Lang thang qua các hiệu sách từng là thú vui của Huang Jiwei - một nhà văn có tiếng kiêm chủ xuất bản và cũng là nhà sưu tập sách, sống ở Bắc Kinh. Ông có thể bỏ hàng giờ tản bộ giữa các giá sách, tìm những cuốn thú vị để khuân về nhà. Nhưng ông cũng thú thật rằng, những năm gần đây, ông ngày càng ít lui tới các hiệu sách. Như nhiều con mọt sách khác, ông thích tìm mua những cuốn sách mới, sách hiếm hoặc sách cũ qua các mạng như www.dangdang.com, www.joyo.com và www.booyee.com.cn hơn. Ông giải thích: “Tôi bị trói vào công việc hết ngày này sang ngày khác. Nhưng lý do chính là, mua sách qua mạng không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn rất tiện lợi.”
Trung Quốc có khoảng 137 triệu netizen (công dân mạng), một nửa trong số đó mua sách và DVD qua mạng. Các netizen thường chỉ phải trả 0,1 NDT (tương đương 200 VND) cho 1.000 từ tải về để đọc. Cuối năm 2006, ít nhất có 1.417 website có đăng ký cho phép các netizen tham khảo nội dung các ấn phẩm, 61 website trong số đó cung cấp nội dung nguyên bản.
|
Với ông Huang, hiệu sách bán trao tay theo kiểu truyền thống không thể mang đến cho ông những dịch vụ tiện ích và đa dạng như mạng internet. Chẳng hạn, thông qua các đường dẫn, mạng cho phép người mua tham khảo một loạt sách cùng chủ đề mà có thể họ chưa biết. “Chỉ vài cú nhấp chuột, bạn có thể lướt qua hàng nghìn đầu sách để tìm ra cuốn sách bạn yêu thích,” ông nói. “Và bạn có thể làm việc đó ở nơi làm việc hoặc ở nhà. Người bán sách sẽ giao sách, CD hoặc DVD đến tận tay bạn.”
Một điểm hấp dẫn nữa là mua sách qua mạng thường được giảm giá. Huang vừa mua một cuốn y học cổ truyền Trung Quốc với giá 17 NDT, trong khi giá ghi trên bìa là 29 NDT, bởi vì ông là khách VIP của hiệu sách online này. Những người không phải khách VIP cũng được mua với giá chỉ bằng 60% giá bìa – 17,5 NDT.
Hưởng ứng ý kiến của ông Huang, Fu Kui - một kỹ sư IT 32 tuổi - khẳng định, “đến hiệu sách giờ đã trở thành một việc làm xa xỉ” bởi giao thông ách tắc, lại thêm nỗi thiếu chỗ đậu xe.
Nhiều con mọt sách còn đọc luôn sách trên mạng thay vì mua các bản in. Từ tám năm nay, Li Jin - một kỹ sư đồ hoạ sống ở Bắc Kinh, chưa mua cuốn sách in nào. Li nói, “chỉ cần có thiết bị MP4 hoặc điện thoại di động là đọc được bất kỳ cái gì có trên mạng”. Li thường lướt các website như www.cmfu.com để tìm thông tin và tài liệu. “0,1 NDT (tương đương 200 VND) cho 1.000 từ là giá phổ biến nhất hiện nay. Giá này với tôi là phải chăng.”
Theo ông Xu Shengguo, nhà nghiên cứu của Viện Khoa học xuất bản Trung Quốc, cũng là tác giả chính của Báo cáo thường niên về ngành xuất bản ở Trung Quốc, từ vài thập niên trở lại đây, việc kinh doanh sách bán lẻ ở Trung Quốc có những thay đổi ngoạn mục. “Bên cạnh các hiệu sách bán trao tay, độc giả còn có nhiều kênh khác để mua sách,” ông Xu nói. Ông cho biết, cuối năm 2006, hầu hết trong số 565 nhà xuất bản ở Trung Quốc đều có hiệu sách online, đồng thời còn giới thiệu ấn phẩm của mình trên khoảng 300 website khác của tư nhân. Cũng theo ông Xu, năm 2006, lãi ròng từ sách bán lẻ ở Trung Quốc đạt 50 tỷ NDT (6,5 tỷ USD), trong đó, lãi ròng từ bán sách qua mạng chiếm khoảng 1 tỷ NDT (130 triệu USD) - tăng 2% so với năm trước.
Theo báo cáo tháng 1 năm nay của China Internet Network Information Center (Trung tâm thông tin mạng lưới internet), đến cuối năm 2006, Trung Quốc có khoảng 137 triệu công dân mạng, một nửa trong số đó mua sách và DVD qua mạng. Còn theo báo cáo về thị trường do bộ phận nghiên cứu của China Book Business News (Bản tin kinh doanh xuất bản phẩm của Trung Quốc) công bố cuối tháng tư vừa qua, Trung Quốc đã sản xuất ít nhất 530 nghìn đầu sách điện tử, trong đó 120 nghìn đầu sách vừa được phát hành trong năm 2006.
Pang Jingwen, Giám đốc www.du8.com, khẳng định, số lượng người mua và đọc sách trên mạng sẽ tăng đột biến trong những năm tới. Website của ông khá nổi tiếng, với ít nhất ba triệu khách hàng đăng ký dài hạn để được tham khảo hoặc download nội dung các ấn phẩm.
Hơn hai thập kỷ trước, người ta đã tiên đoán, với tiến bộ về công nghệ, xã hội sẽ sớm được giải phóng hoàn toàn khỏi giấy tờ. Khi đó, chắc chắn các hiệu sách truyền thống chỉ còn nước đóng cửa. Tuy nhiên, theo ông Xu, lời tiên đoán này chưa thể trở thành hiện thực, ít ra là trong tương lai gần. Ông cho rằng, trước mắt, sách in vẫn tồn tại, bởi vậy chẳng lý gì mà các hiệu sách lại biến mất. Nhưng với thị trường ngày càng đa dạng, “những hiệu sách truyền thống chắc chắn sẽ chỉ còn giữ một vị trí khiêm tốn”.
Vẫn lạc quan, ông Li Yuemin, Giám đốc Hiệu sách Tân Hoa ở Vương Phủ Tỉnh, một trong những hiệu sách lớn nhất ở Trung Quốc, nói: “Những hiệu sách bán trao tay theo kiểu truyền thống hiện vẫn là lựa chọn hàng đầu của người mua ở Trung Quốc.” Ông cho biết, hiệu sách bảy tầng của ông mỗi năm thu về ít nhất 180 triệu NDT (tương đương 23,5 triệu USD), và riêng quý một năm nay, doanh thu đã đạt 50 triệu NDT (6,5 triệu USD), tăng 17,6% so với năm trước.
Trên thực tế, trước xu hướng mới của thị trường, các đơn vị phát hành sách đã phải liên tục điều chỉnh hoạt động của mình, chẳng hạn, những đại lý nhỏ ở các tỉnh hợp nhau lại để thành lập công ty theo kiểu tập đoàn, và phải bắt tay hợp tác với các hiệu sách online. Mới nhất, ngày 30 - 5 vừa qua, Công ty cổ phần Tân Hoa, Tứ Xuyên đã niêm yết trên thị trường Hồng Công với giá trị cổ phiếu chào bán lần đầu ra công chúng là 2,2 tỷ HKD (281 triệu USD), trở thành công ty phát hành sách đầu tiên của Trung Quốc tham gia thị trường chứng khoán.
Theo Nhân dân