Một số hãng như VisiblePath, OrgNet và Tacit đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc sơ đồ hóa những mối quan hệ cá nhân và kinh doanh như vậy. Điều này hình thành nên một môn nghiên cứu mới là khoa học "phân tích mạng xã hội" (SNA).
Bruce McCabe, chuyên gia công nghệ ở Sydney (Australia), cho biết đến năm 2012, những nguồn dữ liệu này có thể được dùng để phát hiện ra các mối xung đột về lợi ích, pháp lý hay sự sáp nhập giữa các công ty. Do đó, ứng viên cần thận trọng khi thấy mình phải trả lời những câu hỏi phỏng vấn có mối liên quan với những nhân vật hay tổ chức "khó ưa" mà hệ thống phát hiện ra.
Hơn nữa, tiến bộ trong công nghệ sẽ cho phép các cỗ máy tìm kiếm dò được nội dung đa phương tiện chứa thông tin về những buổi thảo luận và đào tạo nghiệp vụ nội bộ. Theo McCabe, kỹ thuật này sẽ tới tay các tổ chức lớn vào năm 2017. "Công cụ đó đang được phát triển và dữ liệu tìm được sẽ quý như vàng", ông nói.
Ứng dụng rõ ràng nhất của SNA là lĩnh vực nghiên cứu thị trường. Theo đó, công cụ tìm kiếm sẽ lướt trên blog và các trang như MySpace để có được dữ liệu về mọi thứ, từ "mốt" ăn kiêng cho đến quan điểm chính trị để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, điều này có thể tạo ra một làn sóng phản đối vì nó vi phạm quyền riêng tư. "Từ lâu đã có mối mâu thuẫn giữa lợi ích cộng đồng với lợi ích cá nhân", David Vaile, Phó chủ tịch Quỹ bảo vệ quyền riêng tư Australia, cho biết. "Những kẻ cơ hội thường khai thác sự nhập nhèm này để thu lợi".
Còn Steve Hodgkinson, thuộc hãng nghiên cứu Ovum, cho rằng đây chỉ là một hiện tượng xã hội vì việc xây dựng kiến thức là một tiến trình xã hội, nơi người ta nảy ra ý tưởng và thu lượm ý tưởng từ những người khác. Chuyên viên Brian Prentice của hãng nghiên cứu Gartner thì tin rằng sự phát triển của khoa học SNA sẽ làm thay đổi cách tương tác giữa những người dùng mạng xã hội với nhau. "Khi họ biết mình đang bị theo dõi, họ sẽ thay đổi hành vi", ông nói.
Theo Vnexpress