CNTT rất khác.

Muốn THH hành chính phải có mô hình. Mô hình dễ thấy nhất là “một cửa” (one door). Ở phương Tây, sau 10 năm theo mô hình “one door”, họ nhận thấy những điểm không phù hợp (bởi mỗi cơ quan công quyền có “một cửa” thì người dân vẫn phải đi nhiều cửa) và chuyển sang mô hình “one stop”. Trong mô hình này, người dân chỉ việc đến một nơi để đưa yêu cầu, sau đó là việc của chính quyền. Nội bộ chính quyền (gồm nhiều cơ quan khác nhau) phải thông suốt, phải thoả thuận được luồng công việc (work flow), định nghĩa được quy trình và thời hạn giải quyết. Như thế người dân không phải chạy chỗ nọ chỗ kia.

Tóm lại, cần có mô hình hành chính (trong đó định nghĩa tương quan giữa các cơ quan, công dân, doanh nghiệp) rồi mới xây dựng được phần mềm (PM), hệ thống thông tin. Tôi cho rằng không có PM dùng chung mà chỉ có dữ liệu dùng chung, vì công việc của các cơ quan, rất khác nhau. Cần làm sao khi dữ liệu của ngành A chuyển sang cho ngành B thì máy tính của ngành B vẫn đọc được.

Nhà Nước cần công bố mục tiêu thật rõ ràng và phải định lượng. Nếu “ra đề” được thì sau đó là việc của các công ty. Quá trình thực hiện cần có độc lập tư vấn, độc lập thi công, độc lập giám sát. Khi phân công các vị trí chủ chốt của một ĐA, phải nói rõ người đó có quyền hành gì, trách nhiệm như thế nào, không thể làm theo lối kiêm nhiệm. Nhân sự phải ổn định, nếu có thay đổi thì thay ngay bằng người khác phù hợp. Tất cả những cán bộ tham gia chỉ đạo, điều hành ĐA và các lãnh đạo của nhà nước, kể cả từ cấp cao nhất, đều cần được tham dự các khóa học về CPĐT.

NÊN THU NHỎ MỤC TIÊU

TS Mai Anh, ủy viên Ủy Ban Khoa Học – Công Nghệ và Môi Trường Quốc Hội

 

Tới đây, sau ĐA 112 có thể là dự án CPĐT hay có thể là “nhà nước điện tử” (do đặc thù). Cái tên không quan trọng. Quan trọng là nội bộ cơ quan nhà nước phải được THH vừa đủ để phục vụ nhân dân, tránh đầu tư quá mức dẫn đến lãng phí. Mục tiêu nên thu nhỏ, bước đầu là công bố công văn, tài liệu, giấy tờ; xây dựng vài mô hình giao dịch công dân - chính quyền. Mục tiêu phải chỉ rõ những dịch vụ công nào được cung cấp, có tiêu chí đánh giá, lộ trình thật rõ ràng.

Để làm được những việc đó, phải xác định được những việc liên ngành (nhiều bộ cùng làm). Đầu tiên là phải có chuẩn thông tin trong giao dịch điện tử, nếu không có chuẩn thì không chia sẻ thông tin được. Thứ 2 là xây dựng định mức chi tiêu cho các dự án CNTT. Thứ 3 là tiến tới xây dựng hệ thống CSDL liên ngành đồng bộ để người dân có thể đi một cửa thực sự. Thứ 4 là xây dựng các hệ thống thông tin nghiệp vụ quốc gia phục vụ hoạt động điều hành.


NHÌNH LẠI ĐỂ hìn lại để đi đúng đường
Ông Nguyễn Minh Quang, phó giám đốc sở BCVT tỉnh Bình Phước

Trước khi đi tiếp trên con đường dẫn tới CPĐT, chúng ta cần dành thời gian để xem những hòn đá chúng ta vấp phải trước đây. Với quan điểm cá nhân, tôi xin mạo muội đưa ra 4 điểm như sau :

1. Khai thông những con suối nhỏ để dẫn về biển lớn: Trong giai đoạn trước, việc xây dựng các trung tâm tích hợp dữ liệu thật qui mô trong khi các mạng LAN của các đơn vị và PM ứng dụng vẫn chưa thực sự hoạt động, các kết nối liên mạng vẫn chưa thông, cho thấy thiết kế hệ thống chưa phù hợp. Đó là kiểu xây đập nhưng quên mất rằng các con suối vẫn chưa có nước, hoặc đã có rồi thì nó chảy về đâu đó chứ không về đập. Từ góc nhìn này, cần thấy rằng ứng dụng CNTT phải đi từ cơ sở (đơn vị) theo một tiêu chuẩn nghiêm ngặt và một lộ trình xác định. Từ đó, phân bổ nguồn lực hợp lý, đảm bảo mục tiêu các con suối có thể hợp lại với nhau và cùng chảy về biển lớn.

