Thứ sáu, 02/08/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 12/06/2007
Thách thức với bản quyền phần mềm và giải pháp của Việt Nam?

“Việt Nam và Zimbabwe là 2 quốc gia đứng đầu bảng vi phạm bản quyền phần mềm với tỷ lệ là 90% (tỉ lệ vi phạm chung toàn thế giới 35-40%), Indonesia đứng thứ nhì với 87%, Trung Quốc và Pakistan đồng hạng 3 với 86%, giá trị thiệt hại tài chính khoảng 38 triệu USD.”.

Chi phí phần mềm văn phòng đang là gánh nặng “oằn lưng”

Đến thời điểm này, nạn sao chép phần mềm là vấn đề mà hầu hết các quốc gia trên thế giới gặp phải, đặc biệt các quốc gia mới nổi trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Với Việt Nam, nơi mà mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp khiến cho phần mềm trở thành một thứ hàng xa xỉ, thì như một lẽ tất nhiên, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm luôn ở mức rất cao. Theo báo cáo của Liên minh phần mềm thương mại (BSA) và Tập đoàn IDC năm 2005, “Việt Nam và Zimbabwe là 2 quốc gia đứng đầu bảng vi phạm bản quyền phần mềm với tỷ lệ là 90% (tỉ lệ vi phạm chung toàn thế giới 35-40%), Indonesia đứng thứ nhì với 87%, Trung Quốc và Pakistan đồng hạng 3 với 86%, giá trị thiệt hại tài chính khoảng 38 triệu USD.”. Đây chính là một trong những hình ảnh xấu của Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

Giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền nhưng lại không có đủ nguồn kinh phí để mua. Đây quả thật là thách thức lớn với Việt Nam khi CNTT-TT đang phấn đấu để trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội. Ngày nay, không chỉ các cơ quan quản lý mà còn 250.000 doanh nghiệp, trên 20 triệu học sinh, sinh viên và người sử dụng đang tích cực thu hẹp khoảng cách về CNTT phải đối mặt trước thách thức này. Cả nước hiện có gần 5 triệu máy tính đang được sử dụng phải thực thi các cam kết tôn trọng bản quyền. Với giá thành không hề nhỏ, chỉ riêng chi phí cho các bộ ứng dụng văn phòng như Microsoft Office với giá công bố 400-500 USD, cộng đồng sử dụng máy tính  đang đối mặt với chi phí trên 1 tỷ USD. Riêng với một sở tại TP.HCM, với hàng trăm máy tính cho công chức đã cần chi trả hàng tỷ đồng cho bản quyền Microssoft. Nếu tính cho cả TP.HCM thì số tiền sẽ gấp nhiều lần ngân sách thành phố chi cho phát triển ứng dụng CNTT hàng năm. Một doanh nghiệp có 100 máy tính sẽ phải đối đầu với giá chi trả đến 1 tỷ cho bản quyền ứng dụng văn phòng. Chưa kể, lương trung bình một năm của người lao động sẽ phải dành tới 50% để tự trang bị phần mềm văn phòng chưa kể giá trị máy tính.

BQPM quả là cú sốc và là thách thức hội nhập đối với cộng đồng sử dụng máy tính Việt Nam.

 

Có hay không một giải pháp vượt qua thách thức này?

Cần tuân thủ cam kết hội nhập và cũng cần phải có giải pháp vượt qua, đócũng là bản lĩnh của người Việt Nam trong khó khăn. Nhanh chóng chuyển sang ứng dụng Phần mềm nguồn mở (PMNM) sẽ là giải pháp tối ưu theo  xu hướng công nghệ tương lai.

PMNM là phần mềm được phát triển, chia sẻ, hoàn thiện với sự đóng góp của hàng nghìn người, là tài sản trí tuệ của cả cộng đồng trên phạm vi toàn cầu. PMNM cho phép người sử dụng quyền chạy, sao chép, phân phối, nghiên cứu, thay đổi và cải tiến cho phù hợp với nhu cầu mà không cần xin phép hoặc phải trả tiền cho bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào.

