Thứ tư, 31/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 09/06/2007
Gia công phần mềm của Việt Nam: Đường đến…1 tỷ USD

Nhân viên Công ty FPT Software tại TPHCM đang gia công phần mềm.

 Ngày 8/6, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) Đỗ Trung Tá và Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã khai mạc hội thảo gia công xuất khẩu phần mềm (PM) Việt Nam 2007. Hội thảo thu hút sự tham dự của các hiệp hội công nghệ thông tin (CNTT), các nhà quản lý, các tập đoàn trong và ngoài nước. Tại hội thảo, thực trạng gia công xuất khẩu PM Việt Nam hiện nay, giải pháp và định hướng phát triển thị trường trong thời gian sắp tới đã được nêu ra, thảo luận…

Chậm chân và... lợi thế

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT Bộ BCVT, doanh số năm 2006 của công nghiệp phần mềm (CNPM) nước ta đạt 350 triệu USD. Trong số đó, thị trường trong nước đạt doanh thu 240 triệu USD, gia công xuất khẩu đạt 110 triệu USD. Mức tăng trưởng trong năm 2006 đạt 41%, tăng trưởng toàn ngành trong 5 năm qua đạt trên 40%. Riêng gia công xuất khẩu PM năm 2006 tăng 57%. Trong số hơn 750 doanh nghiệp PM hiện nay đang sử dụng 35.000 nhân lực làm PM chuyên nghiệp.

“Một trong những thế mạnh của Việt Nam hiện nay là chi phí hoạt động và giá thuê nhân công chỉ bằng 1/3 so với Ấn Độ, bằng ½ Trung Quốc”, ông Đường cho biết.

Tuy có những chỉ số tăng trưởng khả quan như vậy, nhưng có một thực tế là so với các quốc gia phát triển của châu Á, chúng ta bắt đầu từ một xuất phát điểm thấp và chậm chân hơn họ khá nhiều. Tiến sĩ Hoàng Lê Minh, Phó Giám đốc Sở BCVT TPHCM nhận định: “CNPM Việt Nam hiện nay đang ở mức phát triển mà Ấn Độ đã trải qua cách đây khoảng 20 năm. Tuy vậy, chúng ta có nhiều lợi thế hơn để đi tắt, đón đầu”.

Những lợi thế đó, theo ông Minh, là hạ tầng viễn thông, chi phí truy cập Internet đã giảm so với trước. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có lợi thế là thị trường tiêu thụ PM và dịch vụ nội địa phong phú, đang là một yếu tố kích thích sự phát triển lớn.

Sự chậm chân đó, theo các chuyên gia tại hội thảo, khiến cho sự bứt phá vươn lên của ngành CNPM tuy có thể chọn những con đường ngắn nhưng lại vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt là với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, với việc xuất phát sau, chúng ta có hạn chế về quy mô và số lượng các doanh nghiệp gia công xuất khẩu PM. Hơn nữa, sự liên kết hỗ trợ của các doanh nghiệp này lại rất hạn chế.

Theo Quyết định số 51/2007/QĐ-TTg, mục tiêu của chúng ta là đến cuối năm 2010, PM và dịch vụ CNTT là đạt doanh số 800 triệu đến 1 tỷ USD trong đó xuất khẩu chiếm 60%. Để có thể đạt đến con số phát triển đó, các chuyên gia cho rằng CNPM của chúng ta cần đột phá…

Đột phá được không?

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân (thứ hai từ phải qua) trao đổi với các đại biểu tham dự Hội thảo gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam 2007.

Theo ông Phạm Tấn Công, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp PM Việt Nam (Vinasa), để trở thành một nước xuất khẩu PM lớn cần phải đáp ứng được 5 yếu tố đó là: con người, công nghệ, kinh nghiệm chuyên môn, vốn và thị trường. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ được đánh giá cao yếu tố con người, nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở mức năng lực cao, giá nhân công rẻ.

Còn lại các yếu tố khác chưa có hạ tầng cơ sở để đáp ứng yêu cầu. Muốn PM Việt Nam xuất hiện trên bản đồ PM thế giới chúng ta cần phải xây dựng được nguồn nhân lực quốc tế. Chính nguồn nhân lực quốc tế đó sau quá trình làm việc với nước ngoài sẽ dần dần đem về cho Việt Nam những công nghệ, kinh nghiệm chuyên môn, vốn và thị trường mới.

Tuy cũng cho rằng cần phải có nhiều nỗ lực, nhưng ông Kulkarni, Giám đốc điều hành Global Delivery Việt Nam cũng chỉ ra một số điểm mạnh như khả năng về toán học, chính sách phát triển công nghiệp CNTT tốt, nhân công giá rẻ. Đặc biệt, văn hóa thích ổn định khiến tỷ lệ chuyển việc ở Việt Nam thấp, chỉ 5% – 7% cũng là một điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp PM phát triển. Theo ông Kulkarni, chúng ta hoàn toàn có khả năng “nhảy vọt”.

Với xu thế hội nhập, thực tế hiện nay là nhiều điểm yếu của Việt Nam đang được khắc phục. Chất lượng nguồn nhân lực đang được cải thiện, và cái nhìn về Việt Nam đang ngày càng gần gũi hơn so với các nhà đầu tư thế giới.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, với sự nỗ lực từ phía chính phủ và doanh nghiệp, một cơ hội lớn cho các bước phát triển nhảy vọt của ngành CNPM Việt Nam đang đến gần. Và ngưỡng 1 tỷ USD, theo các chuyên gia, là con số chúng ta hoàn toàn có thể đạt được trong 3 năm tới…

TPHCM phấn đấu phát triển CNTT như Singapore

Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở BCVT TPHCM cho biết: Ước tính 6 tháng đầu năm 2007, doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn TPHCM đạt 7.200 tỷ đồng. Tổng số thuê bao điện thoại đạt 7,77 triệu, mật độ 125 máy/100 dân, trong đó có 6,2 triệu thuê bao ĐTDĐ. Về doanh nghiệp CNTT, có 6.067 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký hơn 16.000 tỷ đồng; 106 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD. TPHCM là đơn vị đầu tiên ở phía Nam sử dụng chữ ký số và hệ thống chứng thực điện tử tại Sở BCVT.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, CNTT viễn thông là một trong những lĩnh vực tiềm năng, một trong những ưu thế của TPHCM cần tăng cường đầu tư trong những năm tới. “Mục tiêu phấn đấu của chúng ta là phát triển như Singapore. Chúng ta chưa làm được, nhưng phải làm được, thậm chí phải làm hơn như vậy”, Chủ tịch Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.  

 

Theo Vnmedia

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0