2. Đảm bảo tính đồng bộ: Ứng dụng CNTT đòi hỏi từ nguồn nhân lực, phần cứng, PM, cơ sở dữ liệu đến hạ tầng mạng phải hoạt động đồng bộ. Nếu một trong các yếu tố trên không theo kịp, không bắt nhịp được với nhau sẽ dẫn đến hiệu quả rất thấp, có khi dẫn đến đổ vỡ. Khi triển khai ứng dụng CNTT trên diện rộng, tính đồng bộ rất dễ bị phá vỡ, dẫn đến tính khả thi không cao, xác suất rủi ro lớn. Do đó cần phân định rõ những nhóm cơ quan có những nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với nhau và cùng độ ưu tiên công việc để giải quyết bài toán đồng bộ ứng dụng.

3. Cần có tiêu chuẩn thống nhất để đảm bảo các ứng dụng có thể “bắt tay” dễ dàng với nhau, có thể trao đổi thông tin giữa các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị với nhau. Để làm được điều này cần phải huy động rất nhiều chuyên gia CNTT từ nhiều ngành khác nhau để xây dựng thành bộ tiêu chuẩn chung. Việc xếp thứ tự ưu tiên của ngành, lĩnh vực là rất quan trọng. Do đó, cần xác định một lộ trình ứng dụng CNTT quốc gia rõ ràng.

4. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành dự án ứng dụng CNTT ở các cấp: Điều này xuất phát từ thực trạng qui hoạch ngành hiện nay thường dẫn đến qui hoạch “treo”. Cần nhận thức rõ các dự án ứng dụng CNTT là những dự án đầu tư phát triển chứ không phải là một tờ trình xin trang bị máy tính.


TRÁNH TẠO RA NHỮNG “CHÍNH PHỦ CON”

Trước khi thực hiện nghị định 64 (NĐ 64), phải tính xem tiếp quản được gì từ ĐA 112. NĐ 64 rất rộng. Vì vậy, việc đầu tiên là phải xác định được phạm vi của đề án. CNTT - truyền thông phải là công cụ cho cải cách hành chính, là cơ hội để cải tổ toàn bộ hoạt động của chính quyền TW và địa phương. Vì thế chương trình triển khai NĐ 64 phải do Thủ Tướng chủ trì. Điều này phải được xác định bằng văn bản. Tôi đã nghiên cứu các ĐA CNTT từ nhiều năm nay, ĐA nào người đứng đầu không phải là người chủ trì thì đều thất bại. Đây là quyết định chính trị, không cần người đứng đầu phải am hiểu về CNTT, vì đó là việc của người tham mưu.

 

TS Nguyễn Quang A

Nhiều việc có thể phân cho địa phương và các bộ làm, song hệ thống phải đảm bảo tính nhất quán về cấu trúc, về chuẩn, về các biểu mẫu, về giao tiếp. Nếu để cho 64 tỉnh làm theo kiểu 64 “vương quốc con”, mấy chục bộ làm theo kiểu “các CP con” thì sẽ tai hại vô cùng, và chắc chắn thất bại. NĐ 64 không chủ trương như thế. Tính thống nhất của hệ thống phải được bảo toàn. Việc dùng công nghệ nào, thiết bị nào, máy nào không phải là vấn đề quan trọng, các hệ thống con phải giao tiếp được với nhau, tính nhất quán của dữ liệu mới là quan trọng. Toàn bộ dự án phải được quản lý tập trung, việc triển khai có thể được tiến hành song song hay từng bước, tập trung hay phân tán và có thể phân nhiều việc cho địa phương.

Chủ tịch các tỉnh và thành phố, bộ trưởng các bộ phải là thành viên của ban chủ nhiệm dự án (DA) do Thủ Tướng đứng đầu. Giúp việc cho ban chủ nhiệm là ban điều hành dự án, chủ yếu gồm các chuyên gia (từ bên ngoài, từ các bộ, các địa phương điều lên, trong đó có chuyên gia tin học nhưng chỉ nên chiếm số ít). Những người này phải am hiểu về quản lý dự án, họ không có quyền quyết định như ban chủ nhiệm. Tất cả các ban này chỉ tồn tại trong thời gian của DA. Ban điều hành DA phải làm việc toàn thời gian, không kiêm nhiệm, họ phải tiến hành DA một cách chuyên nghiệp, và phải có kế hoạch tài chính chi tiết, kể cả kinh phí để cho ban điều hành hoạt động. Bộ BCVT có thể đóng vai trò là giám đốc dự án. Cốt lõi nhất của DA CPĐT vẫn là cải cách hành chính (CCHC) và tin học chỉ là công cụ.

Theo Pcworld

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0