PMNM phát triển mạnh mẽ, đang mang đến cho các nước đi sau cơ hội làm chủ công nghệ, phát huy tính sáng tạo và đảm bảo tính mở của hệ thống thông tin. Ngược lại, các “phần mềm thương mại” với giá rất cao từ vài trăm USD cho đến vài ngàn USD với các công nghệ phức tạp hơn. Với PMNM, chi phí cho ứng dụng sản phẩm có thể tiết kiệm từ hàng chục đến hàng ngàn lần. Tiếp cận với PMNM tạo ra cho Việt Nam một thế hệ con người có khả năng nắm chắc được không chỉ phần ứng dụng mà còn làm chủ được hệ thống. Phát triển nguồn mở tạo điều kiện cho đội ngũ kỹ sư Việt Nam tiếp cận được mã nguồn và qua đó họ có thể nắm được bản chất của cả hệ thống thông tin, có thể tự xây dựng hệ thống mới trên sự chia sẻ từ cộng đồng phát triển các công nghệ mới nhất. Đó là điều không thể có được của phần mềm thương mại chỉ sử dụng nguồn đóng dẫn đến độc quyền cố hữu của Microsoft mà cả thế giới đang tách dần sự lệ thuộc. Với các nước đang phát triển như Việt Nam, PMNM chính là giải pháp và là cách giải thoát tối ưu để vượt qua thách thức, tạo cơ hội  phát triển dịch vụ, tạo nền tảng cho phần mềm thuần Việt và định hướng tăng tốc cho công nghiệp phần mềm.

 

Thực thi xã hội hóa PMNM

Thay đổi thói quen tuỳ tiện sao chép phần mềm, phấn đầu dần từng bước giảm tỷ lệ vi phạm BQPM ở Việt Nam đòi hỏi phải được hình thành bằng một ý thức rộng rãi cho toàn xã hội. Chính phủ đã có Chỉ thị số 04/2007/CT-TTg của Thủ tướng về việc tăng cường bảo hộ quyền tác giả với chương trình máy tính. Bộ BC-VT thay mặt chính phủ đã ký với Microsoft thỏa thuận về mua bản quyền phần mềm Microsoft Office sử dụng trong các cơ quan chính phủ. Đó là những bước đi ban đầu nhằm thay đổi nhận thức về bản quyền phần mềm và tạo hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam hội nhập, nhằm củng cố lòng tin của giới đầu tư, củng cố lòng tin của các đối tác nước ngoài về thái độ nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn, bản quyền phần mềm thương mại cũng chỉ có hiệu lực trong 3 năm. Đối tượng sẽ đối mặt với thánh thức bản quyền phần mềm sẽ là doanh nghiệp và cộng đồng người sử dụng khi không nhận được sự bảo hộ từ phía nhà nước. Giải pháp cho họ sẽ là các ứng dụng văn phòng của PMNM. Việc này là nội dung của đề án xã hội hóa PMNM với "Mục tiêu ban đầu là nâng cao nhận thức và tuyên truyền phổ cập cho người dân, cho doanh nghiệp được tiếp xúc với những phần mềm như phần mềm nguồn mở để làm sao tiết kiệm được kinh phí trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư". Đề án sẽ thúc đẩy việc từ bỏ các thói quen dùng “chùa” Microsoft Office sang sử dụng OpenOffice là phần mềm văn phòng nguồn mở tương đương, được tải miễn phí sử dụng. Đến thời điểm này hầu hết các ứng dụng văn phòng đều có sản phẩm PMNM tương đương cạnh tranh với phần mềm thương mại. Việc còn lại là nâng cao nhận thức và  chuyển đổi thói quen sử dụng các phần mềm sao chép  sang PMNM trong khi nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Song, với hơn chục năm quen dùng phần mềm thương mại, xã hội hóa PMNM còn gặp nhiều khó khăn, trước hết về nhận thức, khi nhiều người còn chưa hiểu, chưa biết hết lợi ích của việc sử dụng PMNM và vì thế chưa lưu tâm đến nó. Khó khăn khác đó là nhân lực, khi phải có trình độ nhất định mới sử dụng được PMNM, chưa nói đến việc phát triển nó. Cản trở chủ yếu là các ứng dụng PMNM hiện nay ở Việt Nam còn ít và kém tương thích, ít tài liệu hướng dẫn, ít nguồn hỗ trợ kĩ thuật. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất, lại là vấn đề thói quen của người sử dụng ngại ngần trước cái mới và ít chịu thay đổi.

