Vào năm 2005, một phụ nữ được biết đến với biệt danh "Dog Poop Girl" đã trở thành nạn nhân của trò tấn công hội đồng trên mạng. Số là cô này đã từ chối dọn sạch phân chó sau khi con cún cưng của mình lỡ "bậy" trên một xe điện ngầm tại Hàn Quốc. Một hành khách đi chung đã chụp hình người này và đăng lên internet. Cô gái nhanh chóng bị nhận diện và mọi chi tiết về đời tư của cô đã bị đăng toàn bộ lên mạng. Thế là cô trở thành đề tài đàm tiếu và bị cư dân mạng hạ nhục.
Thậm chí có người còn gửi thư dọa giết cô. Đây chính là trường hợp tiêu biểu cho "lynch mobbing", chỉ hiện tượng một nhóm người tập hợp lại thông qua các công cụ thời hiện đại như website, thư điện tử, tin nhắn... và tham gia vào các trò tấn công trên mạng. Theo Hãng tin CNN, tình trạng trên phổ biến nhất tại các nước Đông Á, nơi mà các quy tắc xã hội được quy định hết sức khắt khe. Ai dám vi phạm những quy tắc này sẽ trở thành đích nhắm cho những người khác.
Bên cạnh trường hợp của Dog Poop Girl, những kẻ "thay trời hành đạo" qua internet đã tích cực truy đuổi các nạn nhân khác. Chỉ mất đúng 5 ngày để họ tìm ra tung tích của "Stiletto Kitten Killer", biệt danh của một phụ nữ Trung Quốc đã dùng giày gót nhọn đạp nát đầu của một con mèo. Cả thủ phạm và người đàn ông quay phim đã bị bộc lộ danh tính trên mạng cùng với áp-phích truy nã họ (tất nhiên là trên mạng). Kết quả là họ mất việc làm và phải công khai xin lỗi, một hình phạt quá nặng tại một quốc gia không hề có luật bảo vệ thú vật.
Có một trường hợp cư dân mạng Trung Quốc đã tổ chức chiến dịch săn lùng qua mạng đối với một người nước ngoài. Tay này đã lọt vào tầm nhắm sau khi hả hê tung lên mạng chi tiết các cuộc tình với hàng loạt cô gái Trung Quốc nhẹ dạ. Cư dân mạng nước này vô cùng giận dữ và một giáo sư thuộc khoa Tâm lý học tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải đã kêu gọi hãy truy tìm, tống cổ gã trăng hoa trên ra khỏi Trung Quốc. Trong trường hợp khác, một ông chồng Trung Quốc nghi ngờ vợ mình đang dan díu với một sinh viên đại học (gặp qua game online) và yêu cầu cư dân mạng giúp truy lùng "gian phu dâm phụ". Theo Hãng tin AP, trong nhiều ngày, sinh viên đó đã bị tấn công dồn dập bằng các e-mail với lời lẽ đe dọa.
Các hành động "khủng bố" trên có thể khởi nguồn từ một hành động vi phạm đạo đức có thể hiểu được, nhưng một số người lo ngại những hành động quá khích đã đi quá xa. Họ không đơn giản chỉ ngừng ở hành động khiển trách mà còn khiến đối phương nhục nhã trước hàng ngàn cặp mắt nơi công cộng. Thông tin đời tư của nạn nhân bị rêu rao lên mạng khiến đối tượng đứng trước nguy cơ bị ăn cắp và làm giả nhân dạng.
Nạn nhân và gia đình của họ bị nhiều phiền phức. Oh Sang Kyoon, thuộc Bộ Thông tin và Viễn thông Hàn Quốc, nhận xét rằng các nạn nhân không thể tiếp tục một cuộc sống bình thường. Họ phải bỏ việc, tránh xa cộng đồng xã hội và thậm chí bỏ chạy ra nước ngoài. Nỗ lực pháp lý không giải quyết được chuyện gì vì thông tin bị bôi bẩn đã lan truyền khắp mạng internet như bệnh dịch hạch. Tình cảnh này giống như những vụ hành hình lynch (chỉ các vụ bọn phân biệt chủng tộc Mỹ tấn công người da đen), nạn nhân bị một "tòa án nhân dân" trên mạng phán xét.
Một khía cạnh đáng lo ngại nhất đối với trò tấn công trên mạng là chỉ trong một thời gian ngắn người ta có thể điều động nhiều nhóm cư dân mạng để tấn công một kẻ vi phạm đạo đức nào đó mà không cần phải có chứng cứ xác thực nào. Trên internet, đám đông đóng vai trò của cả quan tòa và bồi thẩm đoàn. Jason, một blogger Mỹ, cho rằng việc nhiều người cùng lên tiếng về một chuyện gì đó sẽ gây tác động mạnh đến giới chức có thẩm quyền và giúp mang vụ việc ra ánh sáng.
Tuy nhiên, liệu việc xét xử qua mạng như trên có thể được xem là một lựa chọn cho bất cứ xã hội nào hay không? Một số người cho rằng "hành hình" trên mạng chỉ biến những kẻ vi phạm trở thành nạn nhân. Nếu có ai đó nghĩ rằng internet là một nơi lý tưởng để diễn đạt tự do thì nên khôn ngoan để thấy rằng: có thể nói bất cứ chuyện gì bạn thích, nhưng hãy nhớ rằng "tòa án nhân dân mạng" đang theo dõi bạn đấy.
Theo Thanh niên