Tìm khe hở thị trường
Ông Nguyễn Trọng Đường, vụ Công Nghiệp CNTT, bộ BCVT, cho biết: “Doanh số năm 2006 ngành công
nghiệp phần mềm Việt Nam là 350 triệu USD, trong đó thị trường trong nước 240 triệu, gia công xuất khẩu 110 triệu. Tăng trưởng ngành năm 2006 đạt 41%, trong đó doanh thu gia công xuất khẩu tăng 57%. Hiện có khoảng 150 doanh nghiệp hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm, với quy mô trung bình khoảng 100-150 lao động. Đặc biệt có doanh nghiệp đã đạt hoặc vượt ngưỡng 1.000 lao động. Quan điểm của vụ công nghiệp CNTT trong giai đoạn tới là tập trung vào gia công phần mềm và dịch vụ”.
“Biển lớn, cá nhiều” là ví von của một đại biểu về thị trường gia công phần mềm thế giới. Nhưng để ra biển lớn, doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết, tạo các nhóm doanh nghiệp cùng lĩnh vực mới hy vọng chia sẻ được những hợp đồng lớn. “Tạo môi trường cho doanh nghiệp kết nối được với nhau là việc mà cơ quan nhà nước cần tiến hành”, ông Hoàng Lê Minh, phó giám đốc sở BCVT TP.HCM cho biết. "Bên cạnh đó doanh nghiệp cần chủ động liên kết", ông Nguyễn Trọng Đường góp ý thêm.
“Đừng chạy theo dịch vụ giá rẻ, các bạn sẽ không cạnh tranh được với Trung Quốc”; “Hãy tìm những khe hở của thị trường với năng lực chuyên biệt. Khi đó giá cả không còn là vấn đề hàng đầu”; “Đừng quên phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đó là lực lượng có chất sáng tạo cao và thích nghi nhanh. Doanh nghiệp đã phát triển hãy tìm cách phối hợp với họ”; "Nhà nước cần lập quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào các công ty phần mềm"; “Hãy để thế giới nghĩ đến một thị trường sáng tạo chứ không phải là thị trường giá rẻ khi đến Việt Nam”... Đây là những góp ý chân tình của nhiều đại diện các doanh nghiệp/tổ chức nước ngoài có mặt tại hội thảo, về cách thức “định vị” Việt Nam trên bản đồ gia công xuất khẩu phần mềm thế giới.
Một trường hợp tìm được khe hở thị trường có thể kể đến là công ty NCS. Công ty sớm tham gia vào dịch vụ BPO (gia công quy trình kinh doanh). “BPO là hoạt động chuyển giao một phần công việc lặp lại trong quá trình kinh doanh của 1 tổ chức cho các nhà cung cấp bên ngoài, nhằm mục đích giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Đào Xuân Ánh, giám đốc điều hành NCS giải thích. Hiện NCS chuyên nhập liệu cho khách hàng Nhật. Các dự án hiện tại là nhập dữ liệu bản đồ ứng dụng trong hệ thống dẫn đường trên ôtô và chỉnh sửa, số hóa ảnh viễn thám.
Các doanh nghiệp “trụ” được lâu dài trên thị trường gia công xuất khẩu phần mềm như TMA, FCG, công ty Sáng Tạo... cung cấp những kinh nghiệm sau: mời các chuyên gia Việt kiều nhiều kinh nghiệm cùng cộng tác; làm thật tốt và tạo ấn tượng từ hợp đồng đầu tiên; tập trung vào thị trường Nhật từ đầu và chú trọng đào tạo tiếng Nhật...
“Nhân lực”, “nhân lực”...
Hội thảo “Gia công xuất khẩu phần mềm” do bộ BCVT và UBND TP.HCM phối hợp tổ chức. Hoạt động này hướng đến việc tìm giải pháp để đạt chỉ tiêu mà Thủ Tướng Chính Phủ đặt ra cho ngành công nghiệp phần mềm theo Quyết Định 51 (ngày 12/4/2007): tổng doanh thu phần mềm và dịch vụ phần mềm đạt trên 800 triệu USD vào năm 2010, trong đó tỷ lệ xuất khẩu ít nhất 40%.
Bộ trưởng bộ BCVT Đỗ Trung Tá phát biểu khai mạc hội thảo: “Việt Nam đã được xếp vào hàng 20 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm. Trong khi đó, thế giới đang có trào lưu chuyển hướng gia công phần mềm sang các nước khác. Nhiều khách hàng đặt gia công PM tại Ấn Độ, Israel... cũng đang muốn tìm thêm đối tác mới để giảm chi phí. Đây chính là thời cơ để Việt Nam tăng tốc trong lĩnh vực gia công xuất khẩu PM”.
|
Yêu cầu tăng cường, đổi mới cách thức đào tạo nhân lực ngành phần mềm, vốn thường xuyên được đặt ra, lại tiếp tục được nhiều đại biểu nhắc đến.
TS Lê Trường Tùng, chủ tịch hội Tin Học TP.HCM, nhận xét: “Việt Nam đang đào tạo nhiều “bác học” nhưng lại không biết áp dụng kiến thức vào thực tế, trong khi người làm việc thực sự vẫn thiếu”.
Lỗ hổng kỹ năng tiếng Anh của nhân lực phần mềm Việt Nam là một cản trở rất lớn. Các đại diện của Nortel Vietnam, GHP Far East... đều nhắc đến việc phải đào tạo lại nhân sự từ những việc rất nhỏ, như yêu cầu nhân viên phải nói “no” (không) thay vì “yes” (vâng) khi không hiểu khách hàng. Phát âm không rõ khi nói tiếng Anh cũng là một nhược điểm người Việt thường mắc phải.
Về giải pháp, ông Lê Trường Tùng mong muốn có thêm nhiều đại học do doanh nghiệp làm chủ. Ông Nguyễn Tấn Công, hiệp hội Doanh Nghiệp Phần Mềm Việt Nam (Vinasa) cho biết Vinasa sẽ xin phép lập ĐH. Vinasa còn đặt ra tầm nhìn (tuy nhiều đại biểu cho rằng tầm nhìn này là “không tưởng”): phấn đấu để Việt Nam thành trung tâm cung cấp nhân lực của thế giới. Vinasa khuyến nghị Nhà Nước nhanh chóng thành lập cơ quan đặc trách về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT.
Bộ BCVT sẽ tổng hợp, đánh giá các ý kiến từ hội thảo và từ đó có đề xuất thích hợp với Chính Phủ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm
Theo Pcworld