Giải pháp chính của Xã hội hóa PMNM chính là giải quyết tâm lý ít chịu thay đổi của người sử dụng Việt Nam với sản phẩm nguồn mở thay thế. Điều không thể thiếu trong đề án là các cam kết hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ chuyển đổi và phổ biến tài liệu hướng dẫn sử dụng, đồng thời nâng cao năng lực tư vấn sử dụng PMNM. Trên cơ sở triển khai, sẽ hình thành cộng đồng PMNM Việt Nam đoàn kết vững mạnh, với mục tiêu hỗ trợ cho thị trường dịch vụ sử dụng thành quả do PMNM mang lại. Yếu tố không thể không tính đến là sự thúc đẩy hình thành các cơ sở nghiên cứu phát triển PMNM Việt Nam mà bắt đầu từ hệ thống đào tạo Đại học về CNTT-TT đang trong xu thế phát triển toàn cầu hóa. Chính từ đây phần mềm Việt Nam có cơ hội vàng để cất cánh.

 

Cần xây dựng lộ trình hợp lý

Đến thời điểm này, nhiều cơ quan, doanh nghiệp và người sử dụng tại Việt Nam đã có những bước đi đáng kể trong việc đưa PMNM vào ứng dụng. Đề án 47 (Tin học hóa các cơ quan Đảng), Đề án 112 (Tin học hóa quản lý nhà nước) đều coi ứng dụng PMNM là cấu thành quan trọng. Sở BC-VT TP.HCM hợp tác với Intel hình thành cơ sở OpenLab nhằm triển khai các ứng dụng PMNM, giảm bớt chi tiêu mua sắm phần mềm thương mại. Với ý thức tiết kiệm chi phí, ngân hàng SACOMBANK từ 2005 đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ ứng dụng văn phòng cho gần 2000 PC sang Open Office với chi phí dịch vụ thấp (đã tiết kiệm cho doanh nghiệp tới 800.000 USD).

Nhưng đối với nhà quản lý, việc chuyển đổi sử dụng PMNM tuy mang lại lợi thế về kinh tế nhưng cũng cần lường trước sự khó khăn khi thói quen dùng các sản phẩm thương mại đã tồn tại nhiều năm. Việc đầu tiên chắc chắn là nâng cao nhận thức để tiết kiệm kinh phí dành đầu tư cho các ứng dụng khác quan trọng hơn. Lãnh đạo sẽ là yếu tố quan trọng khi làm gương cho cả một tập thể.

Để chuyển đổi sang PMNM, cần xác định lộ trình và chiến lược sử dụng phần mềm với chuẩn trao đổi dữ liệu quốc tế cùng với sự khuyến khích sử dụng PMNM và tăng cường kiểm soát chi phí mua phần mềm. Riêng động thái này sẽ tiết kiệm 60-80% chi phí mua bản quyền so với việc duy trì sử dụng tuỳ tiện. Ngoài ra, chiến lược phát triển hạ tầng và mua sắm thiết bị theo hướng PMNM sẽ hỗ trợ đắc lực cho chiến lược dùng chung môi trường PMNM đồng nhất và định hướng các giao dịch tựa PMNM với khách hàng.

Quy trình chuyển đổi bao gồm các bước:

- Thống kê, đánh giá lại số lượng máy tính, số lượng phần mềm đã cài đặt, gắn với chức năng từng nhân viên (đánh giá thực trạng và chi phí);

- Xác định yêu cầu dùng phần mềm với mỗi vị trí chức năng của nhân viên (quy hoạch và quản lý sử dụng theo đúng chức năng công việc);

- Tìm và lựa chọn giải pháp PMNM có thể thay thế cho các phần mềm thương mại đang dùng;

- Chuyển đổi sang dùng 100% bằng PMNM ở các máy, các vị trí không cần phần mềm thương mại;

- Tổ chức tìm hiểu, tập huấn về chuyển đổi PMNM (dùng thử từng bộ phận rồi lan tỏa, đồng thời hình thành, tìm kiếm tài liệu, hỗ trợ, tư vấn, cung cấp dịch vụ...);

- Tuyên truyền nâng cao ý thức về chiến lược sử dụng phần mềm có bản quyền (phần mềm thương mại);

- Chỉ mua (duyệt chi) giấy phép sở hữu cho các máy tính ở các vị trí buộc phải duy trì sử dụng phần mềm thương mại.

Với chiến lược và lộ trình như vậy việc chuyển đổi sử dụng sang PMNM đặc biệt hữu hiệu với Open Office, các ứng dụng văn phòng khác và kể cả hệ điều hành. Quan trọng hơn, nhà quản lý sẽ đo đếm được kinh phí tiết kiệm đáng kể khi chuyển đổi sang PMNM và đó là bản chất thành công trong  cơ chế thị trường thời hội nhập.

Nguyễn Long - Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam

 

Bài viết đăng trên tạp chí Nhà Quản lý số 46 (4/2007)

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0