Việc Thủ Tướng quyết định dừng triển khai Đề án "Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2005" (ĐA 112) tiếp tục là vấn đề khiến báo chí phải tốn nhiều giấy mực.
Ông Diệp Văn Sơn - nguyên trưởng văn phòng phía Nam của bộ Nội Vụ nhận diện 3 vấn đề chính là: Chưa quan tâm xây dựng một nền hành chính được vận hành theo "công nghệ hành chính tiên tiến"; Vai trò của người được giao trách nhiệm và quyền hạn cần thiết để triển khai ứng dụng CNTT tại các đơn vị kể cả ở cấp quốc gia là chưa đủ tầm; Hạ tầng CNTT nhìn chung còn yếu kém, không đồng bộ, thiếu kết nối mạng hoặc kết nối không thông suốt nhưng điều đáng ngại hơn là nhiều nơi mới chỉ coi trọng đầu tư phần cứng, máy chủ mà không coi trọng xây dựng kết nối mạng để chia sẻ dữ liệu và thông tin ngay từ ban đầu.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội, CNTT chỉ là công cụ, không phải là mục đích. Nếu chúng ta không trả lời được một cách sáng rõ CNTT sẽ giúp cải tiến hoạt động quản lý như thế nào thì chuyện "sập bẫy" công nghệ sẽ xảy ra.
Ông Trần Việt Hùng, phó chủ nhiệm uỷ ban KHCN&MT của Quốc Hội cho rằng, các đề án từ trước đến nay ở Việt Nam đều mắc lỗi chung: Ý chí đi trước thực tế và trong khâu chuẩn bị đều rất thiếu đồng bộ. Đến khi triển khai lại nảy sinh sự yếu kém về quản lý nên sinh ra cực kỳ nhiều lỗ hổng và dễ xảy ra tiêu cực.
TS Nguyễn Quang A thì nhìn nhận, cái cần làm là CCHC vì chừng nào thủ tục hành chính còn chồng chéo, rắc rối, không đồng bộ thì mọi đề án, dự án và các khoản đầu tư cho CNTT đều vô nghĩa và khó tránh khỏi thất bại.
Với những người trong cuộc, TS Nguyễn Chí Công, tổ trưởng tổ Chuyên Môn của ĐA 112 cho biết, quá trình CCHC và tin học hóa là 2 vòng xoắn ốc, nếu không CCHC thì không có động cơ để tin học hóa và không tin học hóa thì không phát hiện được chỗ nào cần cải cách.
TS Vũ Đình Thuần, trưởng ban điều hành ĐA 112 lại giải thích việc Thủ Tướng quyết định ngưng triển khai ĐA 112 là sự điều chỉnh vĩ mô của Chính Phủ đối với những vấn đề lớn, đó là việc bình thường và chỉ là thay đổi cách làm để công việc đạt hiệu quả. Về những kết quả của ĐA 112, ông cho biết trên thực tế, ban điều hành (BĐH) đã rất cố gắng. Đầu mối chỉ đạo không chỉ có BĐH của Chính Phủ mà còn có rất nhiều bộ, ngành và địa phương. Tất cả các bộ ngành, địa phương đều có BĐH ĐA 112 riêng và phải chịu trách nhiệm tại địa bàn của mình. Về sự lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mà báo chí đã nêu, ông đề nghị các báo nên xem lại và đặt câu hỏi xem những số liệu đó được lấy ở đâu. Liệu ĐA 112 có là thất bại hay không? Theo ông đây là câu hỏi không hợp lý của báo chí vì điều này các cơ quan nhà nước có chức năng sẽ đánh giá.
Sau gần 1 năm đảm nhận cương vị Thủ Tướng Chính Phủ, ngày 10/5/2007 Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi thăm và làm việc với Bộ BCVT. Thủ Tướng nhận xét rằng ĐA 112 ra đời trước khi có bộ BCVT nên đến thời điểm hiện tại, bộ BCVT cần rút kinh nghiệm từ bài học này. Với vai trò là Trưởng Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT, Thủ Tướng đã đề nghị Bộ BCVT nên đưa ra những kế hoạch sát với thực tế, không quá xa vời và phải thực hiện quyết liệt. Đề án "Ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà Nước giai đoạn 2007 – 2010" phải đề ra mục tiêu cụ thể, thích hợp và có lộ trình rõ ràng để thực hiện thành công. Quan trọng nhất là đội ngũ công chức, viên chức phải nắm vững kiến thức cơ bản về CNTT, biết sử dụng máy tính và Internet để thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công.
(Theo Vnmedia/PCWorld VN tổng hợp)